MỘT VÀI NHẬN XÉT BAN ĐẦU VỀ
THÁNH TRUYỀN TRUNG HƯNG (BẢN IN 2017)
HUỆ KHẢI
Mỗi một Hội Thánh Cao Đài thường có ít ra một bộ kinh để làmtrấn môn chi bảo 鎮門之寶. Một trong các bảo bối trấn môn của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài là Thánh Truyền Trung Hưng(TTTH).
Khoảng năm 2014, TTTH được kết tập để lưu hành nội bộ, và được biết đến nhiều là bộ bốn tập (in vi tính, photocopy, khổ sách A5),([1]) sau đây tạm gọi là TTTH 2014, khởi đầu với thánh giáo tiếp nhận tại thánh tịnh Đại Thanh ngày 02-9-1934; hôm ấy Đức Giáo Chủ Cao Đài (Ngọc Hoàng Thượng Đế) phó trao cho tiền bối Trần Công Ban (còn viết là Bang) và nhóm Tứ Linh Đồng Tử sứ mạng truyền đạo Trung Kỳ. TTTH 2014 kết thúc với thánh giáo tiếp nhận tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 01-02-1982; hôm ấy Đức Bảo Pháp Chơn Quân Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982) giáng đàn lần đầu tiên sau khi quy thiên.
Do chiến tranh tàn phá, do tản cư, do miền Trung thiên tai triền miên, và bởi ít nhiều lý do tế nhị khác trong việc sao chép và lưu giữ thánh giáo, TTTH 2014 cho thấy nhiều lỗi sai về từ ngữ, không ít thiếu sót về văn bản. Thế nên, một số thánh giáo được Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm trích dẫn trong Sự Nghiệp Trung Hưng (Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2018, 544 trang) lại không tìm thấy trong TTTH 2014.
Cuối năm 2017, Thánh Truyền Trung Hưng được ấn tống, liên kết nhà xuất bản Tôn Giáo (Hà Nội), dày 1.000 trang (14,5x20,5cm), mỗi trang thánh giáo in thành hai cột.([2]) Ngoài ra, có in thêm hai trang đính chính để dán vào cuối sách. Sau đây gọi quyển này là TTTH 2017.
In đẹp và gọn, TTTH 2017 cho thấy có nhiều công phu trong việc kết tập.
Tuy nhiên, nếu TTTH 2017 được sử dụng rộng rãi để tín chúng học tập, trích giảng tại các họ đạo trong những dịp sóc vọng, hay trích dẫn khi viết bài khảo luận… thì e rằng có lúc sẽ khó tránh khỏi hệ quả của việc dùng cây thước hơi bị cong để mong vạch được một đường thẳng tắp.
Hệ quả này nên dè chừng, vì nó đã xảy ra với Kinh Tận Độ (Huế: Nxb Thuận Hóa 1995, 310 trang) của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, sau đây gọi là Kinh Tận Độ 1995. Trên Sống Đạo (Mậu Tuất 2018-2, tr. 82-83), một tác giả vì lỗi in sai của Kinh Tận Độ 1995 mà giảng sai câu kết bài Kinh Vào Học. Sau đó, mặc dù trên Sống Đạo (Mậu Tuất 2018-4, tr. 94-97), Thượng Giáo Sư Phạm Văn Liêm kịp thời có bài sửa lỗi giảng sai đáng tiếc ấy, ở đây cũng nên nhắc sơ lại vấn đề để chúng ta cùng cảm thông với thực trạng kinh sách của đạo Cao Đài nói chung, của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài nói riêng.
Thật vậy, trong Kinh Tận Độ 1995 (tr. 243), thay vì in Các Đằng,câu kết bài Kinh Vào Học in sai: Thuyền thơ ngọn gió, cát đằng xuôi đưa.
Cát 葛 là dây sắn; đằng 藤 là dây bìm. Chúng phải leo bám vào thân cây khác mà sống. Văn học mượn cát đằng để ám chỉ thân phận phụ nữ phải sống nương dựa, lệ thuộc vào một người đàn ông (nấp bóng tùng quân). Bởi thế, khi tiễn Thúy Kiều rời xa nhà, cha nàng đã ví nàng với cát đằng khi gởi gắm con gái cho Mã Giám Sinh:
Từ đây góc bể bên trời
Nắng mưa thui thủi quê người một thân
Nghìn tầm nhờ bóng tùng quân
Tuyết sương che chở cho thân cát đằng
(Kiều, câu 809-902)
Kinh Vào Học là một trong mười bài song thất lục bát mở đầuKinh Thế Đạo do tiền khai Hộ Pháp Phạm Công Tắc (1890-1959) soạn, sau đó Đức Nguyệt Tâm Chơn Nhơn giáng cơ chỉnh lại.([3])Câu kinh cuối bài đúng ra là Thuyền thơ ngọn gió, Các Đằng xuôi đưa.
