MÙA XUÂN THẦY BUỒN
Thánh tịnh Thanh
Quang, ngày 01-01 Mậu Dần
(Thứ Hai 31-01-1938)
THI
Thời tiết
tam dương lộ vẻ Xuân
Trăm hoa
hớn hở sắc đua mừng
Trẻ già
tấp nập đoàn năm bảy
Cái cuộc
mừng Xuân ấy cuộc chung.
VĂN XƯƠNG ĐẾ QUÂN
Lão phụng thừa Thiên
mạng khai bút nghinh Xuân. Cười... Lão rất hân hạnh, rất vui mừng cùng toàn thể
sanh linh, đứng vào thời kỳ tam nguơn mạt hậu này mà còn biết Xuân, vui Xuân,
thú Xuân.
THI
Xuân thử
kêu ai, thử hỏi Xuân
Hỏi Xuân,
Xuân lộ cái chi buồn?
Xuân cười,
Xuân cợt, Xuân là thú
Xuân mãi
rồi Xuân, cũng đến Xuân.
Khá tiếp. Ta lui.
TIẾP ĐIỂN
THI
Chộn rộn người đi,
kẻ lại về,
Này ai! Ai có biết
Xuân tê?
Xuân rồi, Xuân cũng,
thôi Xuân đã
Đã biết Xuân, người
thấy mỏi mê
Mỏi mê, mê mỏi cái
trò Xuân
Xuân biết là vui,
chẳng biết buồn
Xuân dễ đổi thay,
người cảnh cũ
Xuân trời, người
cũng phải là Xuân.
NGỌC ĐẢNH CHƠN NHƠN
THI
Đàn nội trầm nhang
khá đốt xông
Nữ, nam bái mạng
tiếp xe rồng
Mừng xuân mới biết,
xuân nay đến
TỪ PHỤ giá lâm có
biết không?
BẠCH HẠC ĐỒNG TỬ
Chào chư hướng đạo,
các nhơn sanh đàn tiền. Nghiêm chỉnh thành tâm tịnh đàn tiếp giá Chí Tôn nghe.
TIẾP ĐIỂN
NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ
tá danh CAO ĐÀI TIÊN ÔNG
ĐẠI BỒ TÁT MA HA TÁT giáo đạo Trung Châu
THẦY CÁC CON
Thầy mừng các con.
THI
TỪ PHỤ từ nay dạ rất
mừng
Mừng con, con biết,
biết mừng Xuân
Cái Xuân là cái mua
lòng trẻ
Trẻ biết là Xuân,
thú hưởng đồng.
Thầy cho phép các con an tọa. Ban ơn cả thảy nam nữ.
Giờ nầy, ngày nầy là
cái Xuân mới, cái Xuân lạ của các con, thế mà đối lại cái Đông tàn, cái buồn
nhất của Thầy. Cười... Không đâu, thế mà Thầy vẫn vui, vui chia cùng các con.
Các con không buồn thì Thầy có buồn gì. Vui, vui chia cùng các con.
Xuân năm mới, ngày
mới, mỗi mỗi đều mới, cỏ cây thạnh mậu, khí tiết êm đềm, các con vui, các con
mừng là phải. Còn Thầy sở dĩ buồn, vì Xuân là một dương quang sáng suốt như ban
mai, như mặt trời mới mọc, như các con lúc trẻ, thế mà rồi đây, ngày nó cũng
trưa, mặt trời nó cũng xế, các con cũng già.
Ngày trưa rồi còn
làm chi? Sĩ lỡ lớp học, nông lỡ buổi cày, công mất ngày làm, thương mất buổi
chợ. Trời xế khí hừng nóng nảy, người phải sinh bệnh, vật phải điêu tàn, người
già sức yếu, da dùn, mặt nhăn, má tóp, thế thì những cảnh ngộ ấy còn đợi gì,
trông gì nữa con!
Thầy buồn là lo cho
các con gặp Xuân, mừng Xuân, quên rằng cái Xuân nó sẽ đi bây giờ, nó lại bội
với các con bây giờ. Nếu các con không sớm lo, sớm biết tìm lần cái Xuân của
mùa Hạ, mùa Đông, chừng gặp phải cảnh ấy sao các con khỏi chắt lưỡi kêu Thầy.
Thầy làm sao nữa?
