17. LẬP LẠI PHÁP LUẬT
NỐI LẠI THÔNG CÔNG
Tu xá Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam)
ngày 08-11 Kỷ Hợi (Thứ Hai 07-12-1959)
TÁI CẦU
THI
Giáng giáng thăng thăng Phước Huệ Đàn.
Giờ nầy Bần Đạo đến đây ban ơn, nối lại mối thông công ([6]) cho nguồn nước lành chảy đến, hầu ([7]) các hiền đồ làm trọn nguyện lực của mình.
Từ khi chư hiền đồ cùng Bần Đạo đã lập giao ước,([8]) Bần Đạo cũng để lòng từ bi lân mẫn ([9]) tận độ,([10]) nhưng chư hiền đồ còn cả mang ([11]) theo bên mình bao nhiêu dục vọng làm cho ma quỷ lợi dụng xúi giục, rồi lại tự xé lời nguyền.([12])
Bần Đạo không nỡ để cho tà quái hành phạt,([13]) nên cũng thể lòng từ bi, một lần nữa đến điều độ ([14]) các hiền. Các hiền đồ có thấy mình chống nghịch lại với Thầy, bạn không? Nếu một phen thử thách hành phạt thì còn mong gì trông lại vị cũ quê xưa.([15])
Hôm nay, tuy [nhiên],([16]) sự hành phạt ấy chưa phải chấm dứt được, vì tội lỗi không thể châm chước ngoài luật Thiên điều.([17]) Tuy đã biết ăn năn nhưng cũng chưa thật thà cho lắm. Mà có thành thật mới tạo cho con người hướng đạo ([18]) [tu] giải thoát có một đức tin mạnh mẽ, một giác ngộ căn bản. Nên còn hành phạt nhiều thì đường tu mới tiến bộ, Giáo Hội mới thành hình, người Thiên ân mới trở nên quyền pháp. Nhưng càng hành phạt lắm, thì cửa đạo không còn được mấy người, mà kẻ thiếu căn cũng không mong hưởng cơ tận độ, nên Thầy cũng tùy duyên, tùy sức chịu đựng mà ban ơn mở đường cứu chuộc.([19])
Hôm nay khắp trong Hội Thánh bị một kỳ sát hạch ([20]) bởi cơ tiền định. Mà Thầy cũng muốn trừ dẹp cái lòng nũng nịu, chả chớt ([21]) để biết lo biết sợ, hầu xứng đáng làm môn đệ của Người, làm hướng đạo cho nhơn sinh. Thì ngay bây giờ các hiền đồ cũng nên mau mau sám hối, tự khắc phục lấy bản thân để được hồng ân, đưa bước đời qua hồi hỗn độn.
Ngày mai đây Thầy sẽ dẫn các chuồng chiên ([22]) lẻ tẻ về một, trao cho các hiền đồ còi, gậy ([23]) hầu [chiên] được trông nom. Nhưng chiên được ngoan ngoãn, hiền lành; trái lại kẻ chăn chiên lại hung hăng, táo bạo. Chiên mỗi đàn đã giao cho người chăn giữ, nhưng giữa nhóm người chăn chiên lại giành nhau ở cùng bầy nầy qua bầy nọ, làm cho rối loạn trật tự. Điều ấy Thầy không bằng lòng. Giữa các ngươi chưa đủ tư cách chịu lấy mạng Trời thì mong gì độ ai. Chẳng những không độ được người mà làm cho con cái của Thầy phải lần lần dang xa cửa đạo. Các hiền đồ nếu thấy được tội lỗi thì nên tự ăn năn chịu tất cả phần sám hối. Được sám hối rồi thì lo gì không thấy yếng sáng ([24]) chân lý rọi đến.
Thầy lúc nào cũng thương yêu, mà tại các hiền muốn xa Thầy để gần tà quái. Bởi muốn đó mới có tà quái chung lộn trong nội bộ để gây nhiều vết thương đau đớn mà giữa nhau không muốn nhìn nhau. Các hiền đồ không nhìn nhau là việc dễ. Đến khi Thầy không nhìn các hiền đồ nữa thì dầu muốn trăm ngàn lần sám hối cũng vô hiệu lực.