Các Đằng là Đằng Vương Các 滕王閣 nói tắt. Câu kết bài kinh mượn ý câu: Thời lai phong tống Đằng Vương Các. 時來風送滕王閣.([4]) (Khi thời vận tới, gió đẩy thuyền tới gác Đằng Vương.)
Gác Đằng Vương cất năm 653, ngày nay ở Tây Bắc thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây, trên bờ Đông sông Cống 贛. Chủ nhân gác này là Lý Nguyên Anh 李元嬰 (628?-684), tước Đằng Vương, là em vua Đường Thái Tông (Lý Thế Dân) tức là chú vua Đường Cao Tông (Lý Trị). Năm 675, gác Đằng Vương tái thiết xong, nơi đây tổ chức cuộc tranh tài thi phú. Bấy giờ Vương Bột (650-676) trên đường vượt biển thăm cha làm thứ sử Giao Châu (Việt Nam), tình cờ được trận gió lớn thổi bạt thuyền đến gác Đằng Vương. Nhân dịp ấy Vương Bột sáng tác bài Đằng Vương Các Tự 滕王閣序 lưu danh thiên cổ.
Trở lại với TTTH 2017, đối chiếu TTTH 2014, tạm nêu ra một vài nhận xét ban đầu như sau:
1. TTTH 2017 không sửa chữa được các sai sót từ ngữ của TTTH 2014. Chẳng hạn, tạm nêu ba trường hợp:
1.1. TTTH 2014 in sai: Nồng nàn bấy khúc tình hoằng hoại,([5])mà TTTH 2017 (102b) cũng in sai y như vậy.
Đây là lỗi do cách phát âm, vì không phân biệt được hoằng / oằn / quằn, và hoại / oại / quại nên viết sai chánh tả. Lẽ ra phải in là oằn oại (hay quằn quại).
1.2. TTTH 2014 in sai: Đây nhành bông, kìa đã sẵn Bác du
TTTH 2017 cũng in sai: Đây nhành bông, kìa đã sẵn Bát du(344a)
Đây cũng là lỗi do cách phát âm, vì không phân biệt được bác / bát, và du / vu nên viết sai chánh tả.
Trong câu thánh thi trên, lẽ ra in đúng là bát vu và không cần viết hoa vì là danh từ chung (common noun). Bát vu 缽(鉢)盂 là từ Hán Việt, gốc Sanskrit là pātra, người Hoa chuyển âm (transliterating) là 鉢多羅 (bát đa la). Người Việt gọi là bình bát,cũng gọi tắt là bát như người Hoa; chẳng hạn, hai câu thơ tương truyền của hòa thượng Bố Đại: Nhất bát thiên gia phạn / Cô thân vạn lý du. 一缽千家飯 / 孤身萬里遊. Một bát, cơm ngàn nhà /Thân đơn muôn dặm xa.
1.3. TTTH 2014 in sai:
Đường còn dài mau chồn chân bước
Bước cho nhanh để vượt gian lao
TTTH 2017 (345a) cũng in sai y như vậy.
Chồn nghĩa là mỏi đến mức không còn muốn cử động nữa (numb with weariness). Thí dụ: Quai búa đập đá không ngừng khiến chồn cả tay. Mỏi gối chồn chân vì phải đi đường xa hoặc phải leo trèo nhiều.
Hai câu thánh thi dẫn trên có ý nghĩa thúc giục hãy bước nhanh chân lên, rảo bước không ngưng nghỉ. Lẽ ra phải in: Đường còn dài mau dồn chân bước.
