Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

18. BA QUẺ DỊCH NÊN HỌC TẬP / Tìm Hiểu Thánh Truyền Trung Hưng - Năm Canh Tý (1960)

 

18. BA QUẺ DỊCH NÊN HỌC TẬP

Tu xá Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam)

ngày 09-9 Canh Tý (Thứ Sáu 28-10-1960)

THI

TIẾP kỳ giáo hóa độ quần lê ([1])

VĂN chất bân bân,([2]) trọn mọi bề

PHÁP đạo đã ban, người gắng giữ

QUÂN đồng quân mạng ([3]) quyết quay về.

Bản Quân chào chư phận sự, chư đạo tâm, chư tu sĩ. Mời an vị.([4])

Bản Quân được lệnh Tôn Sư giao bộ ([5]) tịnh đường để xét lại những ai sớm chiều trọn nguyện. Nhưng than ôi, máy Tạo mầu vi, lòng đời còn tà tâm tư dục làm sao thấu được lẽ Trời! Một sắc một không chưa dễ lòng phàm thấu biết. Máy dinh hư tiêu tức ([6]) thoạt thấy thoạt không, nếu chẳng trọn đức chí thành đâu dễ suốt tường lẽ Đạo.

Đây, Bản Quân đặt một bài chứng minh để cho tịnh chúng([7]) rõ đường mà hối quá ([8]) lòng mình, để sống liền trong máy nhiệm.([9])

Buổi đời hạ nguơn mạt pháp nầy nhơn loại sống trong vòng đau khổ tối tăm. Cơ khí phát sinh văn minh thịnh đạt là mầm suy bại mê ngu. Thời nầy bên ngoài ngó như mỹ lệ huy hoàng mà bên trong tinh thần quá nên suy yếu. Thời nầy gọi là thời Bĩ.([10]) Sau Bĩ đến Bác.([11]) Bĩ, Bác đã làm cho chánh pháp lu mờ, phần thì lũ tiểu nhơn đã trở nên cực thịnh. Thế mà trong đám tàn bạo vô lương kia cũng còn có một hào lục tambiết bỏ bầy tiểu nhơn mà theo cùng quân tử.([12]) Thượng cửu đã quá mong manh như trứng trong ác. Thế thì dương đạo đã đến lúc suy tàn. Dương đạo đã suy tàn thì nhơn loại tức khắc phải nguy vong. Ôi, ai không đáng sợ, đáng kinh!

Thế mà không đâu! Quân tử không bao giờ tuyệt dứt, tiểu nhơn không mấy thuở trường tồn. Hễ bên nầy một âm trưởng, thì bên kia một dương cũng trưởng. Ví như mười hai bánh xe đi song hành. Hễ có trưởng ắt có tiêu, nên sau cái vui có cái buồn. Có cái suy tức là có cái thạnh. Mỗi ngày mười hai giờ. Mỗi năm mười hai tháng. Lớn ra một nguyên, một hội,([13]) đều có một quẻ hiện ra, một quẻ ẩn giấu, mà lúc nào ta chỉ được thấy sáu hào ([14]) cũng như đêm ẩn ngày hiện vậy.

Nói về tháng, như:

- Tháng Giêng, tháng Bảy: quẻ Thái, quẻ Bĩ.

- Tháng Hai, tháng Tám: quẻ Tráng, quẻ Quan.

- Tháng Ba, tháng Chín: quẻ Quải, quẻ Bác.

- Tháng Tư, tháng Mười: quẻ Càn, quẻ Khôn.

- Tháng Năm, tháng Mười Một: quẻ Cấu, quẻ Phục.

- Tháng Sáu, tháng Mười Hai: quẻ Độn, quẻ Lâm.

- Tháng Bảy, tháng Giêng: quẻ Bĩ, quẻ Thái.

- Tháng Tám, tháng Hai: quẻ Quan, quẻ Tráng.

- Tháng Chín, tháng Ba: quẻ Bác, quẻ Quải.

- Tháng Mười, tháng Tư: quẻ Khôn, quẻ Càn.

- Tháng Mười Một, tháng Năm: quẻ Phục, quẻ Cấu.

- Tháng Mười Hai, tháng Sáu: quẻ Lâm, quẻ Độn.



Quay giáp ([15]) lại: Tý Ngọ [Phục Cấu], Sửu Mùi [Lâm Độn], Dần Thân [Thái Bĩ], Mẹo Dậu [Tráng Quan], Thìn Tuất [Quải Bác], Tỵ Hợi [Càn Khôn], Ngọ Tý [Cấu Phục], Mùi Sửu [Độn Lâm], Thân Dần [Bĩ Thái], Dậu Mẹo [Quan Tráng], Tuất Thìn [Bác Quải], Hợi Tý [Khôn Càn].([16])

Vòng bên này: [A] Phục, Lâm, Thái, Tráng, Quải, Càn;([17]) thì vòng bên kia: [B] Cấu, Độn, Bĩ, Quan, Bác, Khôn.([18]) Mà lúc nào ta cũng thấy trong mười hai quẻ: Hễ bên này hiện ra Bác, thì bên kia ẩn lấy Quải mà chờ thời. Tháng nầy là tháng Chín,([19]) là quẻ Bác. Thế thì các hiền ở trong thời Bác, nên lựa lấy hào nào để tu thân xử sự?

Sau quẻ Bác đến quẻ Phục, đến Vô Vọng, đến Đại Súc. Hôm nay Bản Quân giải ba quẻ nầy để chư hiền nương đó mà tu, nương đó mà học mà làm.

