LỜI GIỚI THIỆU
Đối với Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ thánh giáo rất quan trọng. Ơn Trên dùng thánh giáo để khai Đạo. Các Thiên ân hướng đạo dùng thánh giáo để truyền giảng. Và nhân sinh đồ chúng nhờ thánh giáo để tu học, sống đạo.
Vốn có những khác nhau về nhiều mặt nên người đạo đến với thánh giáo cũng bằng nhiều cách không giống nhau. Có người chỉ rung đùi ngâm nga. Có người cặm cụi chép tay. Có người đem thánh giáo, thánh thi chuyển thành nhạc đạo...
Rất phổ biến là đa số người đạo đã chiêm nghiệm và sống với thánh giáo. Chẳng hạn, người làm đạo khi bị chê bai, trách móc thì nghĩ một cách tổng quát đến hai câu thánh thi của Đức Bạch Phụng Đồng Tử:
Lấm đầu bao quản thân lươn
Và có vẻ sâu hơn thì vận dụng hai câu thánh thi của Đức Quảng Đức Chơn Tiên:
Cao Đài là cái đài cao
Như vậy, thánh giáo là thức ăn tinh thần thông dụng cho người đạo. Đối với tín hữu Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài thì nguồn cung cấp thức ăn tinh thần quý báu đó chính là bộ Thánh Truyền Trung Hưng, bao gồm những thánh giáo được các Đấng thiêng liêng giáng tại nhiều thánh sở để dạy về cơ đạo miền Trung kể từ khi Đạo Thầy truyền về đây năm Giáp Tuất (1934) cho đến cuối thế kỷ trước. Với thời gian dài hơn sáu mươi năm như vậy, bộ Thánh Truyền Trung Hưng in gần đây đã kết tập được ba trăm ba mươi mốt bài (nhưng ắt vẫn còn thiếu một số thánh giáo).
Hấp thụ chất dinh dưỡng trong thức ăn tinh thần nói trên (tức Thánh Truyền Trung Hưng) thường có những cái khó. Tại sao khó và khó như thế nào? Điều đó tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng và căn trí mỗi người.
Một trong những cái khó ấy là ngữ nghĩa; vì vậy, đạo huynh Huệ Khải đã phát tâm giúp giảm bớt cái khó này cho bổn đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài với loạt sách Tìm Hiểu Thánh Truyền Trung Hưng. Điều này cũng tự nhiên và dễ hiểu vì bấy lâu nay đạo huynh Huệ Khải vốn rất gần gũi với bổn đạo Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài.
Quyển Tìm Hiểu Thánh Truyền Trung Hưng ─ Năm Kỷ Hợi (1959) chúng ta đang có là tập đầu tiên trong loạt sách ấy, gồm hai mươi bài thánh giáo.
Ngoài phần giải nghĩa các từ khó, từ Việt cổ, thuật ngữ tôn giáo, thành ngữ và điển tích, v.v… sách còn có thêm phần chữ Nho và tiếng Anh nên rất cần cho cả thế hệ lớn tuổi và thế hệ trẻ ngày nay. Những bài thánh giáo tiếp nhận qua trung gian đồng tử, truyền qua độc giả đến điển ký, rồi những người sao chép về sau, thường khó tránh các lỗi về chính tả, ngắt câu, viết hoa... Quan tâm hạn chế các lỗi này, giúp cho người đọc và góp sức với đồng đạo có nhu cầu vận dụng thánh giáo để viết bài, nói chuyện… là thiện ý của soạn giả.
Loạt sách tìm hiểu này nếu tiếp tục thực hiện cho đầy đủ từ bài thánh giáo đầu đến bài cuối (ngoài năm Kỷ Hợi ─ 1959) sẽ là một công trình phụ trợ rất quý cho người mộ đạo hiếu học ham tu và nói riêng cho giới Phổ Tế.
Đạo huynh Huệ Khải qua các sách đã xuất bản cũng như nhiều bài viết trên các tạp chí, trong đạo và ngoài đời, thể hiện tác phong một người cầm bút có trách nhiệm đối với nhà Đạo và người đọc. Ưu điểm đáng quý ấy cùng với lòng nhiệt thành công quả và nỗi âu lo phụng đạo nơi đạo huynh Huệ Khải khiến tôi hoan hỷ giới thiệu Tìm Hiểu Thánh Truyền Trung Hưng với quý huynh tỷ đồng đạo.
Ước mong việc làm này của đạo huynh Huệ Khải cùng với bao nhiêu hình thức công quả đa dạng được tiếp nối qua các thế hệ trước sau đều cùng chung sức tài bồi cho nhà Đạo được xương minh, xán lạn.
Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài
Ngày 15 tháng Giêng Canh Tý
Thứ Bảy 08-02-2020
Giáo Sư THƯỢNG VĂN THANH
Chưởng Quản Cơ Quan Phổ Tế