2. TTTH 2017 có thêm vào một số thánh giáo so với TTTH 2014 nhưng lại để ra ngoài một ít thánh giáo hoặc lược bớt một số đoạn thánh giáo vốn có trong TTTH 2014. Chẳng hạn, TTTH 2017 in hai đoạn như sau:
Bản quân về ở Động Quỷ Cốc lâu nay được sự chỉ điểm Thiên cơ vận số để tìm lẽ Đạo, thấy không ai có thể cải cơ Trời, chống lại cơ Trời thì trăm lần hư hại…
Chư hiền chắc hiểu ý Bản quân nói đây chứ? Phải nhẫn nhục và cố gắng, đừng thấy khó mà nản lòng. Ở đời hễ có cái phải tất nhiên có cái trái. Chánh tà lẫn lộn, không tà làm sao biết chánh, không chánh sao thấy được tà. Ta yên vui thanh tịnh thì phân minh rõ rệt.(576a)
Không nói về cách viết hoa (Bản quân, Động Quỷ Cốc), khi so với TTTH 2014, thì thấy TTTH 2017 đã lược bớt 117 từ giữa hai đoạn dẫn trên, và thay bằng dấu … ngay sau hai chữ hư hại; lẽ ra nên dùng ký hiệu (…). Dưới đây là 117 từ đã lược bớt:
Chúng ta thấy rõ truyện Phong Kiếm Xuân Thu, nghiệp vận về ai nấy được. Bên nầy có tướng tài tôi mạnh, quyền pháp cao thâm, được Tôn Tẫn phò trì. Tuy Tôn Tẫn là bực Đại Tiên chứng ngôi Liễu Nhứt chỉ cũng có quyền giữ lại trong ngày giờ chưa mãn số tiền định mà thôi.
Có kẻ hỏi Liễu Nhứt Chơn Nhơn thành quả đạo sao không đạt cơ Trời, chống làm gì cho nhọc và có lỗi cùng Thiên Đình?
Trung hiếu là đạo lớn. Liễu Nhứt còn có nhiệm vụ trung với Yên, hiếu với Tề mà hành động. Song vì biết cơ Trời nên không dụng hết thần thông đối địch.
Lược bớt như vậy thì làm mất mối liên hệ giữa Quỷ Cốc và Tôn Tẫn (Liễu Nhứt Chơn Nhơn), vì Tôn Tẫn là học trò của Quỷ Cốc Tử (tức Vương Thiền, cũng gọi Vương Hủ, là chủ nhân của Quỷ Cốc). Hơn nữa, thánh giáo Đức Liễu Nhứt Chơn Nhơn có in trong TTTH 2017 (229b, 230a).
3. TTTH 2017 có một số lỗi phát sinh vì không hiểu ý nghĩa từ Việt cổ.
Nhiều năm qua, do hay chú giải từ ngữ trong thánh giáo Cao Đài, tôi thấy rằng không ít từ Việt cổ đã được Ơn Trên sử dụng. Tôi cũng nhận ra từ Việt cổ được dùng khá nhiều trong kinh Minh Lý Đạo và Phật Giáo Hòa Hảo. Nhân kỷ niệm mười năm phổ thông giáo lý của Chương Trình Chung Tay Ấn Tống Kinh Sách Đại Đạo (tháng 6-2008 / tháng 6-2018), tôi xuất bản quyển 116-1, nhan đề Một Số Từ Việt Cổ Trong Kinh Minh Lý Đạo Và Phật Giáo Hòa Hảo (Hà Nội: Nxb Hồng Đức, 40 trang 14,5x20,5cm). Về điểm chung (từ Việt cổ) của đạo Cao Đài, Minh Lý Đạo và Phật Giáo Hòa Hảo, trong tập sách mỏng này (tr. 9-10) tôi viết:
“Ba nguồn giáo lý nói trên có điểm chung là đều dùng tiếng Việt, ghi chép bằng chữ quốc ngữ y theo lời Ơn Trên hay Đức Huỳnh Giáo Chủ trực tiếp truyền dạy (tức không phải là các bản dịch từ tiếng nước ngoài do các cao đồ thực hiện). Đáng chú ý là cả ba nền giáo lý này đều dùng khá nhiều từ Việt cổ (archaic), tức là những từ ngữ không còn thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày,([6]) và hầu như không còn được ghi nhận trong các bộ từ điển hay tự điển tiếng Việt xuất bản từ nửa sau thế kỷ 20 trở đi, ngoại trừ bộ Tự Điển Việt Nam, quyển Thượng và Hạ, do Lê Văn Đức cùng một nhóm văn hữu biên soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, nhà sách Khai Trí xuất bản tại Sài Gòn năm 1970. (Bộ này còn ghi nhận khá nhiều mục từ thuộc loại từ cổ, nhưng không quan tâm ghi chú bên cạnh rằng đó là từ cổ. […])
“Bằng cách sử dụng từ Việt cổ trong kinh kệ và giáo lý, phải chăng ba nền tôn giáo bản địa phát sinh ở Nam Kỳ đã và đang duy trì một số lời ăn tiếng nói lâu đời của dân tộc, không để cho mai một?
