Đức CAO BẢO VĂN QUÂN (Cao Hữu Chí, 1904-1953)
BỔN PHẬN TÍN ĐỒ
Trung Hưng Bửu Tòa
30-01 Đinh Dậu (Thứ Sáu 01-3-1957)
CAO thượng
nhờ tu lập vị mình
BẢO tồn quyền pháp được tinh minh
VĂN ngôn giáo hóa khai chơn đạo
QUÂN tử làm cho rạng thánh hình.
Chào chư Thiên ân, chư chức vụ
cùng toàn thể đạo tâm nam nữ. Nghiêm đàn. Xin
mời an tọa.
(…) Chúng ta có trọng trách lớn
lao, nên Tiểu Thánh nêu năm chữ là phải trở
về cùng nhiệm vụ.
Nhiệm vụ của mọi người ai cũng
có hai phần: một phần tu kỷ, một phần độ tha. Hai phần mà một, một phần mà hai,
như gia đình thì người con phải tu thân, tề gia. Quốc gia thì người dân
phải cứu nước, dựng nước. Về tôn giáo người tín đồ phải giữ
đạo, truyền đạo.
Người đạo là người phải thế
nào? Là làm tròn cái bổn phận của người tín đồ đối với Thầy, với bạn.
Với bạn, ta phải tín, thân,
hòa, ái, làm cho giữa nhau có mối tương quan. Bạn nhờ ta mà nên,
ta nhờ bạn mà thành, nương nhau mà tiến, mà tu, mà học, mà sửa chữa tánh tình.
Với Thầy, ta trọn tin trọn
kính, đem thân trong sạch nhờ cậy nơi quyền năng Thầy mà thắng tất cả pháp giới
ma lực, nhờ đức tin làm cho giữa ta và các Đấng thiêng liêng gắn chặt. Hằng
giao cảm, nên thân tâm được gội rửa điển lành, ngày một trở nên thanh tịnh.
Thầy và bạn là hai yếu tố quan
trọng tương liên. Giữa hai phần đó còn một phần thứ yếu là pháp luật để nối
liền cho đôi bên suốt thông, không rối loạn. Pháp là đường lối dẫn dắt, phương
pháp hợp thành đôi bên, người tu phải quy y Tam Bảo là thế.
Tam Bảo là Phật, Pháp, Tăng.
Phật là thầy, Tăng là bạn, Pháp là tổ chức để đưa rước chúng sanh huờn nguyên
bản bổn, cũng là Hội Thánh. Có quy y Tam Bảo bên ngoài cùng với Thầy, với Hội
Thánh, với nhơn sanh thì thân nầy mới bảo đảm, mới chế ngự được phàm phu tình
thức, mới giữ vững giá phẩm con người, mới mong đạt cơ tận thức.
Bên ngoài được rồi thì đồng
thời bên trong của tâm ta cũng được Tam Bửu là Tinh, Khí, Thần mãn túc. Tinh
mãn không dâm dục. Khí mãn không đói rét. Thần mãn không mê nhọc, tự khắc huân
kết kim đơn. Nên về phương luyện đạo nhiều người tu, ít người đạt đạo, là vì
bên ngoài chưa tròn xứng với nhiệm vụ, không quy y Tam Bảo của luật pháp ấn
định, rồi cầu kỳ nơi thâm viễn mà xa con đường Trung Đạo nên lạc vào bàng môn
ngoại giáo.
Tiểu Thánh khuyên cùng toàn
đạo, muốn tu cho đắc đạo thì phải thương Thầy mến bạn, lấy pháp luật làm phương
hướng giữ đạo sửa mình, để cho khế đồng tương ngộ, hợp với người thuận với
Trời. Bằng bỏ pháp luật đi thì thân bị hèn nhục, tâm bị hôn mê, linh căn đọa
lạc. Với người, họ chán ghét ruồng bỏ; với Trời thì bị từ khước quở phạt. Vì
pháp luật là quy tắc để làm Người, làm Tiên, làm Phật, thì phải giữ lấy pháp
luật làm căn bản.
Đã nói pháp luật là quy tắc
làm công cụ chế tạo phàm phu nên thánh đức, tội ác hóa phước duyên, mê ngu ra
xán lạn, thì sao lại lìa bỏ nó được. Ví như muốn có cơm thì phải nấu; nấu cần
phải có củi lửa, nước, gạo, và nồi. Thét lửa cho sôi, sôi rồi bớt lửa. Nếu còn
đun đốt thì hư cháy, mà nôn nả thì sống sít, nên quy tắc phải có chừng độ. Nói
tóm lại là muốn cho thành công phải y hành luật pháp quy tắc.
