Lăng Đức Võ Công Tánh trong di tích thành Hoàng Đế của Nguyễn Nhạc, cũng là thành Đồ Bàn của vua Chăm. (Nguồn: Wikipedia)
THỨC TỈNH HỒN NGƯỜI
Thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng)
ngày 15-10 Canh Thìn (thứ Năm 14-11-1940)
Chào chư hiền Thiên sắc.([2]) Chào toàn thể
nam nữ lưỡng ban.([3]) Tịnh tâm, tịnh đàn! Xông trầm, khử trược! Trật tự! Ai
lộn xộn phạt à! Thôi, tiếp lịnh Lý Giáo Tông.
TIẾP ĐIỂN
LÝ THÁI BẠCH
Chào chư hiền đệ. Chào toàn thể nhơn sanh nam nữ.
Thành tâm nghe dạy!
Thế giới đi đến cuộc điêu tàn. Biển gò sông núi, nhơn
loại bước chơn lên đường thống khổ, gió đạn mưa tên. Than ôi! Còn đâu hạnh phúc,
hòa bình! Còn đâu nhơn tâm, thế đạo!([4]) Đau khổ mà nhơn
loại còn đeo đai trong vòng tư dục,([5]) say mê trên giấc
mộng trường.
Mười bốn năm nay,([6]) dộng chuông cảnh
tỉnh, đánh trống giác mê inh ỏi trong ba ngàn thế giới là Tam Kỳ Phổ Độ, mà coi
lại nhơn sanh đương ([7]) còn ngon ngủ,
chỉ đặng một số ít người chợt tỉnh, nhưng cũng còn đương gục lên gục xuống, mơ
mơ mộng mộng như kẻ không hồn, như con mất mẹ.
Hỡi ôi! Đường gió bụi, nẻo chông gai, rồi ai cất gánh
lên đường? Nhơn loại còn phải lắm nỗi thảm thê đau khổ!
Đạo đức. Đạo đức là phương thuốc tận thiện tận mỹ ([8]) để làm cho phiền
não trở ra bồ đề,([9]) đời khổ não trở
nên hạnh phúc, thế giới bi quan trở nên lạc quan.
Than ôi! Đạo đức mê hoặc, đạo đức giả dối là phần
nhiều. Mượn đạo đức để cầu cho đặng phước đặng tài,([10]) hết đau hết khổ;
rủi không y lời nguyện, sanh lòng sè sụt lảng lơi, trở lại nghịch thù đạo đức.
Mấy ai hiểu cái chân chính đạo đức là tu thân. Thân
ai thân nấy đều tu thì gia đình hòa thuận. Quốc gia xã hội đặng hòa bình thì
thế giới đại đồng. Chừng ấy đâu còn chiến tranh xâm lược, cướp bóc giựt giành.
Không có thế giới cường quyền thì đâu còn nô lệ. Trở nên thế giới nhà chung,
đời sống của nhân loại thế nầy, ngắm ra ([11]) mới có phần thú
vị.
Ở vào thời kỳ nầy, nói theo thuyết chân chính đạo đức,
ai khỏi cho là ảo tưởng. Nhưng phải biết rằng trên đời chẳng có gì khó, có chí
rồi nên, huống hồ là xưa nay muốn khai hóa một phương pháp gì cũng phải trải
qua những thời kỳ trái ngược.
NGÂM
Khuyên đời học chí Ngu Công
BÀI
Người trong cơn chìm nổi bơ vơ
Năm châu thắng bại cuộc cờ
Nổ bùng một trận cõi bờ tả tơi.
Lòng tư dục ghen
trời trách đất
Nổ rân lượn sóng bất bình
Phập phồng bể Bắc, gập ghình trời Đông.
Quỷ không đầu rỉ rả khóc than
Đêm đông tiếng kể bên đàng
Trường danh lợi
đua chen lấn lướt
Lên võ đài mạnh được yếu thua
Chen nhau kẻ bán người mua
Vì thân phải lắm nỗi chua chát lòng.
Lại còn mắc trong
vòng chế độ
Sóng cường quyền đạp đổ dân đen
Trần ai lắm nỗi nhọc nhằn
Khổ nỗi khổ còn
chưa kinh hãi
Người giết người bằng cái lương tâm
Chừng hay vực thẳm đã nhằm hang sâu.
Xót nhơn loại ăn
sầu nuốt thảm
Động từ tâm hoài cảm Chí Tôn
Sông mê giục trống tỉnh hồn
Giác mê khải ngộ bảo tồn linh sanh.