“Tuy nhiên, tín đồ thường không hiểu nghĩa từ Việt cổ, mà kinh sách trong đạo nếu thiếu sót phần giảng giải thì dễ nảy sinh việc hiểu sai, rồi có người tự ý sửa chữa làm sái lạc nghĩa lý câu kinh.”
Chỗ “Tuy nhiên” vừa nhắc lại trên đây có thể được minh chứng bằng TTTH 2017. Thật vậy, do từ Việt cổ vốn khó hiểu, trong lúc TTTH 2014 in đúng thì TTTH 2017 lại sửa cho sai chữ sai nghĩa. Tạm nêu ra bốn trường hợp như sau:
3.1. TTTH 2014 in đúng là mựa hềm, nghĩa là chớ ngại, chẳng ngại (Của I, 54b).([7]) TTTH 2017 in sai là mựa hèm:
Bứt rứt đòi phen luống mựa hèm (59b)
Khuyên các nữ lưu chớ mựa hèm (73b)
Dù ai tưới nước vun phân mựa hèm (152b)
3.2. TTTH 2014 in đúng là hòng, nghĩa là mong có được (Đức I, 630b).([8]) TTTH 2017 in sai là phòng:
Trước lo cách vật trí tri
Chánh tâm, thành ý, phòng khi trị bình (84b)
Phòng nghĩa là phòng ngừa, liệu trước để tránh sự bất tiện hay tai hại (in case of; in the event of). Thí dụ: Trời mưa dông đừng núp dưới tàn cây lớn phòng khi sét đánh.
Hai câu thánh thi dẫn trên nhắc tới cương lĩnh (mục tiêu và trình tự hành động) của sách Đại Học. Nhưng do khuôn khổ thơ lục bát nên Đức Bạch Phụng Đồng Tử nói tắt, tức là lược bớt hai chặng thân tu, gia tề trong chuỗi trình tự.([9]) Tạm diễn giải ra là trước hết phải hiểu rõ sự vật (trí tri) bằng cách truy cứu tới cùng cái lý của sự vật (cách vật), sau đó đạt được ý thành rồi thì được thêm tâm chánh, nhờ vậy mà thân được sửa (thân tu) và nhà được ổn định (gia tề), chừng ấy mới hòng, mới mong có được lúc đất nước an trị (quốc trị), thế giới thanh bình (thiên hạ bình).
Vậy, cụm từ hòng khi trị bình nên hiểu theo trình tự như thế.
3.3. TTTH 2014 in đúng là xíu xăng. Xíu nghĩa là rối nùi, gỡ không ra (Của II, 583b); xăng xíu nghĩa là rối rắm, rộn ràng (Của II, 574a). TTTH 2017 in sai là lăng xăng:
Bốn phương thiên hạ phân vân
Phân vân vì bởi phong trần lăng xăng (203b)
3.4. Líu díu, nghĩa là dính mắc với nhau, gỡ không ra (Của I, 236b). Trong bài phú của Đức Tiếp Văn Pháp Quân, TTTH 2014 in là liu diu:
Mà thật ra đời mạt chẳng thương yêu
Lợi quyền danh thôi nó cứ liu diu
Chữ yêu ở cuối câu trên và diu ở cuối câu dưới ăn vần với nhau, cùng thanh bằng (do đó, thay vì nói líu díu như Paulus Của thì thánh giáo nói chệch đi là liu diu).
TTTH 2017 in là lịu địu:
Mà thật ra đời mạt chẳng thương yêu
Lợi quyền danh thôi nó cứ lịu địu (343b)
Như vậy địu (thanh trắc) không ăn vần với yêu (thanh bằng) và sai nghĩa câu thánh thi. Lịu địu nghĩa là đa đoan, bận rộn, không rảnh, như nói: vợ con lịu địu; còn có nghĩa là bận bịu, vướng vít, như ca dao: Gió đẩy đưa rau dừa dìu dịu / Anh thương nàng lịu địu xuống lên (Đức I, 807b).