Phần giữ đạo đã được căn bản,
thì hàng ngũ mới vững chắc, cơ sở mới bền lâu, phương danh được rạng rỡ, thế
đạo được to lớn mạnh mẽ, nội bộ uy nghi, tình thương chan chứa, sức sống phân
đều. Kẻ nầy có bổn phận với người nọ, người nọ có bổn phận với người kia.
Vì thương nhau mà lo cho nhau
về phần xác cũng như phần hồn, không nỡ lòng để nhau sa lạc. Nên một điều lầm
lỗi bằng lời nói, bằng việc làm, bằng dung dáng, đã trông vào thấy có phần tai
hại thì cùng nhau xúm lo sửa chữa, bảo nhau nên thôi, khuyên nhau nên bỏ, chỉ
nhau nên tránh, nói nhau nên chừa, cản nhau nên thối bước.
Vì thương nhau mà không ngần
ngại, thương nhau mới xây dựng giúp đỡ cho nhau. Lòng thương nó phát ra bằng cử
chỉ, bằng lời nói, là các pháp môn cứu người. Người tiếp thâu vào lòng thấy có
phần hối cải mà cảm ngộ được lẽ đạo. Nên người có lỗi họ rất vui sướng bằng
lòng. Vui và mau nhận lỗi là vì cái tình thương chân thật của bên kia nó bắn xạ
vào tâm linh một lằn điển quang mát mẻ, vẹt cả u ám mê lầm.
Nếu kẻ kia không phải vì lòng
thương yêu mà nói, mà cản ngăn thì thái độ ấy đối với người phạm lỗi không
thành hiệu lực, mà còn gây lòng phản trái là khác. Vì vậy pháp môn cứu người độ
đời cần phải thật tâm không môi miếng. Lòng thương kia nó chan chứa mà hòa lẫn
trong khối đạo tâm. Nó là một bờ tường kiên cố để ngăn ngừa sự vô minh tội lỗi.
Bởi vậy người cha sở dĩ thương con không muốn cho con hư, nên lúc nhỏ hay coi
chừng, lúc lớn hay nhắc nhở là cố xây dựng cho nên người, đẹp danh tốt phận. Vì
lẽ chung và tinh thần tiến bộ thì tự nhau xây dựng cho nhau, có cần gì người
cầm pháp luật răn he sửa trị.
Vì trình độ của đạo hữu còn
kém, nên phần đông thấy lỗi của bạn lại che giấu đi, gọi là ơn và thương mà
khỏa lấp, không ngờ đó là giết bạn bằng cách âm thầm.([1]) Cũng có người thấy lỗi của bạn
lại cao rao bàn tán xầm xì, làm cho người có lỗi càng lỗi thêm. Người thấy lỗi
đã không sửa được lỗi mà làm cho lỗi càng to, và gieo rải lỗi ấy cho chung
quanh mọi người cùng bị lỗi thành ra cả đám.
Ôi! Người đó đã gây biết bao
ác hại cho đạo, ví như lửa một nhóm không tưới tắt, rồi lại nhen nhúm cho to,
đem mồi đốt cùng các chỗ, cho cháy to lan rộng. Vì vậy Tiểu Thánh khuyên người
giữ đạo nên dè dặt, tiểu tâm,([2]) không tạo được lành thì đừng
gây ác. Phần giữ đạo mà hàng ngũ giác ngộ được pháp luật thì phần truyền đạo
rất dễ dàng, cũng như cái thùng lành, cái gàu có nhỏ, múc lên cũng chứa được,
nên phần nội bộ rất quan trọng.