Thầy dắt, các con
trì. Thầy đỡ, các con quá nặng. Không lên được nấc thang tuyệt đối là không
Xuân, Hạ, Thu, Đông mà Xuân luôn, Hạ luôn, Thu luôn, Đông luôn. Cười... thế thì
Thầy nhơn trong cái vui của các con, mà chỉ cái buồn của Thầy cho các con biết,
các con hay, chớ rồi Thầy vui với các con buổi nầy, nghe à! Cười...
THI
Xuân trẻ mừng vui đó
các con
Xuân sao mỗi đứa,
mỗi lo tròn
Xuân về, Xuân ở,
Xuân về ở
Ở cõi trần gian khổ lắm con.
Cười... Lần nầy THẦY ban ơn cho các con hướng đạo.
còn toàn thể nam nữ thì mỗi mỗi có sẵn phần.
Các con nầy, HIỂN, CHẤT, TRÁC, KHAI, SƠ, BAN, LONG,
HỔ, GIÁC, các con!
Từ Thầy sáng lập chơn
đạo Trung Hưng đến nay, Thầy chưa có một lúc
nào nói đến chỗ Thiên cơ tuyệt đối cho các con rõ. Thế hôm nay Thầy rất vui mà nhắc lại ngày qua nơi Tiên Cung cho các
con nhớ lại, các con làm bê trễ, các con làm sai quấy với luật Thiên điều, đặng
các con lo mà hành sự.
Trước khi lập Đạo, THẦY hội cả quần Tiên: Phật, Tiên,
Thánh, Thần, để chọn những chơn linh ban xuống thế gian mà truyền đạo. Số đó
cũng có một phần lớn trong các con mà không thể chỉ được. THẦY nói những con,
một là đặng ban xuống, hai là vì chuyển kiếp mà phải lập công, bao nhiêu đại
nguyện, trước Tòa phán đoán đều có Văn Xương chép cả. Sau khi cho những chơn
linh kia đến thế gian, thì mỗi con đều có một luồng Thiên điển của chư Tiên đưa
đến mới có thể nhập thế gian đặng.
THẦY kể thứ nhất là con HIỂN đại nguyện với THẦY cho
ở thế gian mà lập công rất lớn lao, đặng đền bù trách phạt, ngày nào xong phận
sự THẦY sẽ cho về mới đặng huờn nguyên bổn vị, dầu cho khó khăn hay cực nhọc
đến mấy con cũng không từ. THẦY nhận lời, kế cậy hào quang Trương Quả Lão mà
đưa cho con đi. Cười... Thế thì con là gì? Vẫn tánh hay rụt rè, không quyết
đoán, gặp đâu hay đó. Hôm nay THẦY nhớ lại mà đòi con đặng lập thân mà hành đạo.
Các con, THẦY nhắc lại.
TRÁC, con thỉnh thoảng còn nhớ lại mường tượng nơi
tâm rằng đại nguyện xin đến thế gian giao bản tánh linh này cho nhơn loại để
tìm tòi cho nhơn sinh một con đường hạnh phúc hơn. Song mà con xin nhờ THẦY cho
người theo nhắc nhở. Cười... THẦY truyền hào quang Nguơn Thỉ đưa đi, hôm nay vì
vậy mà THẦY đòi con phải nhớ lại. Con hiểu à.
CHẤT, con xin đến thế gian sẽ đem tư mạng làm công
mạng, bao giờ cũng chỉ biết nhơn sanh mà thôi. Con xin lập cho nhơn sanh một cơ
nghiệp rồi con sẽ về, nhờ THẦY cho người mặc hộ, nói rồi hào quang Quan Thánh
Đế Quân đưa đi, thì chắc con bao giờ cũng có nghĩ như một việc gì nơi tâm cắn
rứt. Cười... Đó là phận sự con chưa rồi.
KHAI, cười... con xin THẦY rằng con đến thế gian tùy
THẦY bảo chi con làm nấy, rồi phận sự con sẽ về, tánh con hay quên, nhờ THẦY
cho người nhắc nhở, nói rồi hào quang Đông Phương Lão Tổ đưa đi. KHAI con có
nhớ những lúc buồn hay thối chí của con, con sực nhớ lại mà ăn năn rất khó
chịu, là thần quang của con nó tự phạt. Cười...
BAN, con xin rằng con chỉ biết một chơn linh này của
THẦY mà liệu dụng của nhơn sanh, con nguyện sẽ tùy theo cơ hội mà lập công, con
chẳng có tài cán chi để gánh vác một phận sự lớn lao, xin THẦY biết cho con,
nói rồi Nam Cực Tiên Ông đưa đi.