Vậy, nên thấy sứ mạng [mà] ân cần.([25]) Sứ mạng có hai phần. Dù kẻ nghịch lại cùng sứ mạng cũng bởi sứ mạng. Tại sao kẻ nghịch lại cũng sứ mạng?
Vì sứ mạng cứu chuộc đã đến thế gian trao cho Thiên ân lập pháp. Đến khi Thiên ân đã phá pháp thì sứ mạng Thầy lại trao cho kẻ nghịch đến phá hoại sứ mạng trước, hầu cứu chuộc danh nghĩa cho Đại Đạo. Nên khi các hiền đồ đã hủy hoại pháp luật thì sẽ bị một cuộc hành phạt sau đó.
Giờ cũng còn đủ ngày giờ lập lại pháp luật, nối lại thông công ([26]) các tỉnh. Trong nội bộ liền lỷ ([27]) thì các phái đạo sẽ được lành mạnh, mà sứ mạng trung hưng đã đổ nát thì mong gì có sự thống nhất ngày mai.
Cũng có nhiều hiền đồ trong Hội Thánh Truyền Giáo không tin được sứ mạng đã cho mình, vì nghĩ rằng một Hội Thánh sinh sau, người tu lại ít, hướng đạo còn non, đem so với các phái, các chi thì chưa đáng một giọt nước làm tươi rừng bách thọ.([28]) Ôi! Một giọt nước có thể nhỏ vào một ao nước kia, nó làm loãng được không phải chơi đâu, cũng như các chất hóa học. Để phân tách qua một quan niệm hẹp chật như vậy là nguyên nhân ([29]) thiếu đức tin, tự truất phế mình khỏi ơn cứu chuộc.
Một ngày tới đây thế giới nhơn loại sẽ tìm đến cái chơn lý Cao Đài. Cái chơn lý đó là vạn thù quy nhứt bổn ([30]) bởi trong nhứt bổn tán vạn thù.([31]) Nhưng nhứt bổn tán vạn thù là chi? Có phải một mở của Đạo Trời? Một mở đó là nhứt âm tượng hình, nhứt nguyên biến dịch. Hễ có mở là có đóng. Hễ có tán tất có tụ. Nên một đóng của cơ vạn thù quy nhứt bổn là bảo hợp thái hòa,([32]) dựng nền đạo pháp.
Vì các hiền đồ quá chễnh chệ,([33]) dể ngươi,([34]) phạm hồng ân mà không được tiếp mười hai chương lý giải lẽ biến hóa của Đạo trời đất vạn vật. Đáng ra, tại tu xá này ([35]) hôm nay đã hoàn thành một chương giải thoát, nhưng tại sao? Tại theo cựu pháp.
Cựu pháp là gì? Là luật phân phối. Luật phân phối là luật nhứt bổn tán vạn thù, thành [thử] không kết tụ được tinh ba([36]) của Tạo Hóa vạn vật. Tinh ba của vạn vật Tạo Hóa được kết tụ bởi ở sứ mạng. Mà sứ mạng Đạo Trời lần nầy cái chủ đích là vạn pháp đồng nhất,([37]) Tam Giáo đồng nguyên. Nên khi hạ lệnh thành lập Trung Hưng Bửu Tòa, Thầy đã đặt cho đó một cái tòa ngự để làm ngôi thượng tọa, kết tập kinh văn đem dung hợp các thời cựu ước (Thích, Nho, Gia, Lão), đặt theo nguyên tắc tứ phân làm Tứ Tượng để xây thành Bát Quái, quy định tân, cựu ước ([38]) đồng cơ. Thế mà rất tiếc thay, đến nay cái gì cũng lỡ dở! Bởi vậy tục ngữ nói: “Liệu bề đát đặng thì đan;([39]) gầy ra ([40]) mà bỏ, thế gian chê cười.” Bỏ thì mất tre, tốn công, mà lẽ nào lại bỏ? Nếu mà đát không đặng thì mượn người đát cho. Thầy cũng định vậy, sẽ mượn các chi phái làm tứ vi,([41]) nhưng mở cơ tiến hành thì giữa nội bộ của Hội Thánh lại bị khảo đảo.
Bây giờ có làm không? Muốn làm phải tu. Tu là nguyên nhân của phần lập trụ. Vậy các hiền nên cố làm. Làm phải có lòng bao dung,([42]) có tình Bồ Tát.([43]) Có lòng bao dung mới có chỗ chứa đựng thiên hạ. Có tình Bồ Tát mới không cầu toàn trách bị,([44]) thương ghét rẽ riêng.
Vậy phải tha thứ cho kẻ lầm lỗi,([45]) vì lầm lỗi không phải là tội. Tại sao? Vô ý lầm lỗi là không cố tâm gây ác làm tội. Mà dầu ai có cố tâm gây ác cũng tha thứ khi nó biết cải tà quy chánh,([46]) tự khắc chế bản thân, coi người nào cũng là người bạn đồng chí.([47]) Tại sao nghịch chống nhau mà gọi là đồng chí? Đồng chí chỗ ưu ái ([48]) xây dựng đạo. Không đồng chí tại nghe, ngó và trình độ giác ngộ khác nhau. Nên tất cả các hiền phải nghĩ là bạn tốt. Nếu mỗi bên đều nghĩ người kia là kẻ nghịch thì thế nào cũng đi đến nghịch hẳn.
(. . .)
Thôi, Bần Đạo ban ơn và nguyện dìu dắt. Bần Đạo chào.
([1]) ngô thị 吾是 (I am): Ta là. Ngôi Lời (Thánh Ngôn 聖言: Word): Ngôi Hai, còn gọi là Ngôi Con. Ngô thị Ngôi Lời xuống thế gian: Ta là Ngôi Lời xuống cõi trần. Đức Đại Tiên Ngô Minh Chiêu đắc vị Ngôi Hai Giáo Chủ (03-8-1934). Ngôi Lời là Ngôi Hai (Chúa Con: Son). Ngôi Một là Chúa Cha (Thượng Đế: God). Ngôi Ba là Chúa Thánh Thần (Thánh Linh: Holy Spirit).
([12]) tự xé lời nguyền (breaking the vow oneself): Tự mình hủy lời thề. Thí dụ, khi làm lễ nhập môn trước Thiên bàn, người tân tín đồ thề: “Đệ tử tên là . . . , ba mươi tuổi, từ đây biết một đạo Cao Đài Ngọc Đế, chẳng đổi dạ đổi lòng, hiệp đồng chư môn đệ gìn luật lệ Cao Đài, như sau có lòng hai thì thiên tru địa lục.” Người nào bỏ Đạo Thầy, bỏ sang tôn giáo khác, là tự xé lời nguyền.
([19]) cứu chuộc (cứu thục 救贖: redeeming, redemption): Cứu 救 là cứu nguy, cứu thoát (rescuing, saving). Chuộc (từ thuần Việt, chữ Nho là thục 贖) nghĩa là đem một món gì ra đánh đổi một hình phạt (lấy công chuộc tội; chữ Nho là tương công thục tội 將功贖罪: redeeming one’s crime[s] by meritorious acts). Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Giê-su hy sinh trên thập giá, lấy mạng sống của Chúa làm giá chuộc (thục giá 贖價: ransom) cho tội lỗi chúng sinh (xem Mát-thêu 20:28 và Mác-cô 10:45). Trong Tam Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Chí Tôn (Thầy) phế Bạch Ngọc Kinh xuống trần mở đạo Cao Đài với đại nguyện trước Công Đồng Tam Giáo rằng lập Đạo không thành thì Thầy không trở về ngôi vị cũ. Cứu chuộc và giá chuộc là thuật ngữ đạo Chúa.
([22]) chiên (cao dương 羔羊: lamb; fig., believer): Cừu; nghĩa bóng là tín đồ. chuồng chiên (cao dương bằng xá 羔羊棚舍: lamb shed; fig., a parish): Nơi nhốt giữ cừu; nghĩa bóng là một họ đạo. người chăn chiên (mục nhân 牧人: shepherd; fig., dignitary administrating a parish): Người chăn cừu; nghĩa bóng là chức sắc cai quản một họ đạo.
([23]) còi, gậy (sáo tử dữ trượng 哨子與杖: whistle and crook; fig., the dharma power conferred to a dignitary to administer his parish): Người chăn cừu dùng còi để sai khiến chó canh giữ cừu (sheepdogs), dùng gậy để lùa cừu và đánh đuổi thú dữ (predators) tới bắt cừu; nghĩa bóng là quyền pháp trao cho một chức sắc cai quản họ đạo.