Mỗi cá nhân biết quý trọng lấy
phần tâm, thấy được giá trị cái thiên chức của mình, thì cố gắng dồi luyện tính
tình, chế kềm ý dục, làm tròn bổn phận thiêng liêng, để được xứng danh một tín
đồ của bảng hồng danh nơi Thiên vị. Cái
danh vị tín đồ của Chí Tôn không dễ ai xưng cũng được. Người có thiện duyên
phúc đức mới gặp Tam Kỳ đại xá, làm một đệ tử của Thầy thì làm sao cho xứng
đáng. Đã biết cái giá trị kia muôn năm khó gặp, thì lo khép mình vào trong
khuôn phép đạo đức, để được chóng thành một môn đệ xứng đáng, hầu thọ lấy quyền
pháp tối linh để nâng cao phẩm vị con người. Người được ân phước như thế mới
hầu ra giúp đời, cứu người mà bòn chắt công hạnh, xây nên lầu đài nơi cõi Tiên
Bồng.
Cái nhiệm vụ làm người môn đệ
ta nên cố gắng để được tròn xứng với cái bổn phận. Hằng ngày tu tiến thân tâm,
làm cho sáng danh của mình của Đạo, để rồi cứu người cứu mình, cứu cả đời đã
mang tội ác, tạo nên một cảnh hòa bình hạnh phúc cho ngày mai. Sứ mạng đặt trên
lời nói, ý nghĩ, việc làm; mọi cử động đều làm khuôn phép mẫu mực cho con, cho
nhà, cho người, cho nước. Được thế mới hầu cứu độ chúng sanh trong trầm luân khổ
hải.
Luật pháp không đòi hỏi quá
mức con người, chỉ buộc mỗi cá nhân phải làm đúng với cái tên đã có. Cái tên ấy
là người tín đồ của Đại Đạo. Tín đồ
của Đại Đạo không phải chỉ như một hội viên của một đoàn thể nào có tánh cách
xã hội, nó còn thiêng liêng hơn gấp mấy trăm lần. Vì một hội viên phải phục
tùng tôn chỉ của hội là tuân hành điều lệ kỷ luật đã ấn định, để làm cho hội
được lớn mạnh, phát triển dễ dàng. Hội ấy là một tổ chức từ thiện nhứt thời,
chan rải tình nhơn loại giữa nhau. Hội viên hội ấy làm sao sánh kịp được cái
tên tín đồ của Đại Đạo.
Tín đồ là người đã được cứu, được
nâng mình lên trên tất cả cái gì mà người ta gọi là phàm phu hèn thấp, đã được
khước bộ Âm Ty, được vào trong hàng thánh đức, được Thầy và các Đấng thiêng
liêng hằng trông coi dìu dắt, thoát nơi đen tối vô minh. Người tín đồ có giá
trị nơi phần thiêng liêng để độ phần hồn siêu xuất khổ hải, cứu phần xác danh
phận cao tôn.
Ôi! Từ lâu người tín đồ ngỡ là
vào cửa Đạo để cho vui, chưa thấy cái giá trị tôn quý trong hàng thánh đức, nên
vào thì vào, tu cũng tu, chớ nào thấy cái trọng trách phải làm sao cho xứng
đáng và được đẹp lòng Thầy điều độ.
Từ lâu quẩn quanh đua tranh
với mồi danh bả lợi, giành xé nhau tấm mặc miếng ăn, mua sự thỏa thích cho ý
tình mà quên thấy xấu hổ ti tiện và tự hạ giá trị con người xuống cùng hàng thú
vật. Nên năm nay là năm Chỉnh Pháp Giáo Pháp, cần được chỉnh đốn mọi mặt trong
nội bộ, nhất là tín đồ, để cho xứng đáng một người tu, khỏi mang tiếng cái tên
học trò Tiên mang lốt Đạo. Vì thế mà lời kêu gọi của năm Khai Cơ Giáo Pháp,
khảo xét tất cả từ nhơn sanh chí Hội Thánh. Kẻ thiên chức, người tín đồ phải
mau mau trở về với nhiệm vụ.
Trở về là nghĩa làm sao? Phải
chăng từ lâu ta đã đi xa luật pháp, tách biệt cùng Thầy, nên hầu như rời tách
con đường tạo Tiên tác Phật. Nên trở về là ý nói quy y cùng Thượng Đế, cùng tổ chức, cùng đoàn thể của mình.
Về với Thầy, ta phải làm những
gì cho xứng đáng với nhiệm vụ. Về với tổ chức, với chúng bạn thì làm sao? Nên
nhiệm vụ của tín đồ là giữ tròn Tam Quy Ngũ Giới, làm đúng hai mươi bốn điều
Thế Luật để sửa mình, để độ người. Cùng nhau siết tay xây dựng nền móng Đạo,
hàng ngũ sống còn kết thành bức tranh tốt đẹp kỳ xảo. Chư chức sắc, chư chức
việc ai ở cấp bậc nào trong hàng phẩm nào, đều làm tròn phận sự là trở về với
nhiệm vụ.