Lửa phiền não Nam thành hực
hực
Nước cam lồ rưới tắt không không
Cho dân Nam Việt thỏa lòng
Giọt mưa thánh gội nhuần bốn bể
Ngút mây
lành thêu vẽ năm châu
Thái bình
đất Á trời Âu
Nhưng than ôi! Đời còn đau khổ
Nhơn tâm
tan rã bạn bầy
Lòng đầy
bản ngã, dạ đầy tư tâm.
Trải qua mười mấy năm khai hóa,
Kẻ vì thiếu đức, người không đủ tài.
Người tin đạo tin
sai, tưởng quấy
Vái Phật Trời xin thấy huyền linh
Cầu qua tai nạn, cầu xin phước tài.
Lại có kẻ đứng
ngoài bình phẩm
Chê chỗ buồn qua ngắm chỗ vui
Có người đợi vận chờ thời
Sấm xưa thi cũ, rung đùi ngâm nga.
Đời có lắm người
mà như thế
Đời bảo sao không tệ, không hư
Có thân có nợ, nợ đời nợ chung.
Đem đạo đức sửa
lòng nhơn loại
Vững đức tin cứng cỏi như đồng
Trên đường đạo đức, dắt cùng nhau lên.
Đại đồng lo gắng
đắp nền.
Thôi. Ta chào lui.
Phụ lục
1
VÕ
CÔNG TÁNH
Võ Công Tánh hay Võ Tánh 武性(?-1801) là một
danh tướng có công giúp Chúa Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820) chống nhà Tây Sơn. Ông
tuẫn tiết 殉節 trước khi nhà Nguyễn chính thức thành lập. Ông cùng Đỗ Thanh Nhơn
(?-1781) và Châu Văn Tiếp (1738-1784) được tôn là Gia Định Tam Hùng (ba vị anh hùng đất Gia Định).
Căn cứ Việt Nam
Sử Lược, quyển II, của Trần Trọng Kim (Sài Gòn: Trung Tâm Học Liệu xb,
1971), lược trích một số sự kiện nổi bật của danh tướng Võ Tánh như sau:
Võ Tánh người Biên Hòa, hùng cứ ở Vườn Trầu (Gia Định),
sau lại về Gò Công, thủ hạ mấy vạn người. Lúc Nguyễn Vương đóng ở Nước Xoáy [Sa
Đéc], vào tháng 4 năm Mậu Thân (1788) Võ Tính đem thuộc tướng và quân lính về
với Nguyễn Vương, được phong làm Tiền Phong Dinh Chưởng Cơ và được Nguyễn vương
gả em gái là công chúa Ngọc Du. (tr. 148) Từ đó, Võ Tánh lập nhiều chiến công
giúp Nguyễn Vương.
Tháng 3 năm Kỷ Mùi (1799) Nguyễn Vương đem đại binh
ra đánh Quy Nhơn lần thứ ba; hai tháng sau chiếm được thành Quy Nhơn, đổi tên
là thành Bình Định. Khi kéo quân về Gia Định, Nguyễn Vương sai Võ Tánh và Ngô Tùng Châu [?-1801] ở lại giữ thành Bình Định. (tr.
157-158)
Tháng Giêng năm Canh Thân (1800), hai tướng Tây Sơn
là Trần Quang Diệu và Vũ Văn Dũng kéo quân vào giành lại thành Bình Định. [Với
chủ ý cầm chân đại quân Tây Sơn để quân Nguyễn Vương dễ đánh chiếm nơi khác]
nên Võ Tánh chỉ cố thủ, không ra đánh. Quang Diệu bèn sai đắp lũy chung quanh
thành, vây chặt bốn mặt. (tr. 159)
Nghe tin thành Phú Xuân thất thủ, mà cho quân Tây Sơn
từ Bình Định ra cứu lại thất bại, Trần Quang Diệu nổi giận, ngày đêm ráo riết đốc
thúc quân lính đánh thành Bình Định. Bị vây hãm lâu ngày, trong thành hết cả lương
thực, liệu bề không thể chống giữ được nữa, Võ Tánh bèn viết thư cho Trần Quang
Diệu nói: “Phận sự ta làm chủ tướng, thì đành liều chết ở dưới cờ. Còn các tướng
sĩ không có tội gì, không nên giết hại.”
Võ Tánh sai người lấy rơm cỏ chất ở dưới lầu bát giác,
đổ thuốc súng vào rồi tự thiêu. Ngô Tùng Châu uống thuốc độc tự tử. Cảm phục
khí tiết ấy, Trần Quang Diệu vào thành tha hết cho các tướng sĩ nhà Nguyễn và
sai làm lễ liệm táng Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tử tế. (tr. 162)
Phu nhân Võ Tánh (công chúa Ngọc Du) khóc chồng:
Những tưởng ra
tay giúp nước nhà
Ai dè bình địa
nổi phong ba
Xót người vị quốc
liều thân ngọc
Khiến thiếp cô
phòng ủ mặt hoa
Gối mộng mơ màng
duyên nợ cũ
Đài mây xiêu lạc
phách hồn xa
Lửa trung đốt đỏ
gương hào kiệt
Nóng ruột thiền
quyên giọt lệ sa.
