6. CON ĐƯỜNG SỨ MẠNG TRONG BUỔI TAM KỲ ĐẠI XÁ CỦA ĐỨC CHÍ TÔN
Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)
ngày 16-01 Kỷ Hợi (Thứ Hai 23-02-1959)
THI
Giờ nầy Lão có lời cùng chư phận sự trong bộ máy Minh Tra. Toàn chư chức vụ phải nhận thấu ([8]) một con đường sứ mạng trong buổi Tam Kỳ đại xá của Chí Tôn.([9])
Người ([10]) đã đến cùng chúng sanh bằng sự yêu thương, quyết đem con cái của Người trở lại con đường bình yên trong sự sống đời đời, chung một khối bình đẳng bác ái, không để một ai tách ngoài thánh thể ([11]) trọn lành mà chịu khốn khổ dưới quyền hành của quỷ vương giày đạp. Nên Người quyết quy Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi dựng nên một nền chánh pháp, đem tất cả các mối đạo xưa ([12]) về một để duy nhất tín ngưỡng,([13]) chung một con đường hồi hướng,([14]) giúp đỡ lẫn nhau cởi mở trái oan khổ nạn bởi vô minh ([15]) tội lỗi ở lòng chúng sanh gây kết thành cộng nghiệp,([16]) mà nhẹ bước đường lành,([17]) thung dung tháng ngày không dính một gợn não phiền, không để một chướng ngại lo âu mà chúng sanh phải thối lòng bồ đề,([18]) thối duyên bồ tát.([19]) Cõi thế gian không còn các mối cạnh tranh, giành xé, sát hại lẫn nhau, đều được một tổ chức hoàn bị ([20]) để tương trợ liên quan mà trưởng thành ([21]) một cuộc sống thanh bình, đạo đức, rất nên tốt đẹp.
Muốn tới một cuộc đời trang nghiêm thanh tịnh như vậy, Người bèn quy lương sanh,([22]) vầy ([23]) một thánh thể, mà hình hiện ([24]) một pháp môn rộng lớn để chứng tỏ Tạo Hóa vạn vật đồng thể đồng tánh, chân lý trong trời đất không phân biệt đây đó gần xa. Ai cũng là một tế bào ([25]) trong cơ nhục ([26]) của thánh hình ([27]) Đại Đạo, đồng đẳng ([28]) trên dưới trong ngoài. Kẻ thiện tri thức,([29]) đám quần dân ([30]) kết nên một guồng máy, điều hòa trợ trưởng cho nhau.([31]) Dù ở chỗ trong chỗ ngoài cũng có một trọng trách ([32]) làm chủ tướng([33]) cơ vệ ([34]) trấn an ([35]) cho khu thể.([36])
Mục đích cứu chuộc ([37]) Lần Ba ([38]) là thế. Phải làm cho bốn biển chung nhà, năm châu chung chợ, vạn vật chung sống trong bầu Tạo Hóa tự do, giải thoát tất thảy nghiệp trái ([39]) oan khiên ([40]) cho người đời, về phần xác lẫn phần hồn rất nên thanh khiết, trọn vẹn.
Muốn đi đến ngày cứu cánh ([41]) viên mãn ([42]) cho chúng sanh, công cuộc thiết lập Đại Đạo không phải một sớm một chiều mà phải xây đắp nhiều công phu bởi nhiều bàn tay chúng sanh giác ngộ theo một quyền pháp tận độ ([43]) của buổi Tam Kỳ. Quyền pháp ấy là hồng ân của cơ cứu chuộc. Người ([44]) đã đem từ trời mà đến làm con thuyền bát nhã đưa chúng sanh nơi bến tục tận đến bờ giác để thoát cơ tự diệt, hưởng cảnh thung dung. Chúng sanh phải lấy công cán ([45]) tâm linh của mình làm giá chuộc. Giá chuộc ấy bằng sự ăn năn và lòng hồi hướng thì mới được nối liền mối thông công([46]) để cho điển lực nơi Trời chuyển nhập vào lòng, vẹt u ám, giúp tri năng,([47]) thêm sức mạnh cho chúng sanh chiến thắng quỷ vương, ca khúc thái bình quang vinh hạnh phúc.