1. Đã nói nữ phái được hồng ân xây dựng một Hội Thánh quyền pháp thì Ơn Trên đã ban cho một bí quyết thành công. Bí quyết đó là quẻ Phục.([20])

Quẻ Phục là giai đoạn đầu của thời kỳ chỉnh cơ lập pháp, dựng lấy nền tảng pháp quyền, thế mà nữ phái đã thấy gì đâu. Từ mười mấy ngàn năm nay chưa có một dịp nào phái yếu được đứng ra hưởng trọn hồng ân như buổi Tam Kỳ Phổ Độ. Nữ phái đã được bình đẳng trong cơ cứu chuộc của Đạo Trời. Nữ phái chung bàn sự đời việc đạo. Ân phước lớn lao. Đã chết đi mà được sống lại. Trong tối tăm hốt nhiên ([21]) xán lạn. Đương đau khổ mà thấy an nhàn. Ân phước lớn lao kia chẳng những riêng cho nữ phái mà cho chung cả nhơn loại trên hoàn cầu.

Bác đã thành công, chốc ([22]) lại hóa buổi Thuần Khôn ([23]) đen tối. Thầy phát tâm từ bi thị hiện ([24]) giữa buổi thế giới tàn tạ khốn cùng, quay ngược bánh xe thiên điển, tái tạo cho loài người chuyển Khôn thành Phục. Vì thế mà bốn biển được hồi sinh. Vạn vật nơm nớp ([25]) sống còn mới thấy lòng háo sinh của trời đất. Nên muốn biết được lòng thương yêu tái tạo loài người, không ngó đâu ngoài mà ngó vào quẻ Phục.

Quẻ Phục hào sơ cửu ([26]) là hồn nhiên thiên lý, bản thể của chúng sinh. Lôi ([27]) đã khởi đầu thì trập trùng vạn hóa ([28]) khởi sinh, mà Phục là quay về trở lại nguồn gốc vô vi thanh tịnh, nhứt khí Hư Vô.([29]) Khí ấy là mẹ đẻ khắp vạn loại. Khí Hư Vô là đó. Khí đã khởi sanh thì bản sanh hồi cố,([30]) nên dưới Khôn có Chấn,([31]) cũng như đất có huyền khí thượng thăng,([32]) mà đó cũng là Tổ Mẫu Huyền Quan Nhứt Đạo, thì ráng công tu dưỡng ngày ngày, đem hết quan thức tâm năng vào trong mà ôn tu, điều dưỡng.

Sơ cửu: Bất viễn phục,([33]) ví như Nhan Hồi chẳng lỗi hai lần.([34]) Dầu cho trung chính ([35]) đủ quyền như lục nhị cũng phải hạ mình mà tùy thuận theo quân tử dương đạo.([36]) Sao mà các hiền không noi lấy để tu. Mãi cứ la đà mê đắm như hào lục tam.([37]) Mãi cứ tần thất, tần phục,([38]) tham muốn hư thân, sám hối nhiều lần, tu rồi bỏ, bỏ rồi tu, kết quả cuộc đời ở đâu vào đó. Dầu ở trong thời Phục lắm người tội lỗi, chống chế quyền pháp, cố hại người hiền, các hiền không đủ sức dàn xếp cản ngăn thì ở như hào lục tứ ([39]) độc phục,([40]) thành tâm theo Đạo ([41]) mà dưỡng chí. Nếu hiền nào cảm thông lý nhiệm thì gắng lòng độc phục, đừng chống trái như thượng lục ([42]) tội lỗi vô cùng. Tội lỗi nầy quá nên táo bạo, chống Trời không nơi an ẩn.([43])

2. Về quẻ Thiên Lôi Vô Vọng.([44]) Hào sơ cũng như sơ cửu quẻ Phục, đã vô vọng ([45]) là hồn nhiên thiên lý, chẳng để một mảy riêng tư. Mà chư tu sĩ đây đã nguyện đi lên đường giải thoát, phải làm sao tu lấy vô vọng,([46]) phải luôn luôn chờ đợi lịnh Thầy, biết thời mà xử sự.([47]) Vô vọng rồi thì thiên hạ tôn trọng. Tôn trọng là được tâm vô vọng.

Sơ cửu, lục nhị đứng trong thời động mà động là vô vọng.([48]) Cửu tứ, cửu ngũ đứng trong thời tịnh mà tịnh là vô vọng.([49]) Vô vọng khế hợp với Đạo Trời.

Trái lại, đứng trong hồi tịnh mà động là vọng,([50]) như thượng cửu,([51]) thì thân phải nguy. Hơn nữa, tu mà không kềm chế được bản tánh, không in khuôn ([52]) quyền pháp, nên phải chịu cái vạ vô cớ, họa gởi tai bay như hào lục tam.([53]) Không ăn trộm trâu mà người ta nghi mình cắp giấu.([54])

Ở trong thời vô vọng mà còn vọng, đã tu mà chẳng khép nép tinh tường ([55]) để cho tà niệm vọng lên,([56]) nên người lấy đó làm ngờ. Nên khuyên người cẩn thận giữ gìn.

Đã tu phải bị khảo. Ma có khảo, đạo mới thành.([57]) Sự thử thách nầy nào khác chi hào cửu ngũ,([58]) đã được trung được chính,( [59]) thì có ngại gì tai tật ([60]) qua loa.

Thế thường hễ đau là uống thuốc, mà ở trong vô vọng thì [nào] có tật ([61]) gì. Dầu có như Khổng Phu Tử bị vây khốn ở Trần, Thái mà giữ được thanh tịnh tự nhiên;([62]) rồi muôn việc cũng qua, mà tỏ được chí mình hồn nhiên vô vọng.