Tưởng nhớ Võ Tánh, ca dao Bình Định có câu:
Ngó lên ngọn tháp
Cánh Tiên
Cảm thương quan
Hậu thủ thiềng ba năm.
Thủ
thiềng là thủ thành, giữ thành Bình Định. Tháp Cánh Tiên là tháp
cũ của người Chăm. Ngày nay mộ Võ Tánh nằm ở thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Xem
phụ bản 01: ảnh tháp Cánh Tiên và mộ
Đức Võ Tánh.
Phụ lục 2
NGU
CÔNG DỜI NÚI
Ngu
Công di sơn 愚公移山
Sách Liệt Tử 列子 kể: Phía nam
châu Ký 冀 có hai quả núi
Thái Hàng 太行 và Vương Ốc 王屋 to bảy trăm dặm,
cao muôn thước, cây cối rậm rạp, ác thú lại nhiều, đi lại khó khăn. Ở chân núi
có nhà của cụ Ngu Công,([27]) chín mươi tuổi.
Một hôm cụ họp cả vợ con, người nhà lại bàn: “Ta muốn cùng các người hết sức
bạt phẳng hai quả núi này thì có nên không?”
Ai nấy đều thuận, riêng người vợ hỏi: “Sức ông không
bạt nổi một cái gò, làm thế nào bạt được hai quả núi? Mà dù cho có sức bạt được
nữa, thì đất đá đem đổ đi đâu?”
Ngu Công nói: “Mang đổ xuống biển Đông.”
Ngu Công đem con cháu cùng cả họ ra phá núi. Kẻ đục
đá, người đào đất, kẻ đầu đội, người vai mang, hết ngày này sang tháng khác.
Láng giềng có người đàn bà góa và đứa con tám tuổi cũng xin góp sức phụ giúp.
Cụ Trí Tẩu ([28]) trong vùng thấy
vậy, cười Ngu Công: “Sao khờ dại vậy! Mình thì tuổi tác, núi thì cao lớn, phá
thế nào nổi!”
Ngu Công nói: “Ngươi không bền lòng. Bền lòng thì
việc gì cũng phải được. Ngươi không bằng người đàn bà góa và đứa trẻ thơ. Ta già, ta chết, đã có con ta. Hết đời con ta, đã có cháu
ta. Hết đời cháu ta, đã có chắt ta. Con con cháu cháu sinh hạ vô cùng mà núi
thì bao giờ cũng vậy, lo gì không bạt nổi.”
Trí Tẩu nghe nói, nín lặng.
Sau này vùng nam châu Ký không có núi non chướng
ngại, đi lại thuận tiện là nhờ có Ngu Công.
*
Cổ Học Tinh Hoa của hai soạn giả
Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc (1890-1942) và Trần Lê Nhân bình luận (trích):
Ta không tưởng
tượng rõ núi Thái Hàng và núi Vương Ốc to lớn thế nào. Ta chỉ biết ở cái đời
Ngu Công bấy giờ chưa có máy móc
tinh xảo như bây giờ, mà đã bạt được núi, thì giỏi thật. Lại không kể phải thuê
hàng nghìn vạn người để làm, chỉ người trong một nhà, một họ và ít người lân
cận giúp tay vào mà cũng làm nổi. Ôi! Nếu quả như vậy, thì cái gương kiên nhẫn
của Ngu Công thực đáng để truyền lại mãi cho muôn nghìn đời về sau này. Vả
chăng chỉ một câu Ngu Công nói với Trí Tẩu, cũng nên ghi nhớ lắm. Sự kiên tâm
không phải chỉ hạn chế trong một đời, nhưng cứ tiếp luôn đời ấy, đời khác, theo
đuổi mãi thì ở đời còn có gì gọi là khó được nữa.
VĂN
UYỂN
([1]) Võ Công Tánh: Tức là danh tướng Võ Tánh
(?-1801). Xem phụ lục 1.
([26]) Bị chết đuối ở biển
Đông, con gái Viêm Đế là Nữ Oa hóa thành chim Tinh Vệ 精衛, thường ngậm đá ở núi Tây bay ra lấp biển Đông. Trong bài thánh giáo này,
Đức Lý nhắc tới tích chim Tinh Vệ để nói tới ý chí bất khuất của những người
muốn lấp biển dời non. Bậc Thiên ân hướng đạo Kỳ Ba của Đức Chí Tôn cần có ý
chí đó mới mong thi hành được mệnh Trời.