Trở về như thế là quy y Phật vị, nương lấy oai thần điển huệ Chí Tôn mà tạo thành con người Bồ
Tát, là người giữ đúng pháp luật, nhờ pháp luật mà tạo cải thân tâm, chế phàm
phu, ngăn tình thức, xây dựng con người Thần Thánh, vứt bỏ được oan trái phiền
não nghiệp chướng, ác tâm. Lòng vui tươi, thân khỏe mạnh, thần trí sáng suốt,
giá phẩm tăng cao, đức hạnh uy nghi, cảm hóa được người bỏ dữ theo lành, cải tà
quy chánh, ma quỷ khâm phục tôn ca. Ấy là quy
y Pháp.
Nhờ tùng Pháp mà đi đến Đạo,
đạt Đạo để cứu chúng sanh, mà cứu được người là đại Thiên hành hóa.([3]) Cứu người không phải học cho
nhiều, nói cho suốt, biện bác cho tài tình. Cứu người ở trên thực chất bằng
hành động, lời nói việc làm đã chứng tỏ mỗi ngày. Mà chính yếu là phần công phu
thực hành tu dưỡng nơi thân tâm, hiện ra dung dáng bằng đức hạnh, làm cho điển
lực nơi người rung động từng cơn như làn sóng, rất có hiệu lực. Nói ra ai cũng
ưa nghe, khiến được xa gần tất cả ai cũng được thế, thì bao nhiêu hiệu lực kia
cộng hợp lại thành khối. Khối ấy mỗi một lúc phát ra thì có khác chi xuân khí
đầu năm. Không nói cứu sống, nuôi mạnh, trợ lực cho vạn vật, mà vạn vật được
tiếp lấy khí xuân dương phát tải hồi sanh vượng. Ôi! Ai biết quyền pháp đó
chăng? Vô danh, phi thường danh mới thành đại nguyện, nên vô vi để dịch sử quần
linh là phương tu lập pháp.
Lập pháp là lập cái thân. Lập
cái thân là lập thành thánh thể cho Đại Đạo. Lúc trì châu khởi chú, cúng sám
quỳ hương, vận khí điều thần là làm cho thân được lập, tâm được thanh, quyền
pháp được tụ hội. Thần khí quy về pháp giới tịnh yên, nhứt khắc trụ thần vào
đâu là sử dịch được đó. Vô vi không phải không làm để chơi rông, tiêu cực với
nhiệm vụ, mà trái lại để tăng trưởng sức lực hoạt động bên trong, bình tĩnh mà
tiếp phăng nguồn gốc mối manh của vạn hữu mà định phương tịnh độ.
Vì pháp luật cần yếu cho
người, người nương pháp luật mà lên ngôi thượng phẩm. Pháp luật cứu được mình,
cứu cả chúng sanh; nó là cái quy củ nhất định không ai bỏ ra mà nên việc được.
Vì vậy về phần giữ Đạo là giữ pháp luật để cho còn Đạo. Còn Đạo là còn thân tâm
Bồ Tát của ta. Còn ta còn Đạo thì còn mong ngày tận độ chúng sanh.
Chúng sanh quay về với pháp
luật thì chúng sanh và ta là một. Một ấy là Đạo, nên lấy con số một làm đề mục
cho việc giữ Đạo hành pháp. Lấy con số hai làm bộ máy chế hóa cho tâm tức điều
hòa, đạo đời không trái. Chỉ có hai mới làm được việc giữ đạo, truyền đạo. Sao
vậy? Vì hai là phần khí của Tạo Hóa để trưởng thành vạn hữu, để phân định sáng
tối, để phân thanh giáng trược, để ghép liền mảnh nọ thân kia cho đôi phần dính
dáng. Hai là pháp, pháp để làm cho thành sự, còn luật để cho sự sự tương liên.
