12. NỮ ĐỒ NHÀ TU LẬP HẠNH
Tu xá Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam)
ngày 08-02 Kỷ Hợi (Thứ Hai 16-3-1959)
TÁI CẦU
Nhẹ gót đến nơi Phước Huệ Đàn
NGÔ TIÊN chủ tọa điểm huyền quan.
Nơi nầy được hồng ân dưới quyền pháp Lý Giáo Tông hướng đạo. Người ([5]) lại ban cho Phước Huệ Đàn làm nơi học đạo. Bần Đạo cũng vui mừng mà thể lòng từ bi ([6]) chỉ qua một vài yếu quyết.([7])
Muốn bước lên con đường thiên đạo ([17]) phải dọn mình ([18]) hằng bữa. Công dày hạnh đáng thì sự khảo thí cũng là phần giúp cho bước tu thêm dày dặn, vững chắc. Sợ công non nghiệp lớn, khi gặp khảo thí khó kiên trì, mà tình ý xui nên phải cởi đạo y, buông chuỗi hạt.
Bần Đạo muốn sao chư nữ đồ lập thêm công hạnh, lòng thường duy nhất, một điểm chơn tâm, đóng sáu cửa,([19]) ngăn ba độc (tham, sân, si) để khử ám hồi minh,([20]) tiến lên con đường thiên đạo.
Nơi đây đã được lệnh thành lập tu xá.([21]) Tu xá nầy về đạo pháp thì chưa khế ứng địa hình,([22]) nhưng tạm có nơi di dưỡng ([23]) tâm thần. Cũng nên phân biệt nhà tu, nhà ở. Tránh ồn ào, lộn xộn mới được truyền thụ pháp môn.
Mà chư nữ đồ muốn thọ pháp phải thiết tha cầu khẩn. Không phải dễ gì làm một môn đệ nhà Tiên dưới ân oai ([24]) Giáo Chủ. Nhứt nhứt ([25]) tôn trọng pháp quyền.([26]) Ví như, chưa cho ngồi không được ngồi, chưa cho ra không được ra, mặc lòng ([27]) quá bữa xót lòng,([28]) nhiều đêm mỏi mắt.([29])
Thành Tiên không dễ, chứng Thánh rất gay. Thử thách đủ điều, hành hạ vô song.([30]) Nên không hờn không giận, nét mặt hân hoan. Con người tinh tấn ([31]) mới mong cướp được cơ huyền, rõ đường siêu đọa.
Vậy chư hiền đồ bây giờ muốn thọ giáo cùng Bần Đạo về đường huyền pháp thần công hay về phương trường sanh liễu thủ?
[Võ Hương Yến bạch . . .]
Cầu lấy cái đạo pháp ứng chứng diệu huyền đó mà giúp người độ đời, gọi là huyền pháp thần công. Tu cho đạt chứng viên minh ([32]) cướp lấy Thiên cơ Tạo Hóa, không còn sanh tử luân hồi, gọi là trường sanh liễu thủ.
[Triệu Hương Huyên bạch . . .]
Cười... Đức đó chưa lãnh được pháp này, muốn hành đạo và tịnh luyện thì sao được? Người ta đương chìm đắm nơi bể trần, dưới sự xô xát muôn lượn sóng trần. Lòng mình có thương, xô thuyền ra cứu không được người mà mình cũng bị chìm luôn một thể. Vì thuyền ưởi,([33]) trống nan sổ chốt.([34]) Phải lo trét xảm ([35]) cho kỹ mới đủ điều kiện cứu người. Bằng([36]) hấp tấp, vội vàng mà đem kẻ sống đến chỗ chết, nghĩa là mình bị thuyền đắm phải chìm mà còn chìm cả thủy thủ nữa.
Thuyền ấy là gì? Đức hạnh đó. Đức có đủ, nói người ta mới nghe. Mà người có đức là người hay thương xót, cứu sống muôn loài. Có hạnh là làm một việc gì, nói một lời gì, nghĩ một điều gì, cũng cân đo cẩn thận.
Vậy muốn hành đạo phải tu. Còn về việc hành đạo, tịnh luyện là một việc khác. Nghĩa là người Thiên ân quyền pháp hành đạo là theo sứ mạng,([39]) tịnh luyện là tu tiến bản thân. Nếu ai cũng muốn thì sao tu được.
Bây giờ Bần Đạo mở cho một con đường đi tới để thọ truyền bí pháp ([40]) là từ nay nơi tu xá này có một đàn cơ dạy về pháp môn giải thoát. Chư nữ đồ học lấy pháp môn nầy để mở lần căn trí.([41]) Ngày ngày công phu tịnh định để an dưỡng tinh thần, tâm linh sáng suốt, quan năng ([42]) được mở mà thông thấu huyền cơ.([43]) Chớ ([44]) nói đến pháp môn vô vi là một điều khó. Tu nhứt kiếp, ngộ nhứt thời. Nghĩa là một kiếp tu không thấy gì, ngồi mãi chờ cho được chứng lục thông,([45]) khai cửu khiếu,([46]) nhưng có khi mười năm, hai mươi năm hoặc năm bảy mươi năm. Một giờ chứng ngộ mà phi thăng chớ không phải bữa nào công phu, bữa nào cũng chứng ngộ.
Tại sao vậy? Nếu pháp tu mà ấn chứng dễ dàng thì là tà thuyết ngoại đạo. Chư hiền nữ cũng thấy sáu năm dưới gốc bồ đề Đức Phật Thích Ca thành đạo trong một giờ, cũng như mấy mươi năm tu hành A Nan ([47]) đã chứng túc mạng thông một khắc thì dễ sao được. Vậy cứ thế mà phát nguyện.
Bây giờ tại tu xá nầy chọn một số có quang năng,([48]) kiến thức để học qua các cơ bản giáo lý hầu có đủ phương tiện ra phục vụ cho tổ chức thành lập một Hội Thánh Nữ Phái điều độ ([49]) nhơn sanh, thì tu và học trong thời gian một năm, rồi hành đạo một năm. Hai năm một chương trình, và năm thứ hai cũng lấy chương trình năm thứ nhứt mà dạy cho lớp sau.
(. . .)
Bần Đạo cấm trong tu xá không được lớn tiếng la rầy, ăn ở chia rẽ. Giữa nhau phải thương yêu thật sự. Dù nơi nầy Hội Thánh và nhơn sanh không đủ nuôi dạy, các trò cũng cố gắng làm mà nuôi nhau, giúp nhau về phần tu học. Nói cho cùng, dù gặp phải cảnh cô lập ([51]) bần khổ, cùng nhau dắt nhau đi xin mà ăn, cũng đừng bỏ nhau mới tròn đạo nghĩa.
(. . .)
Bần Đạo ban ơn các hiền đồ.
([22]) Có lẽ nên hiểu là địa hình (地形: topography) tức là hình thể đặc trưng của khu đất (rộng hẹp, cao thấp, mạch nước, cảnh trí chung quanh…) xét về mặt đạo pháp không có được nhiều ảnh hưởng thuận lợi (khế ứng 契應: favourably corresponding) để cất tu xá, nhưng Ơn Trên tạm chấp nhận.
Người xưa quan niệm cần bốn điều kiện thuận lợi trợ duyên người tu hành là pháp (dharma), tài (tiền), lữ (bạn hiền, thiện tri thức), địa (đất). Để hiểu thêm về tác dụng khế ứng của địa hình về mặt đạo pháp, có thể suy gẫm lời dạy của Đức Quảng Đức Chơn Tiên tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo:
“Tiên Huynh gợi ý, chư đệ muội thử suy nghĩ: Có thể xây dựng một thiền đường (...), tìm những nơi thích hợp với người tu thiền như cảnh sắc hữu tình, biển rộng bao la, khiến cho tâm tịnh sĩ rộng mở, phóng khoáng và nhân hậu; hay một nơi cao nguyên núi non hùng vĩ, khiến cho tâm hành giả dẹp mọi ưu phiền thế sự, thong dong, tiêu sái.”
([37]) căn thức (thức căn 識根: organs of perception): Năm cơ quan có hình thể là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là ngũ thức căn hay “năm căn thức” (the five organs of perception) vì chúng có thể nhận biết (thức) ngoại giới. Chẳng hạn, không cho mắt nhìn sắc đẹp để ngăn lòng dục tức là quy 歸 (quay) nhãn thức căn 眼識根 vào trong. Không cho tai nghe những lời nịnh nọt để giữ lòng bình thản tức là quy nhĩ thức căn 歸耳識根, v.v… (Đây là tạm nói theo hạ thừa hữu vi; về mặt thượng thừa vô vi, các hành giả ắt có kiến giải cao minh.)
([41]) căn trí 根智 (capabilities): Năng lực hay khả năng bản thân, nhờ đó có thể lãnh hội hay thực hiện được việc gì.
tiểu căn trí 小根智 (limited capabilities) hay hạ căn trí 下根智 (inferior capabilities): Năng lực hay khả năng bản thân ít ỏi, hạn chế nên khó lãnh hội hay khó thực hiện việc gì.
đại căn trí 大根智 (great capabilities) hay thượng căn trí 上根智 (superior capabil-ities): Năng lực hay khả năng bản thân dồi dào, phong phú nên dễ lãnh hội hay dễ thực hiện việc gì.
([43]) huyền cơ 玄機 (mysterious principles): Cơ mầu; những nguyên lý mầu nhiệm. Cơ 幾 (minute sign) là dấu hiệu nhỏ nhặt, điềm mới khởi, triệu chứng mới vừa xuất hiện. Huyền 玄 là ảo diệu, sâu xa, rất khó nhận ra, rất khó nắm bắt (mysterious). Huyền cơ là dấu hiệu rất kín nhẹm mà Trời hé lộ cho người Thiên ân sứ mạng tìm hiểu để kịp thời kiến cơ nhi tác 見幾而作 (nhìn ra dấu hiệu kín nhẹm mà hành động đúng lúc, không bỏ mất cơ hội). Người hướng đạo, bậc Thiên ân sứ mạng nếu tâm không thanh tịnh, bị chi phối bởi thứ này hay thứ khác thì khó mong đón nhận huyền cơ, và rốt cuộc đành lỡ mất tín hiệu được Trời nhắn gởi (missing a God’s message).
([45]) lục thông 六通 (the six transcendental powers): Cũng gọi lục thần thông 六神通, là sáu phép thần thông của bậc đắc quả a la hán, gồm có:
1. Thiên nhãn thông 天眼通 (thấy được mọi vật trong vũ trụ).
2. Thiên nhĩ thông 天耳通 (nghe được mọi tiếng trong vũ trụ).
3. Túc mạng thông 宿命通 (biết kiếp trước của mình và của người, biết luôn cả kiếp này và kiếp sau).
4. Tha tâm thông 他心通 (biết được ý nghĩ, tư tưởng người khác).
5. Thần túc thông 神足通 (đi khắp nơi trong nháy mắt, biến hóa tùy ý).
6. Lậu tận thông 漏盡通 (trong sạch hoàn toàn, dứt hết các phiền não, dứt luân hồi, nhập niết bàn).
([47]) A Nan, A Nan Đà 阿難陀 (Ānanda): Là em họ Đức Phật Thích Ca, vì cha của A Nan là chú của Đức Phật. A Nan thông minh nhất, kinh điển giỏi nhất trong mười đại đệ tử của Phật Tổ. Lúc chuẩn bị triệu tập đại hội công đồng lần thứ nhất tại thành Vương Xá để kết tập lời Phật dạy thành các bộ kinh, có mặt khoảng năm trăm vị La Hán nhưng Ca Diếp nhất quyết không cho A Nan tham dự vì A Nan chưa đắc quả La Hán. Phẫn chí, nội trong một đêm trước ngày chánh thức khai hội công đồng, A Nan ráo riết hành pháp và đắc quả La Hán, liền được Ca Diếp mời vào để đọc cho chép lại tất cả lời Phật Tổ thuyết trong hơn bốn mươi năm tại thế. Khi đắc quả La Hán, A Nan chứng được sáu phép thần thông, trong đó có túc mạng thông 宿命通 (knowledge of all forms of previous, present, and future existence of oneself and others) nên biết được kiếp trước, kiếp này, kiếp sau của mình và của người khác.