8. CHỈ CÓ PHƯƠNG TU GIẢI THOÁT
LÀ CON ĐƯỜNG BẤT DIỆT
Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)
ngày 20-01 Kỷ Hợi (Thứ Sáu 27-02-1959)
THI
Giờ nầy Lão đến đây để chứng tấm lòng thành của chư hiền đã thấu hiểu phần nào trên đường hồng ân tận độ ([8]) mà quyết tâm bước lại trên đường quê cũ vị xưa.
Đời là sông mê bể khổ, không lúc nào bằng phẳng lặng êm, ồ ạt xôn xao, ngày tháng liên miên muôn ngàn lượn sóng, đảo lộn chát óc rầy tai, chôn nhận bao linh hồn đã sa nơi vực thẳm. Nếu loài người chẳng giác ngộ hồi đầu ([9]) thì mãi cứ trầm luân ([10]) dưới trăm ngàn lượn sóng.
Hôm nay cơ tận độ đã đến ngay trong buổi đời xáo trộn tang thương. Các đệ là người hữu duyên được đứng trên chiếc thuyền từ đưa qua bờ giác thì hân hạnh lắm rồi. Phải tinh tấn,([11]) dõng mãnh chống tới chèo qua cho mau đến bến.
Cơ cứu chuộc ([12]) đã thiết lập tại đất nước nầy, xây dựng một nền an ninh cho muôn dân hưởng phước thanh bình chung trong thánh thể,([13]) tránh cơ tận diệt.([14])
Nền an ninh quốc đạo là nền Phước Thiện mà sứ mạng đã trao gửi nơi các hiền. Các hiền phải cố gắng làm xong công đức. Sau nầy Thầy sẽ ban thưởng một cách xứng đáng.
Ở đời nầy không có một cái gì là hạnh phúc chơn thật cả. Dù là quốc vương, hào phú ([15]) cũng chưa phải là nhàn. Chỉ có đạo đức ở lòng mình, người ấy mới tự do, vinh hạnh hơn cả. Người được hữu phần gặp mối chơn truyền,([16]) được minh sư chỉ điểm ([17]) thì ân phước vô cùng. Khải thị ([18]) lòng mình, thấu suốt máy hành tàng,([19]) chủ quyền sanh tử,([20]) khai sinh môn bế tử hộ,([21]) thung dung chiều sớm, không một cái gì bó buộc cản ngăn. Xa bả lợi danh ([22]) nên lòng mãi thấy nhẹ nhàng, đôi mắt sáng trưng không bị một gợn bụi trần ngăn lấp. Con đường giải thoát là nguồn chơn thật, hạnh phúc trên cả bất cứ một cái gì mà người đời cho là quý trọng trên hết.
Người có giải thoát được mới tự do, không bận bịu trần duyên,([23]) không nô lệ cho ý tình ái ân danh lợi. Nhưng đã thông cảm, thừa thọ ([24]) pháp môn thì gươm trí huệ thường mài, đoạn dứt trần căn,([25]) oan nghiệt để cho linh hồn tươi tỉnh, siêu lên chín phẩm liên đài.([26]) Phải biết giá trị thiêng liêng, chỉ có phương tu giải thoát là con đường bất diệt.([27]) Vì thế, mà người xưa cầu đạo lấy làm khó khăn. Nếu không bền chí thật tâm, buông bỏ trần tình, xả thân hành đạo([28]) thì làm gì được khẩu quyết ([29]) ban trao.
Các đệ đời sống cũng chẳng hơn ai. Ăn mượn ở thừa, có được bữa mai lo bữa tối. Nói danh gọi lợi cũng ở dưới đứng sau, thì danh lợi gì mà mê say, đem thân lòn cúi? Sao chưa bỏ quách mà đi? Giàu sang như Huỳnh Đế,([30]) danh lợi như Trương Lương ([31]) mà còn buông phế việc đời, cầu truyền ([32]) chánh pháp, an vui ngày tháng với cảnh trí đất trời. Danh sĩ được tuổi tên như Hứa Do,([33]) vua Nghiêu võng giá ([34]) đến cầu vời ([35]) mà còn rửa tai, ngó lơ, không muốn bận lấy ([36]) mùi phiền đỉnh chung thế tục.
Các hiền còn ham gì, muốn gì?
BÀI
Đường giải thoát kêu nhau cùng bước
Mối Đạo lành sau trước chung xây
Cho đời an tịnh đó đây một nhà.
Phải giác ngộ, thiết tha tu học
Phải quyết tâm, khó nhọc đừng lui
Nếm cho thấu vị biết mùi
Thì lòng mới khỏi ngược xuôi đoạn đời.
Nay ơn phước Cha Trời nhỏ đến
Đem mối tình thân mến cho nhau
Nhuộm tươi lẽ sống đậm màu
Xây nền thế đạo sang giàu tự do.
(. . .)
Lão chào. Lão thăng.
([1]) tàn linh 殘靈 (leftover spirits): Những linh căn (nguyên nhân 原人) còn sót lại trong số chín mươi hai ức nguyên nhân bị rớt lại (cửu nhị tàn linh 九二殘靈) sau hai kỳ phổ độ. Theo Ngọc Lộ Kim Bàn 玉露金盤 (the Golden Basin of Jade Dew), có chín mươi sáu ức nguyên nhân xuống trần; sau hai kỳ phổ độ (the First and the Second Universal Salvations) chỉ độ được mỗi kỳ hai ức trở về với Đức Diêu Trì Kim Mẫu.
