@ Một tín hữu ẩn danh. Điện thư ngày 10-3-2018:
Đầu xuân Mậu Tuất, tệ muội về thánh thất và thỉnh
được quyển THÁNH TRUYỀN TRUNG HƯNG (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2017). Nơi trang 1002
có Bản Đính Chính. Theo đó thì hai chữ sông
non đã in ở trang 305 (cột I, dòng 6 đếm từ dưới lên) phải sửa lại là non sông. Tệ muội cảm thấy là lạ về sự
sửa chữa này nên muốn được Ban Ấn Tống giúp cho ý kiến. Ngoài ra, tệ muội cũng
xin quý huynh tỷ giải thích giúp ý nghĩa câu “Đạo dã THƯỢNG ĐẾ” (trang 880) trong bản in
nói trên.
Huệ Khải: Chào đạo hữu. Phần trả
lời hơi dài nên được tách thành hai mục như sau:
1. Bình thường chúng ta nói non sông, như thánh giáo tại Trước Lâm Thánh
Đức Thiền Điện (Vĩnh Long) ngày 02-5-1971, Đức Phan Thanh Giản dạy:
Non sông một dải kia kìa
Đừng cho ai cắt ai chia
giống nòi.
Nhưng tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 05-02-1956, Đức
Lý Thái Bạch áp dụng phép đảo ngữ khi dạy:
Năm lập pháp cộng
đồng vui khổ
Ngày thọ ân đã cố làm tròn
Tiếng tăm nổi với sông non
Khó khăn vững bước, chìu lòn quanh co.
Theo luật thơ song thất lục bát, chữ cuối câu lục
(non) phải hiệp vận với chữ cuối câu
thất trước nó (tròn) và chữ thứ sáu
trong câu bát tiếp theo (lòn).
Như vậy, Bản Đính Chính lẽ ra đừng đổi sông non thành non sông, vì sông
không hiệp vận với tròn và lòn.
Rất may ở trang 39 bản in nói trên còn có một bài
thánh thi khác cũng đảo ngữ thành sông non mà Bản Đính Chính không đổi
thành non sông. Đó là thánh giáo tại
Tòa Thánh Hậu Giang ngày 15-02 Đinh Sửu mà ấn bản Thánh Truyền Trung Hưng nói
trên lại in ngày dương lịch là 27-03-1937
(sic).
Một năm có mười hai tháng; riêng tháng Một và
tháng Hai nên viết số là 01 và 02 để tránh nhầm lẫn với tháng 11 và
12. Bởi vì không có các tháng 13, 14, ... 18, 19, thế nên từ tháng 3 tới tháng
9 KHÔNG cần viết là 03, 04, ... 08, 09 (điều này khác với quy ước ở văn bản điện
tử).
Trong thánh giáo ngày 27-3-1937, Đức Ngọc Hoàng
Thượng Đế xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ như sau:
NGỌC Kinh mở cửa
để chờ con
HOÀNG cảnh trần gian đạo
đức tròn
THƯỢNG chí hạ lưu tu đức
chính
ĐẾ dân khỏi thẹn với sông
non.
Ở đây, Thầy đảo ngữ thành sông non để hiệp vận với
con
và tròn.
Lại tiếc rằng ấn bản 2017 này in là Hoàng cảnh thì làm cho câu thơ sai chánh tả (hoàn cảnh 環境: environment,
circumstances, surroundings). Lẽ ra nên in: HOÀN(G) cảnh trần gian đạo đức tròn; như thế, tín chúng hiểu rằng đọc
theo quán thủ là NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, còn đọc theo câu thơ là HOÀN cảnh trần
gian đạo đức tròn.
(Khi dẫn lại các câu thơ ở ấn bản 2017 tôi đã bỏ
bớt các dấu phẩy, dấu chấm cuối câu.)
2. Trang 880 in là “Đạo dã THƯỢNG
ĐẾ.” Như vậy
sách đã in sai. Lẽ ra phải là: Đạo giả THƯỢNG ĐẾ.
Ở đây chúng ta gặp cấu trúc … GIẢ 者 … DÃ 也. Cấu trúc này giải thích về người hay sự vật.