Nên loài người muốn được dưới sự che chở của bàn tay quyền năng ([48]) là phải lập giao ước ([49]) cùng Trời, làm cho Trời người trở nên đồng nhất.([50]) Đã đồng nhất thì việc của Trời làm hôm nay là việc của người. Người ([51]) phải thấy cái trọng trách sứ mạng ở nơi mình. Mình với Trời cùng một chương trình cải tạo thế gian. Nhận thức ([52]) được điều ấy, thấy rõ một tương lai sứ mạng mà gắng lòng lo tu, để lòng thờ kỉnh. Đã được danh dự đứng trong hàng ngũ về phía của Thầy, cùng trong một bữa tiệc,([53]) được dự vào những ghế mà Đức Cha Trời dành cho, thì không phải ơn phước sao được trở nên danh dự đó?
Ơn phước trong buổi Tam Kỳ, Thầy lại dung hòa ([54]) cả kim cổ lẫn Đông Tây, quy hiệp các tôn giáo, học phái ([55]) để chiết trung([56]) làm một khối. Khối ấy gọi là hoàn linh đơn ([57]) cứu chuộc vạn linh, nên phải bỏ nhiều công phu nấu luyện mới thành. Trước hết phải theo một phương thang ([58]) mà bào chế. Phương thang ấy từ trời đất mới có ([59]) đã cứu được không biết bao nhiêu chúng sanh trong các thời đại. Tam Giáo Thánh Nhơn ([60]) đã trao cho thế gian, mà thế gian được hòa bình, chúng sanh chứng thành không biết bao nhiêu trên cảnh Niết Bàn. Về cá nhân thì Tinh, Khí, Thần hiệp nhứt, ba báu đồng cân.([61]) Về đạo pháp [thì] ([62]) Lý, Khí, Hình một thể độc nhất, tạo hóa muôn loài. Nên xây dựng thánh hình là phải đủ tam thể làm nhứt nguyên, đạo đời hiệp một, mà con đường xuất thế huờn nguyên phải dựa vào cơ nhập thế bồi công. Mà nhập thế xây thế đạo, xuất thế dựng thiên đạo ([63]) cũng không ngoài ba báu là tôn giáo, khoa học, chính trị làm một để nuôi phần xác, dưỡng phần hồn, mở căn trí, giúp cơ năng, làm chương trình cho tinh thần vật chất hay duy vật duy linh, không ngoài định luật duy nhất.
Muốn thuốc ấy được toàn linh toàn hiệu, người chưng sái([64]) phải để mắt trông nom, cân lượng phải nhích cho đúng độ, không được báu nầy nhiều, báu kia ít, món này sống, món nọ già. Nếu kẻ làm bướng hốt càn,([65]) thì bịnh đời sao dứt mà còn có sự hiểm nguy.
Về đạo pháp cũng thế. Người cầm cân nảy mực ([66]) phải đúng đắn phân minh, mà sự ủy thác trông nom ([67]) nếu bê tha nhác nhớm để cho vỡ lở tai hại thì tội ấy đâu vừa.
Hôm nay nền Đạo vừa khai chưa được bao năm,([68]) các đệ cũng thấy quyền pháp của Chí Tôn trên mục đích cứu cánh cho bốn biển nhơn sanh. Mặc dù các tôn giáo, học phái chưa về một mà đường lối của Đạo ta được dung hòa rất nên bình đẳng, bác ái. Đường lối ấy dù phải [bị] hoàn cảnh kềm hãm, thói đời ganh ghét nó cũng thành công thực sự. Thành công là loài người hiện nay đang tìm lại con đường nầy, con đường yên ổn hòa bình, cả yêu thương và lẽ sống lành mạnh. Đường duy nhất thế gian là con đường dung hòa duy nhất. Dù ai chạy ngõ nào, đi lối nào cũng quay về đây mới bình yên, bền vững. Dù là kẻ nghịch, kẻ giết hại đạo, cũng có ngày ăn năn, có ngày làm tiên phong đi đầu trong sự truyền đạo.([69]) Nhưng tại sao [đã có] đường lối ấy [mà] bây giờ trong nội bộ lại phải chia rẽ nhau, thù nghịch nhau? Điều ấy ai biết được. Chỉ có đức tin mới thấy mà thôi.
