* Hiền huynh Huỳnh Tấn Chín (Nguyễn Trường Tộ, khu phố 5, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận):
Cao Đài là cái đài cao
Vượt lên tất cả đón rào ngăn che
Thấy tỏ rõ mà nghe thấu suốt
Có gì đâu hạn cuộc được ta
Ngoài trời Thượng Đế bao la
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn.
Kính nhờ quý huynh tỷ giải thích các chữ gạch dưới. Thành thật cám ơn. (Thư La Gi, ngày 02-5-2013)
Huệ Khải:
Thưa hiền huynh,
(. . .)
Đoạn thánh thi hiền huynh hỏi do Đức Quảng Đức Chơn Tiên (thế danh Trần Văn Quế, thánh danh Huệ Lương) ban cho tại Minh Lý Thánh Hội, ngày 07-6 Tân Dậu.
1. Hạn cuộc: Chữ Hán là hạn cục 限局, cũng nói là cục hạn 局限.
(a) Hạn 限: Hạn chế, giới hạn (to limit);
(b) Cục 局: Gò bó, câu thúc, hạn chế (to restrain). Vậy, hạn cuộc là trói buộc, câu thúc, kềm hãm, hạn chế.
Có gì đâu hạn cuộc được ta: Con người về lý là một chủ thể tự do, nhưng chưa đạt đạo thì bị kềm thúc, chịu giới hạn của hoàn cảnh, của thế gian... Khi đắc đạo thì con người hoàn toàn tự do, không còn bị ràng buộc, kềm hãm nữa.
Trong Tây Du Ký, Ngô Thừa Ân diễn tả ý này bằng nhân vật Hầu Vương. Khi chưa tu, Hầu Vương bị giới hạn trong không gian và thời gian, chịu mọi chi phối của sanh, lão, bệnh, tử. Khi tu đắc đạo, làm Tề Thiên Đại Thánh, thì không còn sanh tử, lên trời xuống đất dễ như đi chợ; không có gì hạn cuộc Tề Thiên được nữa.
Đức Hà Tiên Cô diễn tả rằng người đắc đạo có thể mặc tình ngao du ba ngàn thế giới dễ như trong lòng bàn tay, không phải chịu bất kỳ mộthạn cuộc nào hết: Nhích chân liền tới Niết Bàn / Dạo chơi thế giới ba ngàn trong tay. (Trích Khẩu Quyết Dự Bị Sơ Thiền)
2. Vạn tượng 萬象: Muôn vàn (vô số) những hình tướng biểu hiện của thiên nhiên (thế giới tự nhiên) có thể nhìn thấy quanh chúng ta (innumerable manifestations of nature).
Ngoài trời Thượng Đế bao la: Bên ngoài vũ trụ bao la có Thượng Đế ngự trị (Thượng Đế ngoại tại).
Trong lòng vạn tượng cũng là Chí Tôn: Trong từng sự vật, hiện tượng (tức là trong chính từng con người chúng ta nữa) vẫn có Thượng Đế Chí Tôn ngự trị (Thượng Đế nội tại / immanent God). Do đó Thánh Hiền bảo rằng Thượng Đế nơi nào cũng có (vô sở bất tại 無所不在 / omnipresence).
Đức Lão Tử và Đức Trang Tử quan niệm Thượng Đế là Đấng vô ngã (impersonal God) và gọi là Đạo, hay Đại Đạo. Tính vô sở bất tạicủa Đại Đạo được Đức Lão Tử diễn tả: Đại Đạo phiếm hề, kỳ khả tả hữu. 大道氾兮, 其可左右. Đại Đạo trải cùng khắp chốn, chỗ nào cũng có. (Đạo Đức Kinh, chương 34)
Nam Hoa Kinh, chương Trí Bắc Du, chép chuyện Đông Quách Tử hỏi Đức Trang Tử: “Cái gọi là Đạo ở đâu?” Ngài đáp: “Ở khắp nơi.” Đông Quách Tử nói: “Phải chỉ định cụ thể mới được.” Đáp: “Ở con kiến.” Hỏi: “Sao thấp vậy?” Đáp: “Ở cọng cỏ.” Hỏi: “Lại thấp hơn nữa à?” Đáp: “Ở mảnh sành.” …
Con kiến, cọng cỏ, mảnh sành… đó là ba thí dụ về vạn tượng. Theo Đức Trang Tử, trong ba cái tượng nhỏ nhít, tầm thường ấy vẫn có Đạo (tức có Thượng Đế Chí Tôn).
Thân xác chúng ta là một tượng trong vạn tượng. Trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Côrintô, Thánh Phaolô viết (6:19): “Anh em không biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Linh sao? / Do you not know that your bodies are temples of the Holy Spirit?” Đó là một cách diễn tả rằng trong mỗi người chúng ta đều có Chúa, có Trời, có Cao Đài, có Chí Tôn, có Đạo… ngự trị.
Xin cầu nguyện Đức Chí Tôn ban ơn cho hiền huynh có nhiều thời gian tìm đọc kinh sách Cao Đài để lãnh hội thêm nhiều đạo lý cao siêu mà lại gần gũi cuộc sống chúng ta.
(Trích Gió Bốn Phương, trong Đại Đạo Văn Uyển, tập 7-8, quý Ba và Bốn, năm 2013.)