Nên người tu như các Thiên ân hướng đạo, như chư tu sĩ xuất gia lo gì mà không đủ trợ duyên phần no ấm.([63]) Ăn cơm nhân dân, làm việc xã hội, thọ ân đạo tràng, khai thông đạo pháp. Nên làm con người sống với mười phương. Đừng nhỏ nhen. Ăn cơm nhà, làm việc nhà, chưa phải con người tu sĩ.

3. Quẻ Đại Súc,([64]) tượng từ cho biết ([65]) là uốn nắn con người có cái lòng vô vọng, có cái pháp vô vi, uẩn súc ([66]) nơi trong đầy đủ, tài đức vẹn toàn để gánh vác Đạo Trời, lo cho phong thuần tục mỹ,([67]) súc tụ ([68]) được tinh ba Tạo Hóa, quyền pháp đầy đủ, thì lo gì không vui đẹp.([69])

Nhưng người quân tử không nên chấp ([70]) một điều nào. Quán ([71]) vô thường, vô ngã, vô tướng, vô nguyện,([72]) để chịu đựng với bao nghịch cảnh oái oăm.([73])

Không phải lúc nào dương cũng cứng, âm phải mềm. Ở thời Súc nầy, âm súc dương ([74]) nên người quân tử phải biết thời mà hạ mình, ẩn nhẫn ([75]) lo trọn lấy đạo vô vi.

Ôi, sơ nhị dương cương! ([76]) Quân tử mà sơ bị lục tứ chỉ súc; nhị bị lục ngũ cản ngăn; thế mà sơ phải ép nép chịu hư, nhị được trung kiên Càn tượng mà cũng thối bước dừng chơn.([77])

Ôi! Cái thời sao mà quá đau đớn cho người quân tử, dầu tài ba đức độ như cửu nhị cũng phải tháo trục gác xe.([78]) Âm đã đến buổi cường bạo lớn lao thì dầu dương có cương kiện cũng không sao tiến được. Tứ âm mà súc sơ dương,([79]) đến như câu Đồng ngưu chi cốc.([80])

Lục ngũ súc cửu nhị,([81]) thật không nói ứng đối làm gì, nhơn tình là thế! Đau đớn cho lục ngũ, tàn bạo như vật có vuốt, có nanh.([82]) Nếu không biết cách tảo trừ độc hại thì đạo pháp đâu còn, vì vậy mà nói: Phần thỉ chi nha, cát.([83])

Các hiền tu nên học quẻ nầy để xét xử nhơn tình, an mạng thính Thiên.([84]) Quẻ nầy âm súc dương,([85]) tức là tiểu nhơn cầm quyền quân tử.([86]) Nên hào cửu tam, thượng cửu lại tương đồng tương đắc, hòa nhau mà tiến, lo cho mối Đạo đại hành.([87])

Ba quẻ nầy nên đem ra học tập.([88])

Xin chào quý liệt đẳng chư hướng đạo, chư tu sĩ.



([1]) quần lê (citizens): Dân chúng (dân đen, lê dân 黎民).

([2]) văn chất bân bân 文質彬彬 (refinement and raw qualities are equally blended): Văn nhã và chất phác đều nhau. Luận Ngữ (6:18) chép lời Đức Khổng Tử: Chất thắng văn tắc dã; văn thắng chất tắc sử; văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử. 勝文則野; 文勝質則史; 文質彬彬; 然後君子. Chất phác trội hơn văn nhã là kẻ quê mùa; văn nhã trội hơn chất phác là kẻ chép sử (thư ký); văn nhã và chất phác ngang nhau là người quân tử. (If raw substance dominates refinement, that’s a rustic man. If refinement dominates raw substance, that’s a clerk. When refinement and raw qualities are well blended, that’s a superior man.)

([3]) quân đồng quân mạng 君同君命 (you with your mission): Các vị cùng với sứ mạng các vị.

([4]) an vị 安位 (taking a seat): Ngồi, an tọa 安坐.

([5]) bộ, bạ 簿 (register): Sổ sách ghi chép.

([6]) dinh hư tiêu tức 盈虛消息 (full, not full, decreasing, increasing): Đầy vơi giảm tăng (đồng nghĩa dinh hư tiêu trưởng 盈虛消. Kinh Dịch (quẻ Phong ): Nhựt trung tắc trắc, nguyệt dinh tắc thực, thiên địa dinh hư, dữ thời tiêu tức, nhi huống ư nhân hồ? huống ư quỷ thần hồ? 日中則昃, 月盈則食, 天地盈虛, 與時消息, 而況於人乎? 況於鬼神乎? The sun at midday will decline; the full moon will wane. If heaven and earth are now full, now not full, and decrease or increase with the seasons, let alone men! Let alone deities! (Mặt trời lên đỉnh đầu sẽ xế, trăng đầy sẽ khuyết, trời đất đầy vơi, cùng với thời gian mà giảm hay tăng. Huống hồ con người? Huống hồ quỷ thần?) máy dinh hư tiêu tức (Tạo Hóa chi cơ 造化之機: the mechanism of nature, the mechanism of yin-yang): Máy Tạo, máy âm dương, sự vận hành của trời đất.

([7]) tịnh chúng 淨眾 (inner self-cultivators): Các tịnh sĩ, các tịnh viên, những người tu tịnh (tịnh luyện).

([8]) hối quá 悔過 (repenting): Hối lỗi, ăn năn sám hối.

