Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

14b. PHỤ ĐÍNH 1: Ngọc bích Biện Hòa / Tìm Hiểu Thánh Truyền Trung Hưng - Năm Canh Tý (1960)

 

PHỤ ĐÍNH 1: Ngọc bích Biện Hòa

Không ít nhà thơ đời Đường nhắc tới ngọc liên thành (viên ngọc đáng giá nhiều thành trì). Chẳng hạn, Dương Quýnh (650-692) viết: Triệu thị liên thành bích 趙氏連城璧 (ngọc bích họ Triệu đáng giá nhiều thành liền); Đỗ Phủ (712-770) có câu: Liên thành vi bảo trọng 連城為寶重 (Hãy giữ gìn kỹ ngọc liên thành.) Đó là cổ nhân nhắc tới sự tích ngọc bích Biện Hòa.

Bộ tiểu thuyết Đông Chu Liệt Quốc Chí danh tiếng của Phùng Mộng Long (1574-1646) gồm một trăm lẻ tám hồi (tức chương). Hồi Thứ Chín Mươi chép sự tích viên ngọc quý của Biện Hòa như sau:

Vào năm cuối đời Sở Lệ Vương, có người nước Sở là Biện Hòa 卞和 nhặt được ở Kinh Sơn 荆山 một hòn đá lạ và biết rằng trong đó chứa ngọc, bèn đem dâng Lệ Vương. Nhưng thợ ngọc của vua xem qua lại bảo chỉ là hòn đá tầm thường. Lệ Vương nổi giận, liền sai chặt chân trái Biện Hòa để trừng trị tội khi quân.

Lúc Sở Vũ Vương lên nối ngôi, Biện Hòa tuy què vẫn cứ vào triều dâng ngọc lần nữa. Thợ ngọc trong triều cũng bảo chỉ là đá, Vũ Vương tức giận, ra lệnh chặt nốt chân phải Biện Hòa.

Rồi tới khi Sở Văn Vương kế vị, Biện Hòa lại muốn vào triều dâng ngọc, nhưng bấy giờ đã cụt cả hai chân, không thể đi đuợc, đành ôm hòn đá than khóc thảm thiết ở chân núi Kinh Sơn suốt ba ngày ba đêm, dòng lệ khô cạn, rỏ cả máu mắt.

Thấy vậy có người hỏi: “Ông hai lần dâng ngọc thì hai lần đều bị chặt chân. Sao chẳng bỏ ý vào triều đi, lại còn khóc lóc như thế? Vẫn cứ mong vọng, luyến tiếc lộc vua ban thưởng ư?”

Biện Hòa nói: “Tôi nào phải mong cầu được thưởng, chỉ hận rằng thực sự là ngọc quý mà cứ bảo là đá. Lòng tôi ngay thẳng mà cứ bị mắng là lừa dối, điên đảo. Thật giả không được minh bạch, cho nên tôi đau xót lắm!”

Chuyện đến tai Sở Văn Vương, vua bèn cho người đưa Biện Hòa vào triều cùng viên đá. Vua sai thợ ngọc xẻ hòn đá ra xem, thì quả nhiên được viên ngọc quý, bèn cho chế tác thành ngọc bích, đặt tên là ngọc bích Biện Hòa.

Về sau nữa ngọc bích Biện Hòa về tay vua nước Triệu. Biết thế, vua Chiêu Vương nước Tấn xin đem mười lăm thành trì đổi ngọc ấy về; vì vậy ngọc bích Biện Hòa còn gọi là ngọc liên thành. Do tích này, phàm vật gì rất quý báu thì người xưa gọi là liên thành 連城 (nhiều thành liền nhau).

Cách nay hơn nửa thế kỷ, sự tích dẫn trên được Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu dùng làm bài học lịch sử cho người tín hữu Cao Đài.

Tại Trung Hưng Bửu Tòa (Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài) ở Đà Nẵng, đàn giờ Tý, ngày 06-6 Đinh Dậu (Thứ Tư 03-7-1957), Đức Ngôi Hai Giáo Chủ Ngô Minh Chiêu giáng cơ dạy:

Đạo Thầy khai ra đến năm nay chưa ngoài một thế,([1]) chánh pháp chưa được phổ cập sâu rộng trong nhơn gian, triều nào cũng bị khốn đốn.

Các hiền hữu, vì sao nền Đạo mãi thăng trầm? Đạo mới ra đời chúng sanh còn lạ mắt. Kẻ có quyền thế lại nghi ngờ, chưa nhận chân giá trị. Các hiền có làm được như Biện Hòa chăng?

Biện Hòa là người thợ ngọc khi tìm được ngọc liên thành quý báu đem dâng cho Sở Lệ Vương. Sở Lệ Vương không biết ngọc quý, cho là khi quân, chặt mất một chân. Đến triều Vũ Vương, ông đem dâng ngọc ấy cũng bị cho là khi quân và bị chặt luôn một chân nữa.

Thử hỏi Biện Hòa còn giữ ngọc ấy không? Biện Hòa đã biết nó là quý mặc dù mình đã vì nó mà thành phế nhân. Nhưng chắc có ngày có người biết giá ngọc, thì khỏi bị mang danh giả trá. Đến đời Văn Vương được đem ra phá vỏ ngoài lấy ngọc báu ở trong mà thanh danh Biện Hòa trở nên trung trinh.

Đạo ta đây cũng thế. Có khi các hiền đem chánh pháp truyền bá cho nhơn gian không khỏi lâm cảnh Biện Hòa, ôm lấy Đạo chịu thân hình đau khổ. ([2])




([1]) Theo Hoàng Cực Kinh Thế 皇極經世 của Thiệu Khang Tiết 邵康節 (1011-1077) thì một thế gồm ba mươi năm. Đạo khai vào tháng 11-1926. Đức Ngô dạy như thế vào tháng 7-1957, tức là vẫn chưa tròn ba mươi năm.

([2]) Huệ Khải, Giữ Lửa Cho Nhau. Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 2016, tr. 7-11.


HUỆ KHẢI chú thích - LÊ ANH MINH hiệu đính