Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Bát vu, dàm danh, Quỷ Cốc




@ Một tín hữu ẩn danh. Điện thư ngày 06-6-2018:
Tệ muội xin cảm ơn Đạo Uyển đã giải đáp hai câu hỏi của tệ muội trong tập Hạ (26), quý Hai vừa qua (trang 137-141). Nay tệ muội xin hỏi tiếp ba câu nữa, cũng liên quan tới quyển THÁNH TRUYỀN TRUNG HƯNG (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2017).
1. Trang 344 (cột 1) có câu: “Đây nhành bông, kia đã sẵn Bát du...” Thưa, có phải Bát du này là một món cổ pháp trong đạo Cao Đài không ạ?
2. Trang 502 (cột 2) có câu: “Lo khóa lợi dây danh có nghĩ chi ngày mai thế tận!” Thưa, cụm từ “khóa lợi dây danh” có nghĩa là gì ạ?
3. Trang 576 (cột 1) có câu: “Bản Quân về ở động Quỷ Cốc lâu nay được sự chỉ điểm thiên cơ vận số để tìm lẽ Đạo.” Thưa, Quỷ Cốc tức là hang quỷ. Đấng giáng cơ là Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên (thế danh Trần Nguyên Chí). Ngài là bậc Chơn Tiên mà tại sao lại ở trong hang quỷ?
Huệ Khải: Về câu hỏi 1. Trước hết, đây là một danh từ chung (common noun) nên không cần viết hoa chữ bát. Thứ đến, tên món cổ pháp này phải viết đúng là vu. Tuy nhiên, do phần đông bà con miền Nam và miền Trung mình hay đọc vu là /ju/ nên hệ quả là kinh sách Cao Đài thường in sai là bát du.
Bát vu () là từ Hán Việt, gốc Sanskrit là pātra, người Hoa chuyển âm (transliterating) là 鉢 多 羅 (bát đa la). Người Việt gọi là bình bát, cũng nói tắt là bát như người Hoa. Tương truyền hòa thượng Bố Đại có bài tứ tuyệt với hai câu đầu như sau: Nhất bát thiên gia phạn / Cô thân vạn lý du. / . (Một bát, cơm ngàn nhà / Thân đơn muôn dặm xa.)
Trong đời sống hàng ngày của chư tăng khất sĩ, bát vu (bình bát) là vật dụng để thâu nhận thức ăn (có khi là tiền) do thiện nam tín nữ cúng dường. Bởi vậy, người Anh dịch pātraalms bowl, trong đó bowl để chỉ cái bát, còn alms để nói tới thức ăn hay tiền đem cho người khác (food or money given to other people).
Về câu hỏi 2. Bản in 2017 in sai. Phải sửa là khóa lợi dàm danh. Khóa tức là ổ khóa, ống khóa. Dàm là sợi dây xỏ qua mũi trâu hay bò (gọi là dàm trâu, dàm bò) để điều khiển chúng. Dàm ngựa là bộ đồ da đóng đầu ngựa (chữ Nho là khống ). Vậy, khóa lợi dàm danh nghĩa là sự trói buộc con người vì danh và lợi gây ra. Tương tự, chữ Nho nói danh cương lợi tỏa (being fettered by fame and locked up by riches; being tied to fame and benefit), nghĩa là sự ràng buộc trong vòng danh lợi. Cương là dây cương ngựa. Tỏa là ổ khóa.
Về câu hỏi 3. Quỷ Cốc có nghĩa là hang quỷ, động quỷ. Nói động Quỷ Cốc thì có vẻ như thừa chữ động. Tuy nhiên, người Việt chúng ta hay nói đàn dương cầm (piano, dù đàn và cầm đồng nghĩa), núi Thất Sơn (dù núi và sơn đồng nghĩa), sông Hồng Hà (dù sông và hà đồng nghĩa)...
Chữ quỷ ngoài nghĩa là ma quỷ (demon), còn có nghĩa là tài giỏi (clever). Do đó thành ngữ quỷ phủ thần công có nghĩa là tay nghề khéo tột bậc (superlative craftsmanship).
Thời Chiến Quốc có ông họ Vương , tên Thiền , tự là Hủ , nên cũng gọi Vương Hủ. Ông xưng là Quỷ Cốc Tử , gọi động núi nơi ông ở là Quỷ Cốc. Bốn học trò lỗi lạc của ông là Tôn Tẫn (người nước Yên), Bàng Quyên và Trương Nghi (người nước Ngụy), Tô Tần (người Lạc Dương, kinh đô nhà Chu).
Nhân đây, cần biết thêm rằng bài thánh giáo ở trang 570 (bản in 2017) in: “(C)hống lại cơ Trời thì trăm lần hư hại...” Ba dấu chấm lửng đặt ở đó là sai. Bởi vì bản in này đã cắt bớt 117 chữ ngay trước câu “Chư hiền chắc hiểu ý Bản Quân nói đây chứ?” Khi lược bớt chữ, nên dùng ký hiệu (...) thay vì dùng ba dấu chấm lửng.
Đối chiếu Thánh Truyền Trung Hưng (bản lưu hành nội bộ, gồm bốn tập), ta thấy bản in 2017 lược bớt 117 chữ như sau:
Chúng ta thấy rõ truyện Phong Kiếm Xuân Thu, nghiệp vận về ai nấy được. Bên nầy có tướng tài tôi mạnh, quyền pháp cao thâm, được Tôn Tẫn phò trì. Tuy Tôn Tẫn là bực Đại Tiên chứng ngôi Liễu Nhứt cũng chỉ có quyền giữ lại trong ngày giờ chưa mãn số tiền định mà thôi.
Có kẻ hỏi Liễu Nhứt Chơn Nhơn thành quả đạo sao không đạt cơ Trời, chống làm gì cho nhọc và có lỗi cùng Thiên Đình?
Trung hiếu là đạo lớn, Liễu Nhứt còn có nhiệm vụ trung với Yên, hiếu với Tề mà hành động. Song vì biết cơ Trời nên không dụng hết thần thông đối địch.”
Trong đoạn thánh giáo dẫn trên, Đức Trần Nguyên Chí nhắc tới ngài Tôn Tẫn, tức Liễu Nhứt Chơn Nhơn, vốn là học trò Quỷ Cốc Tử (Vương Thiền).
Tôn Tẫn họ Tôn, không rõ tên thật là gì. Vì Bàng Quyên mưu hại, ông bị chặt (hay đập nát) xương bánh chè ở hai đầu gối (tẫn / kneecapping; cutting or smashing kneecaps), do đó gọi là Tôn Tẫn. (Truyện Tàu bảo ông bị chặt hai bàn chân, hay mười ngón chân.)
Tôn Tẫn là người nước Yên, cha là phò mã Tôn Tháo, mẹ là công chúa Yên Đơn, ông nội là Tôn Võ Tử (tác giả binh pháp Tôn Tử). Tôn Tẫn lên chín thì cha mất, được chú là Tôn Kiều (làm quan đại phu nước Tề) đem về nuôi. Khi Tôn Kiều gặp nạn, lánh sang nước Chu, Tôn Tẫn phải đi làm thuê vì gia đình sa sút.
Nghe nói Quỷ Cốc Tử tài cao phép lạ, Tôn Tẫn tìm đến Quỷ Cốc xin học. Quỷ Cốc là cái động trong núi Vân Mộng ở Dương Thành, đất nhà Chu.
Cùng học với Tôn Tẫn có Bàng Quyên. Sau này nhờ quan tướng quốc nước Ngụy là Vương Thác tiến cử lên Ngụy Huệ Vương mà Bàng Quyên được làm nguyên soái, kiêm quân sư. Khi nghe một cao nhân khen Tôn Tẫn học được binh pháp Tôn Võ Tử, tài giỏi vô song, Ngụy Huệ Vương bèn bảo Bàng Quyên hãy vời Tôn Tẫn đến giúp. Sợ Ngụy Vương trọng dụng Tôn Tẫn mà bỏ rơi mình, Bàng Quyên lập kế độc hãm hại, Tôn Tẫn bị chặt xương bánh chè ở hai đầu gối.
Tôn Tẫn giả điên thoát khỏi nước Ngụy, sang nước Tề giúp Tề Uy Vương. Khi Tề và Ngụy đánh nhau, Tôn Tẫn lập mưu diệt được quân Bàng Quyên tại Mã Lăng. Bàng Quyên rút kiếm đâm cổ chết.
Trả thù xong, Tôn Tẫn về ẩn tu ở núi Thạch Lư. Ngài thành Tiên, hiệu là Liễu Nhứt Chơn Nhơn.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Liễu Nhứt Chơn Nhơn có giáng cơ nhiều lần. Tiền bối Phan Thanh (1898-1952), đắc quả Bạch Liên Tiên Trưởng, vốn là đệ tử Đức Liễu Nhứt Chơn Nhơn.

(Trích Gió Bốn Phương, trong Đạo Uyển tập 27, quý Ba năm 2018.)