([9]) máy nhiệm (huyền cơ 玄機: mysterious mechanism): Máy Trời mầu nhiệm.

([10]) Bĩ: Thiên Địa Bĩ 天地否 (Heaven-Earth Standstill), quẻ Dịch 12, ứng vào thời kỳ con người trọng vật chất, ham đấu tranh, chạy theo dục vọng, sống phù phiếm. Đạo đức, nhân nghĩa hời hợt trên đầu môi chót lưỡi, xa rời lòng người.

([11]) Bác: Sơn Địa Bác 山地剝 (Mountain-Earth Splitting Apart), quẻ Dịch 23, ứng vào thời kỳ tà thuyết thịnh, chánh đạo suy, đất nước thiếu lãnh tụ anh minh, đời vắng bóng hiền nhân, quân tử.

([12]) hào lục tam (lục tam hào 六三爻: the third six); thượng cửu [hào] 上九爻 (the top nine): Hào lục là hào âm (vạch đứt), thường tượng trưng tiểu nhân. Hào cửu là hào dương (vạch liền), thường tượng trưng quân tử. Mỗi quẻ có sáu hào. Từ dưới đếm lên thì lục tam là hào âm thứ ba, và thượng cửu là hào dương thứ sáu (ở trên cùng). Trong quẻ Sơn Địa Bác Description: http://nhantu.net/DichHoc/Bitmap/23Bac.gif, hào lục tam ở giữa một đám tiểu nhân, nhưng theo nguyên tắc đối ứng (hào 1 ứng với hào 4, hào 2 ứng với hào 5, hào 3 ứng với hào 6) thì lục tam ứng với thượng cửu, và Đức Tiếp Văn Pháp Quân giảng là một hào lục tam biết bỏ bầy tiểu nhơn mà theo cùng quân tử.

([13]) Theo Hoàng Cực Kinh Thế 皇極經世 của Thiệu Khang Tiết 邵康節 (1011-1077) thì một nguyên gồm 12 hội ; một hội gồm 30 vận ; một vận gồm 12 thế , một thế gồm 30 năm. Vậy, một vận gồm 360 năm, một hội gồm 10.800 năm, một nguyên gồm 129.600 năm.

([14]) sáu hào (lục hào 六爻: six lines): Sáu vạch của mỗi quẻ Dịch, hoặc là vạch đứt (hào âm, gọi là lục) hay liền (hào dương, gọi là cửu).

([15]) giáp: Mười hai con giáp (Tý, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), phối hợp thành mười hai cặp, ứng với mười hai cặp quẻ. Mười hai cặp quẻ như [Phục Cấu], [Lâm Độn], v.v… kèm theo từng cặp giáp là do chúng tôi thêm vào.

([16]) Xem sáu đường kinh tâm (diameters) nối sáu cặp quẻ Dịch trong sơ đồ chúng tôi vẽ thêm (xem ở trên) để minh họa lời dạy của Đức Tiếp Văn Pháp Quân.

([17]) Bắt đầu từ quẻ Phục vì có nhất dương sanh (ứng với Tý, tháng Mười Một âm lịch).Từ Phục tới Càn là dương trưởng âm tiêu.

([18]) Bắt đầu từ quẻ Cấu vì có nhất âm sanh (ứng với Ngọ, tháng Năm âm lịch). Từ Cấu tới Khôn là âm trưởng dương tiêu.

([19]) Đàn cơ này lập ngày mùng Chín tháng Chín năm Canh Tý.

([20]) Phục: Địa Lôi Phục 地雷復 (Earth-Thunder Return), quẻ Dịch 24, ứng vào thời kỳ đạo lý hồi phục, con người biết quay về với những giá trị tinh thần, tâm linh cao quý mà họ đã quay lưng chối bỏ trong thời kỳ Bát Thuần Khôn.

([21]) hốt nhiên 忽然 (suddenly): Bất ngờ, bỗng nhiên.

([22]) chốc (a short while): Chốc lát, một chốc.

([23]) Thuần Khôn: Bát Thuần Khôn 八純坤, quẻ Dịch 2, ứng vào thời kỳ mạt kiếp, mạt pháp, nhiễu nhương máu lửa. Quẻ Khôn dạy con người hãy luôn đề phòng, đừng để nước đến chân mới nhảy; hãy biết nhìn xa trông rộng, lo toan, ngăn chặn ngay từ lúc hiểm họa mới manh nha. Để hộ mạng, hãy biết tích đức, tu nhân, làm lành lánh dữ. Quẻ Khôn dạy con người hãy biết nhu thuận, hòa hợp, để chung tay góp sức đắp xây việc lớn.

([24]) thị hiện 示現 (displaying, appearing): Bày ra, hiện rõ, xuất hiện.

([25]) nơm nớp (anxious): Phập phồng lo sợ.

([26]) hào sơ cửu (sơ cửu hào 初九爻: the bottom nine): Vạch liền ở dưới cùng của quẻ Phục, là hào dương.

([27]) Lôi (Thunder): Sấm; nội quái (nằm dưới) của quẻ Phục, là quẻ Chấn  trong bát quái.

([28]) vạn hóa 萬化: Vô vàn những biến hóa (thiên biến vạn hóa).

([29]) khí Hư Vô (Hư Vô chi khí 虛無之氣): Là khí Hồng Mông, khí Tiên Thiên khi vũ trụ chưa tạo thành. Khí Hư Vô sinh ra Thái Cực.

([30]) bản sanh hồi cố 本生回固 (one’s own vitality regains its strength): Sự sống vốn có trong mỗi người hồi phục sức mạnh.