Quyền Trời không dễ trái, pháp đạo mấy ai qua. Đó cũng kế của quỷ vương mà kế ấy quyền Trời đồng ý cho nó.([70]) Bởi nó đã muốn vậy, tưởng là đắc kế mà nào hay là bị kế. Nên người có trách nhiệm đã biết quyền Trời lãnh đạo, thì sao còn mơ hồ, sao còn phân vân ([71]) nghi ngại? Ở đây, hay ở nơi nào, sứ mạng đặt vào đâu, chương trình để ở đâu thì người nơi đó cứ tận tâm mà thi hành nhiệm vụ. Làm sao ta biết được việc của Trời? ([72])
Vì vậy Lão khuyên chư vị bảo pháp ([73]) thông suốt lòng mình để lòng được tiếp trọn ơn điển, đừng cho chướng ngại lấp ngăn.
(. . .)
Thôi, Lão chào chư đệ.
([14]) hồi hướng 回向 (transferring one’s merits to another place or person): Đem công đức của mình mà hướng về nơi khác, người khác. Hồi hướng là thuật ngữ đạo Phật.
Tuy nhiên, trong cụm từ chung một con đường hồi hướng, cũng như lòng hồi hướng ở đoạn dưới, thì hồi hướng có lẽ là nói tắt thành ngữ hồi đầu hướng thiện 回頭向善 (turning back to the good, i.e., being awakened and interested in self-cultivation), nghĩa là tỉnh ngộ mà quay về đường chánh lẽ phải, thức tỉnh mà lo tu sửa bản thân.
([19]) Bồ Tát 菩薩: Nói đầy đủ là Bồ Đề Tát Đóa 菩提薩埵 (Bodhisattva), dịch nghĩa là Ðại Sĩ 大士. Bồ Tát là bậc tu hành đã đắc quả Phật nhưng lập đại nguyện không nhập Niết Bàn vì còn vào đời cứu độ chúng sinh đang trầm luân, chưa giác ngộ. Bồ Tát sẵn sàng nhận lãnh tất cả mọi đau khổ của chúng sinh.
Trong thánh giáo này, bồ tát là người tu hành có lòng muốn cứu độ tất cả chúng sanh. Tu theo đạo Cao Đài, hằng ngày cúng tứ thời với câu nguyện [Nam mô] nhì nguyện phổ độ chúng sanh tức là đã hứa với Trời thực hành hạnh nguyện của các vị Bồ Tát.
Trong câu thánh giáo trên đây, duyên 緣 có nghĩa là cơ hội (opportunity). Khi tu theo Cao Đài (như vừa nói trên) thì có cơ hội phổ độ chúng sanh, có cơ hội thực hành hạnh bồ tát (duyên bồ tát). Ngoài ra, trong Kỳ Ba đại ân xá, Đức Chí Tôn và hằng hà sa số các Đấng thiêng liêng cũng đang làm hạnh bồ tát, luôn đưa tay chờ cứu vớt chúng sanh, chỉ đợi mong chúng sanh thức tỉnh mà vói tay nắm lấy các Đấng, như lời Đức Chí Tôn dạy (tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 10-02-1975): “Thầy đã đưa tay đến với các con, các con phải đưa tay tới với Thầy. Thầy sẽ dìu dắt các con đến gần Thầy và trở về cùng Thầy. Thầy cùng các con là một, sống trong lẽ thiên nhiên, trong mùa xuân vĩnh cửu.” Đó là cơ hội cho chúng sanh nhận được ơn cứu độ của các bồ tát (duyên bồ tát). Nhưng, khi chúng sanh thối lòng bồ đề, rời bỏ đường tu, thì bản thân không còn cơ hội thực hành hạnh bồ tát, và cũng không còn cơ hội đón nhận ơn cứu độ của các vị Bồ Tát sẵn dành; như thế tức là đã thối duyên bồ tát. Do đó, thối lòng bồ đề và thối duyên bồ tát đi kèm nhau.
([37]) cứu chuộc (cứu thục 救贖: redeeming, redemption): Cứu 救 là cứu nguy, cứu thoát (rescuing, saving). Chuộc (từ thuần Việt, chữ Nho là thục 贖) nghĩa là đem một món gì ra đánh đổi một hình phạt (lấy công chuộc tội; chữ Nho là tương công thục tội 將功贖罪: redeeming one’s crime[s] by meritorious acts). Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Giê-su hy sinh trên thập giá, lấy mạng sống của Chúa làm giá chuộc (thục giá 贖價: ransom) cho tội lỗi chúng sinh (xem Mát-thêu 20:28 và Mác-cô 10:45). Trong Tam Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Chí Tôn (Thầy) phế Bạch Ngọc Kinh xuống trần mở đạo Cao Đài với đại nguyện trước Công Đồng Tam Giáo rằng lập Đạo không thành thì Thầy không trở về ngôi vị cũ. Cứu chuộc và giá chuộc là thuật ngữ đạo Chúa.