SƠ, con nguyện sẽ gặp việc gì vừa ý con, con xin vâng
chịu. THẦY hỏi: “Việc thế nhiều, mà con nói lở dở sao được?”
Thưa rằng: “Con chỉ biết tùy nghiệp khai hóa, chớ
không biết sáng nghiệp lập cơ, xin THẦY giao phận sự con với một người nữa.”
Cười... Nói rồi Khương Thượng Tử Nha đưa đi. SƠ chừng khi nóng lòng căm tức. Đó
là thần quang nó tự phạt con.
LONG, con nguyện xin THẦY cho đến thế gian làm một
phận sự bí nhiệm hơn hết. Con nguyện xin một điều là bao giờ con cũng làm cho
rồi chánh sách của Đại Đạo mà THẦY định đó. Chừng xong con sẽ ẩn danh hay là THẦY
cho con về, chớ không muốn lập một sự nghiệp gì ở thế gian, xin THẦY cho người
kềm chế tính dục tốc của con. Nói rồi Lý Thái Bạch liền đưa đi. LONG, nên nhớ
những tánh con và ý con hằng ngày là do nguơn thần hiển hiện đó. THẦY y lời. Con
nên bảo TRÁC làm anh con đó nghe à.
HỔ, bổn kiến con nguyện xin để đến thời kỳ THẦY đến
thế gian giáo đạo, các con cái bạn bè, kẻ xin xuống, người bị trích, người bị
mãn căn cũng đều đi đặng, con cũng xin THẦY đến trước, chờ THẦY sai cắt phận
sự. Cười... Nói rồi Hớn Chung Ly đưa đi. Cưòi... Các con nghe chưa? THẦY có
dặn, nếu không nghe lời thì phải đọa ba kiếp đó con.
Vì lẽ, con nào trúng vào điển quang nào thì tâm tánh
hơi giống như vị Tiên ấy, các con nhớ, nghe à! Cười... Vậy thì ý kiến mỗi con
khác nhau là lý nhất định, có chi lạ mà chích mích nhau, con à! Cười...
GIÁC, con cũng một phận sự như nam [phái] vậy, con về
phần Thất Nương tiến dẫn.
Vậy mỗi con biết có một chơn thần hộ mệnh. Cười... Hôm
nay các con đã rõ rồi phải không?
THI
Nhân cái cảnh Xuân đến trước đàn
Xuân vui con trẻ hỏi cùng han
Hỏi han lời lẽ con hay biết
Biết hết Xuân rồi, Hạ cũng sang.
BÀI
Sang Hạ cảnh trời thêm nóng nảy
Xuân này Xuân, Xuân hãy mua vui
Xuân sang vật thảy đổi dời
Xuân chào Thánh Đạo ra đời Kỳ Ba.
Xuân tươi tốt, Xuân đà đẹp đẽ
Xuân mở mang, Xuân vẻ vang thay
Xuân đêm cũng sáng như ngày
Xuân trời cao vọi, đất dày tăm tăm.
Xuân vừa đến, hỏi thăm Xuân thử
Xuân vừa qua, hỏi thử Xuân gì?
Xuân nầy, Xuân ở hay đi,
Xuân ơi, Xuân có ghét gì ai không?
Xuân là Xuân, Xuân đồng Tạo Hóa
Xuân là Xuân, Xuân chả riêng ai
Xuân ơi, Xuân vắn hay dài
Xuân ơi, Xuân có biết ai đợi kìa?
Xuân Xuân hiệp, hiệp chia, chia hiệp
Xuân Xuân căn, căn kiếp, kiếp xuân
Xuân vui Thầy lại riêng buồn
Xuân kìa, Xuân biết, Xuân cuồng, Xuân
điên.
Ban ơn chung các con. Thầy
thăng.
SUY
NIỆM 1
Đây là một thánh giáo rất đặc biệt vào ngày Nguyên Đán năm Mậu Dần (1938), khi Đức Chí
Tôn từ bi ban hồng ân cho các bậc đại nguyên căn hướng đạo Trung Kỳ. (Thánh
giáo này trích từ Thánh Truyền Trung
Hưng.)
Thầy dạy: “Trước
khi lập Đạo, THẦY hội cả quần Tiên: Phật, Tiên, Thánh, Thần, để chọn những chơn linh ban xuống thế gian mà
truyền đạo. Số đó cũng có một phần lớn trong các con mà không thể chỉ
được.”