([31]) Quẻ Phục gồm ngoại quái Khôn (Earth: Đất) nằm trên, và nội quái Chấn 震 (Thunder: Sấm sét) nằm dưới.

([32]) huyền khí thượng thăng 氣上升 (mysterious “qi” ascends): Khí mầu nhiệm bay lên.

([33]) Sơ cửu: Bất viễn phục. 初九: 不復遠 (The bottom nine: Returning from a short distance): Hào một dương: Chưa đi xa đã quay trở về; ý nói lỗi lầm vừa mới chớm là biết hối cải liền.

([34]) Nhan Hồi chẳng lỗi hai lần: Câu này dẫn lại Hệ Từ Hạ, nguyên văn: [顏回] 有不善未嘗不知, 知之未嘗復行也. [Nhan Hồi] Hữu bất thiện vị thường bất tri, tri chi vị thường phục hành dã. (Nhan Hồi có điều chẳng lành thì chưa hề không biết lỗi; đã biết lỗi ấy rồi thì chưa hề tái phạm vậy.

([35]) trung chính 中正: Hào lục nhị nằm giữa nội quái quẻ Phục nên đắc trung. Hào này ở vị trí âm (nhị) và bản chất lại âm (lục) nên đắc chính. Vậy gọi là trung chính, tức là đắc trung đắc chính.

([36]) quân tử dương đạo: Là nói hào sơ cửu quẻ Phục. Lục nhị ở bên trên sơ cửu nên Đức Tiếp Văn Pháp Quân bảo lục nhị cũng phải hạ mình mà tùy thuận theo quân tử dương đạo.

([37]) hào lục tam (lục tam hào 六三爻: the third six): Vạch đứt thứ ba của quẻ Phục, từ dưới đếm lên, là hào âm. Hào này tượng trưng những người thiếu nghị lực, muốn bỏ tật xấu mà không thể dứt bỏ, vẫn yếu lòng nên tái phạm nhiều lần, giống như đã biết tắm rửa sạch sẽ rồi mà vẫn lấy quần áo dơ bẩn mặc lại.

([38]) tần thất, tần phục 頻失, 頻復 (frequently making mistakes and frequently repenting): Thường xuyên phạm lỗi và thường xuyên ăn năn. Tần phục là hai chữ dùng trong hào lục tam. Đức Tiếp Văn Pháp Quân giải thích ý nghĩa cụm từ tần thất, tần phục như sau: tham muốn hư thân, sám hối nhiều lần, tu rồi bỏ, bỏ rồi tu.

([39]) hào lục tứ (lục tứ hào 六四爻: the fourth six): Vạch đứt thứ tư của quẻ Phục, từ dưới đếm lên, là hào âm.

([40]) Lục tứ: Trung hành độc phục. 六四: 中行獨復 (The fourth six: Walking in the midst of others, returning alone to one’s proper path): Đây là hào từ của lục tứ. Hào này tượng trưng những người sống như những cánh sen trong bùn, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Tuy sống trong xã hội điên đảo, giữa đám tiểu nhân, họ vẫn giữ vẹn đạo lý, một mình lẻ loi trở về với chánh đạo (đó là độc phục).

([41]) theo Đạo (tòng Đạo 從道: following the Dao): Tượng từ 象詞 của hào lục tứ nói: Trung hành độc phục, dĩ tòng Đạo dã. 中行獨復, 以從 道也. (Một mình quay về để mà theo Đạo vậy.)

([42]) thượng lục 上六 (the top six): Vạch đứt ở trên cùng của quẻ Phục, là hào âm. Hào này tượng trưng cho những người ở địa vị cao tột mà u mê, không chịu gần người hiền, không biết phục thiện để cải tà quy chánh, lại ỷ quyền thế mà bất chấp tất cả lẽ phải, coi trời bằng vung. Vì vậy Đức Tiếp Văn Pháp Quân bảo rằng họ tội lỗi vô cùng, táo bạo, chống Trời.

([43]) an ẩn 安隱 (safely hiding): Ẩn trốn an toàn.

([44]) Thiên Lôi Vô Vọng 天雷無妄 (Heaven-Thunder Innocence): Quẻ Dịch 25. Vô vọng là hồn nhiên.

([45]) vô vọng 無妄 (innocent, innocence): Đức Tiếp Văn Pháp Quân giảng là: hồn nhiên thiên lý, chẳng để một mảy riêng tư.

([46]) tu lấy vô vọng: Giữ lòng vô tư, hồn nhiên, thanh tịnh lo tu.

([47]) biết thời mà xử sự (acting in accordance with circumstances): Đức Tiếp Văn Pháp Quân sẽ giảng thêm ý này ở đoạn dưới khi nói về sơ cửu, lục nhị, và về cửu tứ, cửu ngũ.

([48]) Hành động hợp thời nên được vô vọng. Ở đây vọng nghĩa là tùy tiện, bất cẩn, không nghĩ tới hậu quả (rash, reckless, impetuous).

([49]) Ở yên hợp thời nên cũng được vô vọng. Ở đây vọng nghĩa là tùy tiện, bất cẩn, không nghĩ tới hậu quả (rash, reckless, impetuous).

([50]) Hành động không hợp thời tức là vọng động (reckless action).

([51]) thượng cửu 上九 (the top nine): Vạch liền trên cùng của quẻ Vô Vọng, là hào dương. Hào này cảnh báo rằng hành động không hợp thời thì mang họa, tức là hành hữu sảnh (行有眚: improper action brings misfortune) như hào từ của thượng cửu đã nói.