*
Nhắc lại, trên đây tôi viết rằng TTTH 2017 cho thấy có nhiều công phu trong việc kết tập. Tuy nhiên, với khối lượng thánh giáo trải dài sáu mươi năm (từ 1934 đến 1995), hầu như xuyên suốt lịch sử đầy những thăng trầm, gian nguy, hy sinh xương máu của lớp lớp tông đồ và bao thế hệ môn sanh Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài, thì việc kết tập rất khó mà tránh khỏi sai sót ở mặt này mặt khác. Do đó, chúng ta rất cảm thông với những gì chưa hoàn thiện trong TTTH 2017, và cần nên góp ý xây dựng với các vị đã dành nhiều công khó kết tập. Chẳng may, nếu lời nhận xét thẳng thắn mà vô tình hóa ra “khó nghe” thì tôi xin thành thật chắp tay tạ lỗi cùng các vị liên quan.
Mấy sai sót đã tạm nêu ra chỉ là một phần ít ỏi so với cả ngàn trang TTTH 2017 (in cỡ chữ nhỏ, 331 bài); qua đó tôi nghĩ rằng chúng ta có thể hình dung được những gì về lâu dài cần phải gắng công khắc phục ngõ hầu đạt được một bản TTTH hoàn hảo trong tương lai.
Tôi ước mong và tin rằng rồi đây TTTH 2017 sẽ được san định tốt hơn, với một ban tu thư vừa chắc tay vừa tâm huyết do Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài tuyển chọn và bổ nhiệm. Có như thế TTTH mới thật đúng nghĩa là một trấn môn chi bảo của một Hội Thánh lớn vào hàng thứ tư trong các Hội Thánh Cao Đài hiện hữu.
HUỆ KHẢI
Phú Nhuận, 22-7-2018
([4]) Một số người Việt lầm tưởng đây là thơ của Tô Đông Pha. Thật ra nó là vế trên của một câu đối cổ không rõ tác giả, có chép trong sách Tăng Quảng Hiền Văn 增廣賢文 phổ biến dưới đời Minh, Thanh để dạy trẻ con Trung Quốc. Sách này còn có nhan đề là Tăng Quảng Tích Thời Hiền Văn 增廣昔時賢文, Tích Thời Hiền Văn 昔時賢文, Cổ Kim Hiền Văn 古今賢文. (Theo Lê Anh Minh, mục Gió Bốn Phương, trong Đạo Uyển Thu 2018, Nxb Hồng Đức; tham khảo website Baidu (Bách Độ 百度) của Trung Quốc:
https://baike.baidu.com/item/%E6%98%94%E6%97%B6%E8%B4%A4%E6%96%87)
([6]) Khái niệm cổ ở đây rất tương đối, và tôi muốn nhấn mạnh tới tính chất không còn thông dụng trong lời ăn tiếng nói hằng ngày. Theo giới sưu tập đồ cổ, một đồ vật có khoảng năm mươi năm tuổi trở lên thì gọi là đồ xưa; khoảng một trăm tuổi trở lên thì gọi là đồ cổ. Nhưng với ngôn ngữ một dân tộc thì không thể nào ấn định một mức thời gian cụ thể như thế. (…)
([7]) Về nghĩa các từ Việt cổ, tôi tham khảo: Huình Tịnh Paulus Của, Đại Nam Quấc Âm Tự Vị. Sài Gòn: Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Tome I (1895) và Tome II (1896). Mỗi trang chia làm hai cột, tôi gọi là cột a, cột b. Thí dụ: (Của I, 54b) nghĩa là trích Tome I, trang 54, cột b. Khi ghi nghĩa từ Việt cổ nơi đây, tôi không nhất thiết chép đúng nguyên văn trong sách.
([9]) Trí tri tại cách vật. Vật cách nhi hậu tri chí. Tri chí nhi hậu ý thành. Ý thành nhi hậu tâm chánh. Tâm chánh nhi hậu thân tu. Thân tu nhi hậu gia tề. Gia tề nhi hậu quốc trị. Quốc trị nhi hậu thiên hạ bình.
致 知 在 格 物 . 物 格 而 後 知 至 . 知 至 而 後 意 誠 .意 誠 而 後 心 正 . 心 正 而 後 身 修 . 身 修 而 後 家 齊 . 家 齊 而 後 國治 . 國 治 而 後 天 下 平 .
致 知 在 格 物 . 物 格 而 後 知 至 . 知 至 而 後 意 誠 .意 誠 而 後 心 正 . 心 正 而 後 身 修 . 身 修 而 後 家 齊 . 家 齊 而 後 國治 . 國 治 而 後 天 下 平 .