([12]) cứu chuộc (cứu thục 救贖: redeeming, redemption): Cứu 救 là cứu nguy, cứu thoát (rescuing, saving). Chuộc (từ thuần Việt, chữ Nho là thục 贖) nghĩa là đem một món gì ra đánh đổi một hình phạt (lấy công chuộc tội; chữ Nho là tương công thục tội 將功贖罪: redeeming one’s crime[s] by meritorious acts). Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Giê-su hy sinh trên thập giá, lấy mạng sống của Chúa làm giá chuộc (thục giá 贖價: ransom) cho tội lỗi chúng sinh (xem Mát-thêu 20:28 và Mác-cô 10:45). Trong Tam Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Chí Tôn (Thầy) phế Bạch Ngọc Kinh xuống trần mở đạo Cao Đài với đại nguyện trước Công Đồng Tam Giáo rằng lập Đạo không thành thì Thầy không trở về ngôi vị cũ. Cứu chuộc và giá chuộc là thuật ngữ đạo Chúa.
([21]) khai sinh môn bế tử hộ 開生門閉死戶 (opening the gateway of life and closing the doorstep of death): Mở cửa sống và đóng cửa chết. Môn là cửa hai cánh; hộ là cửa một cánh; môn hộ ám chỉ nơi ra vào. Tiên Học Từ Điển 仙學辭典 của Đái Nguyên Trường 戴源長 giảng sanh môn là lỗ rún; và giảng tử hộ là Dương Quan 陽關 (tức cửa ải của khí dương, ranh giới của âm dương), tinh (sperm) còn trong ải là dương tinh, lọt ra ngoài ải biến thành âm tinh, trược tinh. Tạm hiểu khai sinh môn bế tử hộ ám chỉ bí quyết pháp môn tu luyện (inner self-cultivation) để giải thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử (free from samsara).
([26]) chín phẩm liên đài (cửu phẩm liên đài 九品蓮臺: the nine grades of the lotus seat): Người đắc đạo khi về cõi trời tùy theo công đức tu hành mà được hưởng ngôi vị (liên đài) tương xứng. Ngôi vị chia ba hạng (thượng, trung, hạ); hạng thượng lại chia ra thượng thượng, thượng trung, thượng hạ 上上, 上中, 上下 (upper superior, middle superior, lower superior); hạng trung lại chia ra trung thượng, trung trung, trung hạ 中上, 中中, 中下 (upper intermediate, middle intermediate, lower intermediate); hạng hạ lại chia ra hạ thượng, hạ trung, hạ hạ 下上, 下中, 下下 (upper inferior, middle inferior, lower inferior); như vậy tổng cộng là chín phẩm bậc. Ghi chú: Chúng tôi chưa tìm thấy thánh giáo giải thích thuật ngữ chín phẩm liên đài. Trên đây là suy luận phỏng theo cách giải thích cửu phẩm liên đài trong Phật Giáo (Tịnh Độ Tông 淨土宗: the Pure-Land Sect).
([31]) Trương Lương 張良 (Zhang Liang): Tự Tử Phòng 子房 (?-188 trước Công Nguyên) là quý tộc nước Hàn. Sau khi Hàn bị Tần Thủy Hoàng tiêu diệt (230 trước Công Nguyên), Trương Lương mượn tay dũng sĩ ám sát vua Tần. Việc thất bại, Trương trốn sang thành Hạ Bì 下邳 (nay thuộc tỉnh Giang Tô 江蘇). Một hôm ra sông Nghi 沂, ngồi chơi trên cầu Di 圯, Trương gặp ông lão (là ông tiên Hoàng Thạch Công 黄石公: Huang Shigong) đi qua. Ông lão ba lần cố ý làm rớt dép, hách dịch sai Trương xuống dưới cầu nhặt lên, xỏ giúp vào chân. Cả ba lần Trương đều nhẫn nhịn người già cả, làm y theo lời sai khiến. (Trương Lương dâng dép ─ Trương Lương tiến lý 張良進履: Zhang Liang returning a shoe to Huang Shigong.)
Ông lão dặn năm ngày nữa gặp lại sẽ tặng Trương vật báu. Trương y hẹn trở lại thì ông lão đã tới sớm hơn. Ông làm mặt giận, quở trách và hẹn thêm năm ngày nữa. Lần thứ hai dù đã ráng tới thật sớm mà Trương vẫn trễ hơn, ông lão hẹn thêm năm ngày nữa. Lần thứ ba nhờ thức suốt đêm ở chỗ hẹn để khỏi tới trễ nên Trương vượt qua được bài thi (cốt thử thách lòng nhẫn nại, đức khiêm tốn), được tiên ông trao cho Thái Công Binh Pháp 太公兵法 của Khương Tử Nha (Jiang Taigong’s Art of War). Nhờ đó Trương rèn luyện thành tài, làm quân sư trợ giúp Lưu Bang diệt Tần và thắng Sở Bá Vương Hạng Vũ trong chiến tranh Hán Sở. Thù nhà nợ nước trả xong, từ khước chức quan do Lưu Bang phong thưởng, Trương tìm đường tu Tiên, học đạo với ngài Hoàng Thạch Công.
([33]) Hứa Do 許由 (Xu You): Hứa Do và Sào Phủ 巢父 (Chao Fu) là hai ẩn sĩ danh tiếng thời vua Nghiêu. Vua Nghiêu muốn tìm người hiền để truyền ngôi chứ không truyền cho con. Biết Hứa Do là người hiền, vua ngỏ lời mời ra nối ngôi. Hứa Do từ khước rồi đi vội ra sông rửa tai. Sào Phủ tình cờ dắt trâu đến thấy lạ, hỏi lý do. Hứa Do kể lại chuyện và nói rằng trót nghe lời danh lợi bẩn tai nên phải đi rửa cho sạch. Sào Phủ bèn dắt trâu ngược lên phía trên dòng nước. Hứa Do hỏi tại sao. Sào Phủ đáp rằng để cho trâu khỏi uống nước dơ rửa tai.