Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

tu ố chi tâm



@ Hiền huynh Dương Như Quảng (Suối Nghệ, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Điện thư ngày 06-8-2018:
Thánh Truyền Trung Hưng (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2017), trang 552, có in lời dạy của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn: Chúng sanh sống trong cõi hữu hình vật chất có sẵn lòng bác ái trắc ẩn, tu ố chí tâm.Xin hỏi: Có phải chí tâm là rất thành khẩn, là thành tâm, như khi nói chí tâm quy mng lễ không? Và tu ố chí tâm nghĩa là gì?
Huệ Khải: Kính thưa hiền huynh, khi nói chí tâm quy mạng lễ thì chí tâm có nghĩa là rất thành khẩn, thành tâm, đúng như hiền huynh hiểu.
Nhưng lời dạy của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn là tu ố chi tâm. Bản in 2017 đã sai khi thêm dấu sắc thành chí.
Tu ố chi tâm nghĩa là lòng hổ thẹn (the feeling of shame). Tu cùng có nghĩa là xấu hổ, hổ thẹn (ashamed). Bài thánh giáo của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn đã được chú giải và in trong Đại Đạo Văn Uyển, tập Lợi (số 19) năm 2016, tr. 17-20.
Nhân đây xin nói qua về cấu trúc tu ố chi tâm (A chi B) mà chúng ta hay gặp khi học thánh giáo. Cấu trúc này hiểu theo tiếng Việt là A ® B, tức là A bổ nghĩa cho B. Chẳng hạn: thiên địa chi tâm = lòng trời đất / phụ tử chi tình = tình cha con / vũ trụ chi gian = trong khoảng vũ trụ, v.v...
Trong các bài kinh cúng tứ thời, ta gặp: Nhựt, nguyệt, tinh thần chi quân = đấng cai quản mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao / Thánh Thần, Tiên Phật chi chủ = đấng làm chủ (chúa tể) Thánh Thần, Tiên Phật / nhứt khí chi trung = trong một khí / song thủ chi nội = trong hai tay / cửu thập nhị tào chi mê muội = sự mê muội của bọn chín mươi hai [ức nguyên nhân] / Tất Viên, Phương Sóc chi bối = các ngài Tất Viên, Phương Sóc / nhựt nguyệt chi quang = ánh sáng mặt trời, mặt trăng, v.v...
Xưa kia, tại thánh thất Từ Quang (Cẩm Phú, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam), Thứ Ba 04-12-1934 (28-10 Giáp Tuất), Đức Nam Cực Tiên Ông giáng cơ dạy:
Nơi đây Thầy mới định từ
Tam Kỳ Phổ Độ khắp chư môn trùng
Vì chúng sanh ít dùng Hán tự
E khó phân khỏi sự lạc lầm
Nay đây truyền tiếng quốc âm
Ai ai cũng hiểu khó lầm khỏi sai.
Chúng ta mừng quá, cứ ngỡ rằng Ơn Trên sẽ không dùng chữ Nho khi dạy đạo nữa. Nhưng thật ra, khi dùng chữ quốc ngữ thì mấy mươi năm qua các Đấng vẫn không bỏ hẳn từ Hán Việt; các cấu trúc ngữ pháp chữ Hán vì thế vẫn có trong thánh giáo, thậm chí không ít thi bài toàn là từ Hán Việt.
Đọc thánh giáo tiếng Việt không phải lúc nào cũng hiểu dễ dàng, huống chi là từ Hán Việt, cấu trúc ngữ pháp chữ Hán. phần đông đạo hữu vì không hiểu đúng, tự ý sửa chữa, rồi sao chép hoặc in thánh giáo sai sót.
Không riêng từ Hán Việt, ngay cả từ thuần Việt (quốc ngữ) bà con đạo hữu chúng ta viết sai chánh tả chẳng ít. Ngày nay thử đọc những gì bà con tải lên Internet, thấy mà thương!
Chính Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo cũng “ngán” cho cái tật viết sai tiếng Việt của bổn đạo Cao Đài. Thế nên, giáng cơ tại thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận), Thứ Bảy 05-11-1955 (21-9 Ất Mùi), Đức Tổng Lý Vô Vi của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã dặn dò tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982) về việc gắn các câu chữ cho ngôi Trung Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng. Đức Thánh Trần chẳng những không cho dùng chữ Nho (Hán tự) mà còn nhấn mạnh rằng “trong và ngoài hoàn toàn dùng chữ Việt, chính tả cho đúng”.
Mỗi lần nhớ tới lời Đức Thánh Trần Hưng Đạo bảo chính tả cho đúng”, tôi lại ngậm ngùi, vừa thương ngài, vừa thương kinh sách Đạo Thầy trải qua gần trăm năm vẫn chưa được con Thầy gắng sức thể hiện chữ nghĩa cho đúng đắn.

(Trích Gió Bốn Phương, Đo Uyển tập 28, quý Bn năm 2018.)