A. Chữ DÃ ở cuối câu diễn tả
ý khẳng định; có khi dịch DÃ là VẬY, hoặc không dịch. Thí dụ:
a. Tuân Khanh giả Triệu nhân dã.
荀卿者趙人也. (Tuân Khanh là người nước Triệu.)
b. Sinh ngã giả ngã phụ mẫu dã.
生我者我父母也. (Người sinh ra ta là cha mẹ ta.)
Trong thí dụ b, chữ ngã
thứ nhất làm bổ ngữ (object) cho
động từ sinh, tương đương chữ me trong tiếng Anh. Chữ ngã thứ hai làm định ngữ (modifier) cho cụm danh từ phụ mẫu, tương đương chữ my trong tiếng Anh; ngã phụ mẫu tức là my parents
(cha mẹ ta).
c. Trung Dung
(chương 20) có hai câu này:
Nghĩa giả nghi dã. 義者宜也. (Nghĩa
là việc nên làm.)
d. Đổng Trọng Thư (179-104 trước Công Nguyên) viết:
Mệnh giả Thiên chi lệnh dã.
Tính giả sinh chi chất dã.
命者天之令也. 性者生之質也. (Mệnh là lệnh của Trời
vậy. Tính là bản chất lúc sinh ra vậy.)
e. Trong Thánh Ngôn
Hiệp Tuyển, đàn ngày 13-01 Bính Dần (Thứ Năm 25-02-1926), Đức Ngọc Hoàng
Thượng Đế dạy:
Thiên giả Ngã dã.
B. Trong cấu trúc nói tới ở
mục A trên đây thì chữ DÃ cuối câu có thể
lược bớt. Đây là trường hợp ta gặp trong Thánh Truyền Trung Hưng, thánh giáo tại thánh thất Kim Quang Minh
Đài, ngày 22-6 Canh Tuất (Thứ Sáu 24-7-1970), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Nguyên thủy hữu Đạo. Đạo giả Thượng Đế. Đạo tức
Thượng Đế dã.
(原始有道. 道者上帝. 道即上帝也. / Đầu tiên có Đạo. Đạo là Thượng Đế. Đạo tức là Thượng
Đế vậy. / In the beginning, there is Dao.
Dao is
God. It is Dao that is God.)
Câu thứ hai có thể viết:
Đạo giả
Thượng Đế dã. (Đạo là Thượng Đế [vậy].)
Chữ dã/vậy có thể bớt đi.
Thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài thường dùng khá nhiều từ
Hán Việt; do đó, điển ký (hoặc người sao chép) nếu không rõ ý nghĩa thì rất dễ
viết sai, khiến cho câu văn, lời thơ khó hiểu. Nhất là trong Nam, bổn đạo lại
phát âm không phân biệt giả và dã (dấu ngã) thường nói cả hai y hệt
như dả (dấu hỏi) nên càng rối rắm.
Tình trạng này khiến cho người học đạo gặp nhiều trở ngại. Bởi vậy, công việc san định kinh sách Cao Đài rất hệ
trọng. Hiện nay, trên Internet tràn lan những văn bản viết về đạo Cao Đài
mà tiếng Việt thường mắc nhiều lỗi sai; thực trạng này khiến cho hình ảnh nhà Đạo
chúng ta trước mắt công chúng dường như thiếu sức thuyết phục.
([1]) Ngụ ý kẻ thiếu lòng
nhân thì chưa thật sự là người, chỉ mới mang hình dáng người bên ngoài mà thôi.
(Nhân giả nhân dã được James Legge dịch
là: Benevolence is the characteristic
element of humanity.) Minh Tâm Bảo Giám
có câu: Người xưa hình dáng tợ như
thú nhưng tâm có đức độ bậc đại thánh. Người nay bề ngoài tợ như người nhưng
lòng lang dạ thú há đâu lường được. (Cổ nhân hình tự thú, tâm hữu đại thánh
đức. Kim nhân biểu tự nhân, thú tâm an khả trắc. 古人形似獸, 皆有大聖德. 今人表似人, 獸心安可測.)
(Trích Gió Bốn Phương, trong Đạo Uyển, tập 26, quý Hai năm 1018.)