Pháp luật là cơ mầu nhiệm cứu
người vô kể. Phật đã thành, Phật sắp thành và chúng sanh sẽ được thành Phật,
đều nương pháp luật. Phật đã qua, Phật sắp tới đều dính liền, khác chi tràng
hạt trên tay lúc đương lần niệm. Cứ lăn quay hết vòng này sang vòng khác, đều
yên vững nương lấy sợi dây đạo pháp mà tiến về với câu thần chú. Câu thần chú
là tiếng gọi bao hạt từ bi. Còn gọi còn thấy chúng sanh quay mình trong pháp
Đạo tiến về một phương để chầu Thượng Đế. Không ai không nhờ quyền (Thầy) pháp
(Hội Thánh) mà được cứu. Vì vậy kẻ có trách nhiệm nên thận trọng mà lo tròn sứ
mạng nơi mình, ráng tu để cầu đạt Đạo.
Bây giờ nói qua về phần truyền
đạo. Phần nầy không phải riêng cho giáo sĩ truyền giáo, mà cũng không riêng chư
Thiên phong chức sắc của Hội Thánh, mà là phần việc chung của mỗi tín đồ.
Nếu nội bộ có đủ tư cách quyền
pháp tinh minh, chẳng những độ chúng sanh trong cõi ta bà mà còn độ cả thiên la
chúng thần trên thượng giới.
Điều quan trọng hơn hết là
phần giữ đạo, ví như ngọn đèn muốn soi sáng khắp một gian nhà thì sự sáng nó
bắt từ trong cái tim ở miệng bình mà ra, chứ phải sự sáng ở ngoài mà đến đâu.
Cũng như khai mương, đào lạch để đem nước cho đến phương xa chảy về nguồn cả.
Vì vậy phần giữ đạo là chính, phần truyền đạo là phụ. Nói phụ không phải để đặt
nhẹ vấn đề nầy, mà để ta phải tu chỉnh nội bộ trước nhất cho hoàn thành vững
chắc, rồi đi truyền đạo mọi nơi.
Nếu giữ đạo mà không truyền
đạo thì không thành đạo. Người truyền đạo là người hiện thân của pháp luật. Có
cái thân pháp luật mới có lời nói pháp luật, việc làm pháp luật, đi dạy người
học tu pháp luật. Nên truyền đạo là truyền bá pháp luật để được cứu. Pháp luật
là cái cầu bắc ngang cho người và Trời làm một, làm cho khách ta bà nơi phàm
tục qua bờ giác bên kia.
Truyền đạo là gieo giống lành
vào lòng chúng sanh, và gieo sự sáng vào cõi tăm tối. Giống lành sự sáng chính
là Thượng Đế hay là đạo đức. Có giống lành sự sáng nơi mình mới có mà gieo, chớ
không lẽ hai tay không vãi vào thiên hạ bằng thứ chi để cứu.
Giống lành sự sáng ta có sẵn
là nhờ ta tiếp liên với Thượng Đế, do nhiều công phu tu tập lâu ngày. Cái thân
làm chỗ chứa giống lành sự sáng, chớ không phải tự nhiên không mệt nhọc mà có.
Có là nhờ thân ta đã dọn sạch giống dữ, sự tối ra khỏi, để cho giống lành sự
sáng được tụ. Không thể có hai đối tượng ở chung nhau làm thân được. Hễ chứa
lành thì dữ phải đi, có sáng thì tối kia phải hết.
Người truyền đạo phải tu tập
quyền pháp mà cứu đời. Người truyền đạo gần nhơn sanh hơn hết là Chánh, Phó Trị
Sự, Thông Sự, một thành trì giữ đạo mà cũng là cờ đạo cắm khắp nơi. Vậy khuyên
nhắc cơ sở xã đạo ráng lo tu học. Tiểu Thánh tạm ngừng về đoạn truyền đạo, sau
sẽ nói thêm.
(…) Tiểu Thánh chào.
(Trích: Phạm Văn Liêm, Hồng Ân Tận Độ. Hà
Nội: Nxb Tôn Giáo 2016, tr. 101-112. Quyển 92-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn
Tống Kinh Sách Đại Đạo.)
u Đức CAO BẢO
VĂN QUÂN sinh thời là tiền bối Cao Hữu Chí (1904-1953), một bậc hướng đạo tài
đức của công cuộc truyền giáo Cao Đài ở miền Trung, với phẩm vị Thiên phong là Tiếp Văn Pháp Quân. Chân dung tiền bối
Cao Hữu Chí có in trong: Phạm Văn
Liêm, Mấy Nhánh Rồi Sau Cũng Một Nhà. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2014. Quyển
86-1 trong Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo.