Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2019

NỘI TÌNH CƠ ĐẠO


Thánh thất Từ Vân (Quảng Nam). Ảnh tài liệu.


NỘI TÌNH CƠ ĐẠO
Thánh thất Từ Vân (Quảng Nam)
ngày 21-01 Nhâm Thìn (thứ Bảy 16-02-1952)
THI
Đại Đạo truyền ban cứu mạt đời
Cứu người lặn hụp bến trần vơi
Đưa lên bờ giác tìm quê lại
Chớ đắm lợi danh uổng kiếp người.
Cười...
LÝ THÁI BẠCH
Chào chư hiền đệ. Bần Đạo cho phép các hiền đệ nhập đàn nghe dạy.
THI BÀI
Hôm nay gặp gỡ hỏi chào
Để lời khuyên nhủ âm hao ([1]) sự tình.
Đời gặp lúc nghiêng chinh bó buộc
Đạo gặp hồi thời cuộc đổi thay
Đạo khai kể cũng lâu ngày
Đạo tâm nhìn có mấy ai quyết tình.
Đạo hữu sao công trình chưa gắng
Đạo pháp tu chưa đặng bao nhiêu
Đạo hồi gặp lũ ma yêu
Cản ngăn cám dỗ đã xiêu lắm người.
Lão thấy tu nín cười không được
Tu sao mà xuôi ngược cầu an
Gặp ma sợ nó đón đàng
Đang tâm ([2]) mua chuộc bạc vàng lợi danh.
Ai là kẻ đàn anh đàn chị
Ai là người biết nghĩ biết lo
Ai không sợ bước gay go
Ai từng chịu đựng đói no vững lòng?
Ai biết đục biết trong mà lựa
Ai biết Thầy mới chữa bệnh lành
Ai từng chiến đấu ma ranh ([3])
Để đi cho tới cõi lành là ai?
Thức tỉnh người Bồng Lai trở bước
Bước đường lành đưa rước người tu
Công trình, công quả, công phu
Có ngày cá được hóa cù ([4]) chớ chơi.
Nầy các đệ! Từ nay các đệ cũng nên tu cho được nhiều hơn nữa vì Đạo khai đã được hai mươi bảy năm rồi.([5]) Trải qua một khoảng đường khá dài mà trông lại thì không được mấy người quyết tâm tu tỉnh để hầu giải thoát cho mình, cho đời rồi tô điểm thêm vào sự quang minh rực rỡ cho nền Đại Đạo.
Cớ sao Lão chỉ thấy các đệ tu chừng tu đỗi,([6]) kể tháng kể ngày, tính cho nhiều năm mà công quả công phu chưa đầy một bụm! Nghĩ cũng đáng thương mà cũng đáng buồn cho số phận của các đệ còn đầy nghiệp chướng, còn nặng lòng phàm, còn ưa danh sắc, còn lắm vô minh, còn đầy chướng ngại, còn nhiều phiền não, còn thích đỉnh chung,([7]) còn ưa sống nhục, còn ý cầu an. Vì thế mà ma lòng được trớn dấy lên nhiễu hại tâm linh, dắt dìu ra xa lần cửa Đạo.
Lão thấy lạ quá! Mà cũng lạ thật! Hồi mới nhập môn cầu Đạo thì tâm chí lại được gần Thầy. Còn tu lên một ngày, một tháng, một năm cho đến nhiều năm thì bước tu lại lần lần dang xa cửa Đạo, rồi gần như không khác chi kẻ tục, chỉ còn giữ ba miếng chay, ít ngày cúng là nhiều, chớ có kể chi giới luật, có nhớ gì sự chung gánh nặng nề, chung mùi vui khổ, chung sự đắp xây, chung phần trách nhiệm! Thế thì sai lạc biết bao! ([8])
Nầy các đệ ôi! Bước đường phải đi từ nơi u ám, đến chỗ quang minh, chớ không nên đi từ chỗ quang minh trở lại nơi u ám, hay đi vào hắc ám.
Nếu muốn đi từ nơi u ám đến chỗ quang minh, ta phải lo hết lòng giữ Đạo thờ Thầy. Tin cho quả quyết thì Thầy mới gần gũi ta, dìu dắt ta và an ủi ta, chỉ dẫn cho ta một con đường xán lạn cao quý.
Có Thầy gần ta, ta mới vững tâm mà đi, vững tâm để chiến đấu. Chiến đấu với ma lòng quỷ thân. Chiến đấu với lục dục thất tình, với sắc tài tửu khí, với ăn với mặc của mình, và chiến đấu với hoàn cảnh chung quanh và ma chướng bên ngoài.
Còn chiến đấu thì còn đi và đi mau, mà đi một cách ngang tàng tự đắc và tin ở nơi ta có mãnh lực Thần Tiên, có oai quyền Thượng Đế thì ta đâu có sợ. Đã không sợ thì đâu có chịu đầu hàng bọn ma vương bá đạo. Vậy các đệ nhớ và tuân theo.
Thôi, các đệ tinh thần dõng mãnh lo tu. Lão sẽ gần gũi giúp đỡ cho. Chào các đệ. Thăng.


([1]) Âm hao 音耗: Tăm hơi, tin tức.
([2]) Đang tâm: Nỡ lòng, đành lòng.
([3]) Ma ranh: Ranh ma, tinh ma, quỷ quái.
([4]) Cá được hóa cù: Cá chép hóa rồng; phàm thành Tiên Thánh.
([5]) Tính từ lúc Khai Đạo (1926), thì khi Đức Lý dạy bài này (1952) là năm Đạo thứ hai mươi bảy.
([6]) Tu chừng tu đỗi: Tu cầm chừng, có mức độ, chứ không dốc hết tâm chí ra tu hành cho đến chỗ rốt ráo.
([7]) Đỉnh chung 鼎鐘: Đỉnh là cái vạc để nấu ăn, chung là chuông. Ngày xưa nhà giàu lớn có rất đông người, phải nấu cơm bằng vạc; tới giờ ăn phải đánh chuông để tập hợp mọi người. Đỉnh chung:  Gia đình quyền thế, giàu có (wealthy and powerful family). Cuộc sống sang giàu (luxurious life).
([8]) Xem thêm bài Gần Và Xa, trang 35-38 quyển Nẻo Về Tâm Linh, của Huệ Khải (Nxb Tôn Giáo 2014). Quyển 84-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.
Huệ Khải chú thích