([52]) in khuôn (strictly following): Rập theo, làm y hệt theo.

([53]) hào lục tam (lục tam hào 六三爻: the third six): Vạch đứt thứ ba của quẻ Vô Vọng, từ dưới đếm lên, là hào âm. Hào này cảnh báo về những tai bay vạ gió trong đời người.

([54]) Câu này nhắc tới hào từ của lục tam: Hoặc hệ chi ngưu, hành nhân chi đắc, ấp nhân chi tai. 或繫之牛, 行人之得, 邑人之災. (Trâu đang buộc, kẻ bộ hành nhìn thấy bèn dắt đi mất, khiến người trong ấp mang họa vì bị nghi ngờ trộm trâu.)

([55]) tinh tường (cautiously): Cẩn trọng, dè dặt từng ly từng tý.

([56]) vọng lên (arising): Nổi lên, dấy lên.

([57]) Có câu: Vô ma khảo bất thành đại đạo. 無魔考不成大道.

([58]) hào cửu ngũ (cửu ngũ hào 九五爻: the fifth nine): Vạch liền thứ năm của quẻ Vô Vọng, từ dưới đếm lên, là hào dương. Hào này khuyên chớ lo lắng về bệnh tật; khỏi dùng thuốc men mà vui được lành bệnh. Vô vọng chi tật, vật dược hữu hỷ. 無妄之疾, 勿藥有喜.

([59]) được trung được chính (đắc trung đắc chính: 中得正): Hào cửu ngũ nằm giữa ngoại quái quẻ Vô Vọng nên đắc trung. Hào này ở vị trí dương (ngũ) và bản chất lại dương (cửu) nên đắc chính. Vậy gọi là được trung được chính. Hào cửu ngũ đắc trung đắc chính tượng trưng bậc chính nhân quân tử; những tai tật qua loa (những khảo thí vặt vãnh) không ảnh hưởng mảy may đến ý chí kiên định của bậc chính nhân quân tử.

([60]) tai tật 災疾(misfortune and illness): Tai họa và tật bệnh, ý nói những khảo thí nhỏ nhặt.

([61]) tật (sickness, illness, disease): Bệnh tật.

([62]) Khổng Phu Tử bị vây khốn ở Trần, Thái: Tích này gọi là Trần Thái tuyệt lương 陳蔡絕糧 (Out of food in Chen and Cai: Hết sạch lương thực tại biên giới Trần và Thái), cũng gọi là Tại Trần tuyệt lương 陳絕糧. Luận Ngữ (15:2) chép: Tại Trần tuyệt lương, tòng giả bệnh, mạc năng hưng. 在陳絕糧, 從者病, 莫能興. (Tại nước Trần, thầy trò cạn hết lương thực, đệ tử đi theo ngã bệnh, không ai ngồi dậy nổi.) Tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc (Hồi 79) của Phùng Mộng Long chép: Khổng Tử tuyệt lương tam nhật, nhi huyền ca bất xuyết. 孔子絕糧三日, 而絃歌不輟. (Khổng Tử bị tuyệt lương ba ngày, mà vẫn không ngừng gảy đàn đọc sách.) Theo Phùng Mộng Long, Đức Khổng ghét nước Vệ trái lễ nên đi sang Trần. Khi Thầy đến biên giới hai nước Trần và Thái thì Sở Chiêu Vương phái người rước về Sở. Các quan đại phu hai nước Trần, Thái sợ nước Sở dùng Đức Khổng thì nguy cho nước họ, bèn điều động quân binh bao vây Thầy ở biên giới.

([63]) Người xuất gia hay bậc Thiên ân hiến thân hành đạo phải sống nhờ vào tài vật bá tánh cung dưỡng 供養 (tức là cúng dường); đói no ấm lạnh phải tùy thuộc người khác. Do đó, trong số các vị ấy ắt khó tránh khỏi có người chạnh lòng âu lo, vì lẽ tục ngữ bảo: Tay làm hàm nhai. Cũng vậy, ca dao nói: Có làm mới có mà ăn / Dưng không ai dễ đem phần đến cho. Tiếng Anh có câu nói tương tự: No pain, no gain. (Không khổ nhọc thì không thu nhập.) Để đối trị nỗi lo này, Đức Tiếp Văn Pháp Quân dạy quẻ Vô Vọng. Hào lục nhị và Tiểu Tượng Truyện quẻ này nói: Bất canh hoạch 不耕獲. Ba chữ quá cô đọng này không dễ hiểu; do đó xưa nay có nhiều cách giải thích khác nhau. Riêng học giả kiêm nhà truyền giáo Tô Cách Lan James Legge (1815-1897) dịch Bất canh hoạch là: “one who reaps without having ploughed”; “He reaps without having ploughed” (Người ta không cày mà thu hoạch lúa.)

Không cày mà thu hoạch ư? Điều tưởng chừng nghịch lý này suy ra chẳng hề khác lời Chúa Giê-su dạy các tông đồ:
Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết, đừng lo cho mạng sống – Lấy gì mà ăn? Cũng đừng lo cho thân thể – Lấy gì mà mặc? Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học. Chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết, ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy, nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi rằng ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây. (Mát-thêu 6:25-31)

Therefore I tell you, do not worry about your life, what you will eat or drink; or about your body, what you will wear. Is not life more than food, and the body more than clothes? Look at the birds of the air; they do not sow or reap or store away in barns, and yet your heavenly Father feeds them. Are you not much more valuable than they? Can any one of you by worrying add a single hour to your life? And why do you worry about clothes? See how the flowers of the field grow. They do not labor or spin. Yet I tell you that not even Solomon in all his splendor was dressed like one of these. If that is how God clothes the grass of the field, which is here today and tomorrow is thrown into the fire, will he not much more clothe you – you of little faith? So do not worry, saying, “What shall we eat?” or “What shall we drink?” or “What shall we wear?”