Thầy nhắc nhở chúng ta nhớ, những hàng hướng đạo Kỳ
Ba vốn là các vị thiêng liêng đã từ cõi thượng giới đi xuống chốn trần gian để
giúp Thầy mở Đạo. Trong số các vị đang hầu đàn hôm xưa đó, phần lớn vốn là các
đại nguyên căn như thế, nhưng vì Thiên cơ, Thầy không tiện nêu danh (chỉ rõ) ra
hết tất cả, nên Thầy bảo: “Số đó cũng có một
phần lớn trong các con mà không thể chỉ được.”
Thầy từ bi gọi tên lần lượt tám vị nam và duy nhất
một vị nữ. Thầy lại ban ơn cho biết rằng khi chơn linh chín vị tiền bối ấy đi vào
trần gian thì Thầy đều phái một Đấng thiêng liêng cao trọng khác đưa đi (dẫn
lối). Đó cũng là Đấng bảo hộ cho mỗi vị tiền bối trên đường hành đạo.
Theo thứ tự lời Thầy điểm danh từng vị tiền bối khai
Đạo miền Trung, chúng ta lần lượt kể ra như sau:
1. Tiền bối LÊ TRÍ HIỂN (1879-1943), do Đức
TRƯƠNG QUẢ LÃO (trong Bát Tiên) đưa đi.
2. Tiền bối HUỲNH NGỌC TRÁC (1898-1945),
do Đức NGUƠN THỈ THIÊN TÔN đưa đi.
3. Tiền bối TRẦN NGUYÊN CHẤT (1893-1950),
do Đức QUAN THÁNH ĐẾ QUÂN đưa đi.
4. Tiền bối CHƠN KHAI Nguyễn Quang Châu
(1912-1955), do Đức ĐÔNG PHƯƠNG LÃO TỔ đưa đi.
5. Tiền bối TRẦN CÔNG BAN (1906-1977), do
Đức NAM CỰC TIÊN ÔNG đưa đi.
6. Tiền bối NHƯ SƠ Nguyễn Đán (1905-1958),
do Đức KHƯƠNG THƯỢNG TỬ NHA đưa đi.
7. Tiền bối THANH LONG Lương Vĩnh Thuật
(1918-1982), do Đức LÝ THÁI BẠCH đưa đi.
8. Tiền bối BẠCH HỔ Trần Quang Châu
(1915-2000), do Đức HỚN CHUNG LY (trong Bát Tiên) đưa đi.
9. Tiền bối CHƠN GIÁC Lê Thị Khải (1885-1945),([1]) do Đức THẤT NƯƠNG
DIÊU TRÌ CUNG tiến dẫn.
SUY
NIỆM 2
Đức Vạn Hạnh Thiền Sư có lần đặt cho chúng ta hai câu
hỏi cực kỳ hệ trọng. Trước hết, Ngài hỏi:
“Thời
kỳ này Đức Huyền Khung Thượng Đế tá danh Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát
đến với nhân loại
bằng chiếc đàn không dây, bằng chiếc địch không lỗ để tái tạo dinh hoàn lập
thượng nguơn thánh đức. Chỉ có một Thiên Nhãn trong sự sùng bái của dân tộc này
dưới bảng hiệu Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Như vậy thì tất cả những người Thiên ân
chức sắc, tín đồ, đạo hữu nhắm vào hình
thức nào, ảnh hưởng nào, để biết được Đấng mà chư Thiên ân chức sắc, tín đồ,
đạo hữu đặt niềm tin trọn vẹn với bao sự hy sinh cao cả từ buổi sơ khai?”
([2])
Quả thực, so với các tôn giáo khác, dường
như chúng ta thiếu một cơ sở cụ thể để nhìn vào mà tin tưởng, ngoại trừ một
biểu tượng đơn sơ. Về biểu tượng ấy, Đức Vạn Hạnh Thiền Sư dạy:
“Trước
Con Mắt được họa lên bằng giấy bút, không
đem đến cho nhân loại chúng sinh một gương mẫu giá trị nào cụ thể như Thích
Ca Phật Tổ, như Khổng Thánh Tiên Sư, như Da Tô Giáo Chủ, chư Thiên ân chức sắc, tín đồ, đạo hữu vin vào lý do nào để đặt trọn
niềm tin hiện tại mà quên mình hành đạo?” ([3])
Tại sao hai câu hỏi này cực kỳ hệ trọng? Trong
Lòng Con Tin Đấng Cao Đài, tác giả đã
trình bày như sau:
“Chúng
ta hãy suy nghĩ, nếu muốn theo đạo Phật, chúng ta có cả hình ông Phật phương
phi tốt đẹp, có ba mươi hai tướng tốt, có cả lịch sử của Đức Phật từ lúc là
Thái Tử Sĩ Đạt Ta (Siddhata) đi qua bốn cửa hoàng thành thấy đủ tứ khổ (sanh
lão bệnh tử), cho đến khi nửa đêm bỏ hoàng cung đi tu, v.v... Như vậy chúng ta
có thể thấy được chân dung của Đức Phật, biết được tiểu sử của Đức Phật, hạnh
hy sinh của Đức Phật để mình học theo, tu theo.
