* Hiền tỷ Hà Thị Tuyết Minh (Bến Bình Đông,
quận Tám, TpHCM). Thư ngày 16-3-2016:
Tôi thấy hầu hết các thánh thất thuộc
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài luôn luôn đặt tên có chữ TRUNG phía trước, chẳng
hạn như Trung Bảo, Trung Chiêu, Trung Hiền, Trung Minh, Trung
Nghĩa, Trung Tín, v.v... phù hợp với tên gọi giáo sở trung ương là Trung Hưng Bửu Tòa. Cách đặt tên thống
nhất như vậy theo tôi rất hay, vì thoạt nghe tên thánh thất như Trung Hòa, Trung Phước An, v.v... thì biết
ngay là thuộc Hội Thánh Truyền Giáo. Tuy nhiên, lại có nhiều thánh thất cũng
thuộc Hội Thánh Truyền Giáo mà tên gọi lại không bắt đầu bằng chữ TRUNG, ví dụ
như Kim Quang Minh Đài, Linh Bửu, Thanh
Quang, Từ Vân, v.v... Kính nhờ Văn Uyển cho biết lý do sự khác biệt này.
Huệ Khải: Hiền tỷ kính mến, sáu mươi năm trước,
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài xây dựng xong Trung Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng. Lễ khánh thành ngôi Trung Hưng Bửu Tòa và ra mắt Hội
Thánh Truyền Giáo được tổ chức rất trọng thể vào ngày 01-6 Bính Thân (Chủ Nhật 08-7-1956). Sau đó, trong một đàn cơ tại Trung Hưng Bửu Tòa vào ngày
27-7 Bính Thân (Thứ Bảy 01-9-1956), Đức Ngôi Hai Giáo Chủ Đại Tiên Ngô Minh Chiêu
dạy: “Lấy chữ TRUNG đặt đầu các hiệu thất.”
Như vậy, kể từ khi có Trung Hưng Bửu Tòa trở đi, các thánh thất mới thành lập
đều lấy tên bắt đầu bằng chữ TRUNG; riêng các thánh thất nào đã thành lập trước
thời điểm 01-6 Bính Thân (tháng 7-1956) thì tên gọi cũ vẫn giữ nguyên.
(Trích Gió Bốn Phương, trong Đại Đạo
văn Uyển, tập 18, quý Hai năm 2016.)