([64]) Đại Súc: Sơn Thiên Đại Súc 山天大畜 (Mountain-Heaven Great Accumulation), quẻ Dịch 26. Súc nghĩa là súc tích (accumulation). Đức Tiếp Văn Pháp Quân giảng súcuẩn súc, súc tụ.

([65]) tượng từ 象詞: Tức là Đại Tượng Truyện (lời bàn về hình tượng) của quẻ Sơn Thiên Đại Súc: Thiên tại sơn trung. Đại súc. Quân tử dĩ đa thức tiền ngôn vãng hnh, súc k đức. 天在山中. 大畜. 子以多識前言往行, 以畜其德. (Heaven within the mountain. Great Accumulation. Thus, the superior man acquaints himself with many sayings of antiquity, and many good deeds [as well as virtues] of the past in order to strengthen his character thereby.) Hình tượng quẻ Đại Súc là Cấn  (núi) ở ngoài, Càn  (trời) ở trong, nên tượng từ nói thiên tại sơn trung (trời ở trong núi), chỉ sự tích trữ to lớn (đại súc). Người quân tử hãy noi theo tượng ấy mà học nằm lòng nhiều lời hay và việc làm tốt (cũng như hạnh tốt) của người xưa để nuôi dưỡng đạo đức cho bản thân.

([66]) uẩn súc 蘊蓄 (accumulating): Uẩnsúc đồng nghĩa là tích chứa, tích tụ. Chữ uẩn còn có nghĩa là tiềm tàng, không phô bày ra (latent, hidden) nên Đức Tiếp Văn Pháp Quân nói rõ là uẩn súc nơi trong đầy đủ (full and hidden accumulation).

([67]) phong thuần tục mỹ 風淳俗美 (customs becoming pure and beautiful): Phong tục được tốt đẹp, không lai tạp các thói xấu. Trong cụm từ này thuần, mỹ dùng như động từ. Khi nói thuần phong mỹ tục (pure and beautiful customs) thì thuần, mỹ dùng như tính từ.

([68]) súc tụ 蓄聚 (accumulating): Súc tích 蓄積, gom chứa, tích tụ.

([69]) lo gì không vui đẹp: Đức Tiếp Văn Pháp Quân nhắc tới lời thoán quẻ Đại Súc, bảo là lợi trinh 利貞 (có lợi và bền vững), cát (tốt đẹp), lợi thiệp đại xuyên 利涉大川 (qua sông lớn an lành).

([70]) chấp (rigidly clinging to sth): Cố chấp 固執, chấp nhất 執一, câu nệ 拘泥, câu chấp , bám cứng nhắc điều gì.

([71]) quán (contemplating): Suy xét thấu đáo.

([72]) vô thường 無常 (impermanent; passing away): Không bền vững lâu dài; chết đi.vô ngã: Tức là vô ngã vô nhơn 無我無人 (without distinction between self and others): Không còn phân biệt ta và người, có lòng vô tư của trời đất, như hạt mưa, giọt nắng vẫn ban đều khắp cho người hiền lành lẫn kẻ không hiền lành. Phúc Âm nói về tâm thiên địa (lòng trời đất) của Đức Thượng Đế (Trời Cha) như sau: Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. (Mát-thêu 5:45). vô tướng 無相 (formlessness): Hết thảy mọi sự trong thế gian thành hình đều do nhân duyên tạm thời hòa hợp (giả hợp 假合: temporary combination), thế nên không có hình tướng bất biến. Hễ hết duyên thì chúng tan biến. Do đó, đừng chấp tướng. – quán vô nguyện (vô nguyện quán 無願): Chiêm nghiệm thấu suốt rằng vô nguyện bất thành 無願不成 (no vow no accomplishment), nên phải có nguyện lực mạnh mẽ (đại nguyện lực 大願力: great vow power) giống như chư Bồ Tát, chư Phật để tu học và phụng sự mới có thể tự thắng bản thân vốn yếu đuối trước cám dỗ và đủ sức vượt qua mọi hoàn cảnh chướng ngại thử thách gan dạ người tu.

([73]) để chịu đựng với bao nghịch cảnh oái oăm: Khi nói lời này, Đức Tiếp Văn Pháp Quân đã lột tả rốt ráo cái thâm thúy ẩn tàng của hai chữ Đại Súc. Người tu xuất gia, bậc Thiên ân hướng đạo phải thường xuyên hàm dưỡng, luôn luôn tích tụ cho mình một nội công thâm hậu thì mới không phải gặp cảnh nửa đường gãy gánh (bán đồ nhi phế 半途而廢: giving up halfway). Trong lịch sử các dòng tu, đâu hiếm những người xuất gia rồi cũng đành hoàn tục. Trong lịch sử các hội thánh, đâu hiếm những Thiên ân chức sắc rốt cuộc phải cổi áo mão mà trở về với mảnh đời tục lụy.

([74]) âm súc dương (the yin withdrawing the yang): Âm cản trở dương. Chữ súc này là chơi chữ (mượn từ đồng âm khác nghĩa với chữ súc trong Đại Súc); chữ súc ở đây nghĩa là cản trở, không cho người quân tử hành động (withdrawing a superior man; preventing a superior man from participating in an activity).