Nếu
chúng ta muốn theo Khổng Giáo, chúng ta có thể biết rõ Đức Khổng Tử đã mòn gót
đi khắp thiên hạ để dạy người ta nhân nghĩa, thấy được cái hạnh cả một đời hy
sinh của Ngài, thấy được tấm gương vạn thế của Ngài và thấy được chân dung của
Ngài.
Nếu
chúng ta đọc Kinh Thánh, tìm hiểu đạo Thiên Chúa, chúng ta có thể thấy được
gương hy sinh đổ máu để chuộc tội cho nhơn loài của Chúa Ki Tô. Chúng ta thấy
rõ hình ảnh Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá khiến chúng ta rơi lệ và chúng
ta có cả tiểu sử của Ngài để học tập theo Ngài suốt cuộc đời.
Vậy
chứ chúng ta theo đạo Cao Đài có ai thấy mặt Đức Cao Đài ra sao không? Có ai
biết được tiểu sử của Đức Cao Đài không? Không! Chúng ta không hề thấy gương
mặt ông Trời, không hề biết cuộc đời của Trời… Vậy mà bao nhiêu triệu người
đùng một cái ồ ạt đi theo Đức Cao Đài. Cái gì vậy? Cái gì đã khiến xảy ra một
chuyện ngộ như vậy?” ([4]) Và hơn nữa, cái
gì đã khiến biết bao người con áo trắng hiên ngang tử đạo để giữ tròn khí tiết
Cao Đài?
Qua thánh giáo ngày Nguyên Đán năm Mậu Dần (1938),
Đức Chí Tôn hé lộ cho chúng ta biết: Sở dĩ chưa ai thấy mặt ông Trời, chẳng một
ai biết “tiểu sử” hay “hành trạng” của ông Trời mà lại một lòng một dạ đi theo
Đạo Trời thì chỉ vì những người ấy vốn đã có lời nguyện với Trời từ kiếp trước.
Những ai từ khi vào Đạo, hết lòng xả thân hành đạo, vun đắp cho cơ Đạo, thì chỉ
vì những người ấy vốn đã là đại nguyên căn từ thượng giới, đã xin lệnh Trời mà
xuống trần giúp Thầy khai Đạo, hoằng Đạo Kỳ Ba.
Ngày hôm nay, chúng ta được khoác lên người tà áo
trắng Cao Đài, tức là đã có thiện duyên với Cao Đài từ tiền kiếp. Chúng ta tuy chưa
được ơn Thầy hé lộ cho biết xưa kia chúng ta đã từng là ai trên cõi thiên
thượng, chưa biết Đấng nào đã đưa ta vào hạ giới trần gian (như chín vị tiền
bối miền Trung), nhưng cứ hãy tin chắc rằng chẳng phải tình cờ mà hôm nay chúng
ta được làm môn đệ Cao Đài.
Ý thức như thế, trong từng cương vị và vai trò của
mỗi người, ước mong sao tín hữu chúng ta luôn luôn nhớ nghĩ về lời đại nguyện
của mình trước Đức Chí Tôn khi xưa, để ngày hôm nay dốc trọn năng lực của mình
mà hết lòng chăm lo cho cơ Đạo được sớm xiển dương. Và hãy nghĩ tới cái ngày
chúng ta sẽ trở về quỳ trước bệ Thầy, khi ấy coi lại những gì mình đã góp nhóp cho
cơ Đạo ở trần gian, liệu mỗi người có tròn vẹn lời nguyện hứa với Thầy trước
khi chia tay với Thầy mà đi vào ta bà thế giới?
Mùa Xuân này, xin cầu nguyện cho nhau sẽ không lỗi
thệ cùng Thầy.