([75]) biết thời mà hạ mình, ẩn nhẫn: Chỗ này ám hợp với câu (Đ)ứng trong thời tịnh mà tịnh là vô vọng, trong phần Đức Tiếp Văn Pháp Quân giảng về hào cửu tứ, cửu ngũ của quẻ Thiên Lôi Vô Vọng.

([76]) Hào sơ cửu (hào một, dương) và hào cửu nhị (hào hai, dương) quẻ Đại Súc. Dương tượng trưng người quân tử, trong bối cảnh bài thánh giáo thì quân tử ám chỉ tu sĩ xuất gia, bậc Thiên ân hướng đạo.

([77]) Đoạn này Đức Tiếp Văn Pháp Quân giảng về hai cặp hào ứng (sơ cửu ứng với lục tứ, và cửu nhị ứng với lục ngũ). Hào ứng (ứng hào 應爻: corresponding lines) tức là ba cặp hào 1-4, 2-5, và 3-6 tương tác, ảnh hưởng lẫn nhau. – Quân tử mà sơ bị lục tứ chỉ súc (…) sơ phải ép nép chịu hư: Hào sơ (dương) bị hào ứng của nó là lục tứ (âm) cản trở. Ở đây, chỉ nghĩa là ngăn cản, cản trở (hindering, obstructing). Chỉ súc nghĩa là cản trở nỗ lực tiến đức tu nghiệp 進德修業 của người quân tử. – nhị bị lục ngũ cản ngăn: Hào cửu nhị (dương) bị hào ứng của nó là lục ngũ (âm) cản trở; nên hào từ bảo là dư thoát phúc 輿說輹 (a carriage without two axles), nghĩa là xe bị tháo gỡ hai trục, không còn gắn bốn bánh nữa, tức nhiên xe chịu bỏ xó. – nhị được trung kiên Càn tượng: Hào cửu nhị đắc trung (nằm giữa) và dương (Càn tượng). – mà cũng thối bước dừng chơn: Tức là ẩn ý dư thoát phúc (xe bị bỏ xó).

([78]) tháo trục gác xe (removing two axles and leaving a carriage unused): Nhắc lại ý dư thoát phúc trong hào từ.

([79]) tứ âm mà súc sơ dương: Hào lục tứ (âm) ứng hào sơ cửu (dương) nên cản trở sơ cửu.

([80]) Đồng ngưu chi cốc 童牛之牿 (a young bull with a piece of wood over its horns): Là lời hào lục tứ, nghĩa là trâu non bị gông sừng. (Trước khi trâu lớn, đóng gông hai sừng để nó không húc càn, gây họa.) Khi giảng hào này, các học giả thường nói rằng muốn ngăn cái ác, phải ra tay khi nó chưa phát tác. Nhưng trong bài thánh giáo này, phải chăng là lời ngậm ngùi cảm thương cho người quân tử (sơ cửu), họ chưa kịp thi thố chi hết thì đã bị nghịch cảnh (lục tứ) sớm ngăn chận từ trong trứng nước.

([81]) lục ngũ súc cửu nhị 六五九二 (the fifth six withdraws the second nine): Hào năm âm ứng với hào hai dương và cản trở hào hai.

([82]) Hào lục ngũ bản chất là âm (tiểu nhân), ở vị trí thứ năm (quân vương). Ở đây hiểu rộng ra là cường quyền cai trị, độc tài bạo ngược dữ dằn như hùm beo, lang sói. Vì vậy, Đức Tiếp Văn Pháp Quân than rằng tàn bạo như vật có vuốt, có nanh. Đọc tới chỗ này, không khỏi chạnh nhớ hồi năm 1934, khi một nhóm nhỏ thanh thiếu niên (Tứ Linh Đồng Tử) chân ướt chân ráo về Trung Kỳ truyền đạo liền bị cường quyền (thực dân Pháp và quan lại triều Nguyễn) thẳng tay đàn áp, bắt bớ, vì họ quyết dập tắt nền Đạo ngay từ lúc mới vừa manh nha chút mầm non còn mỏng yếu.

([83]) Phần thỉ chi nha, cát 豶豕之牙, (a gelded boar’s tusks, good): Nanh heo thiến thì tốt. Đây là hào từ của lục ngũ. Ý nói heo thiến rồi thì không còn hung hãn, nên có nanh cũng không nguy hại. Đây là cách ngăn ngừa cái ác, quét sạch (tảo trừ 掃除: sweeping away) độc hại trước khi nó xảy ra.

([84]) an mạng thính Thiên 安命: Nghe theo Trời mà an phận.

([85]) âm súc dương: Xem lại chú thích (74).

([86]) tiểu nhơn cầm quyền quân tử: Xem chú thích (82).

([87]) Tượng từ của thượng cửu nói: Hà Thiên chi cù. Đạo đại hành dã. 何天之衢. 道大行也. (How great is the Heaven’s way! Carry it out on a grand scale.): Đường Trời rộng mở thênh thang. Hãy ra sức thi hành Đạo Trời khắp chốn. Lúc này người quân tử không còn bị cản trở (cửu tam ứng thượng cửu: tương đồng tương đắc, hòa nhau mà tiến); vậy thì đem hết công phu tu học, hàm dưỡng bấy lâu ra thi thố, hoằng hóa Đạo Trời cho phỉ chí tang bồng.

([88]) Mượn câu này tạm đặt nhan đề cho bài thánh giáo.


HUỆ KHẢI chú thích - LÊ ANH MINH hiệu đính