([53]) bữa tiệc (yến tịch 宴席: feast, banquet): Bữa tiệc là thuật ngữ đạo Chúa. Bữa tiệc là lúc con người gác lại mọi việc bận rộn để cùng ngồi bên nhau, vui vẻ ăn uống với nhau, san sẻ tình cảm.
Kinh Thánh diễn tả sự hiệp thông, gắn bó giữa Thiên Chúa và con người qua dụ ngôn bữa tiệc. Như I-sai-a 25:6 diễn tả (dịch theo New International Version): Trên núi này, Đức Chúa Toàn Năng sẽ dọn cho muôn dân một bữa tiệc thịnh soạn, một bữa tiệc có rượu lâu năm, có các thứ thịt ngon nhất và các loại rượu tốt nhất. / On this mountain the Lord Almighty will prepare a feast of rich food for all peoples, a banquet of aged wine - the best of meats and the finest of wines. Đó là bữa tiệc của ngày sau rốt (cánh chung 竟終), là ngày mà con người được hưởng ơn cứu độ viên mãn. Và kể từ ngày đó trở đi, con người được sống vui, hưởng hạnh phúc và an bình mãi mãi trong Thiên Chúa.
Nước Thiên Chúa (Nước Trời) thường được ví như bữa tiệc, và Đức Giê-su mời mọi người hãy đến dự tiệc với Chúa, nhưng phần đông người đời lại chối từ, vì họ không biết điều này: Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa! / Blessed is the one who will eat at the feast in the kingdom of God ! (Lu-ca 14:15)
Trong thánh giáo Đức Đông Phương Lão Tổ, bữa tiệc vừa mang ý nghĩa con người được hiệp nhất với Thượng Đế, vừa có nghĩa là vinh dự tột cùng, là phần thưởng Trời ban cho người đã chu toàn sứ mạng Trời giao phó trong công cuộc cứu độ Kỳ Ba.
([66]) cầm cân nảy mực (using a marking cord; executing rules and regulations): Thành ngữ này ra đời từ công việc của thợ mộc khi cần xẻ gỗ theo đường thẳng tắp. Người thợ dùng một sợi dây tẩm mực (thằng mặc 繩墨; thằng trực 繩直: line marker; marking cord; plumb-line) căng thẳng trên phần gỗ muốn xẻ bằng cách buộc một đầu dây vào quả cân để cố định đúng vị trí, và bàn tay người thợ giữ chặt đầu dây còn lại. Sau khi ướm thử sợi dây căng thẳng đã ăn khớp theo đường xẻ mong muốn, người thợ lấy ngón tay bật cho sợi dây nảy lên rồi dội xuống vài lần, in lằn mực lên mặt gỗ. Sau đó, người thợ sẽ cưa theo lằn mực.
Thành ngữ này dùng để nói về trách nhiệm và lương tâm của những người có chức phận phán đoán, xét xử; tức là họ phải công bằng, trung thực. Vì vậy, Đức Đông Phương Lão Tổ mượn thành ngữ này để dạy các vị Minh Tra hãy biết hành xử đúng đắn phận sự bảo pháp tại các họ đạo.
([69]) Dù là kẻ nghịch, kẻ giết hại đạo, cũng có ngày ăn năn, có ngày làm tiên phong đi đầu trong sự truyền đạo:
Vua A Xà Thế 阿闍世 (Ajatashatru) cai trị nước Ma Kiệt Đà 摩竭陀 (Magadha) từ năm 492 đến năm 460 trước Công Nguyên. Ông âm mưu cùng Đề Bà Đạt Đa 提婆達多 (Devadatta) ám hại Đức Phật, nhưng thất bại. Cuối cùng ông quy y theo Phật và hết lòng ủng hộ đạo Phật.
Phao-lô (Paul) ban đầu kiên trì săn đuổi ráo riết các Ki-tô hữu để giết hại họ, nhưng rốt cuộc ông sám hối, theo Đạo Chúa và trở thành Thánh tông đồ.
([70]) quyền Trời đồng ý cho nó: Đức Chí Tôn dạy: “Còn phẩm trật quỷ vị cũng như thế ấy. Nó cũng noi chước Thiên Cung mà lập thành quỷ vị, cũng đủ các ngôi các phẩm, đặng đày đọa các con, hành hài các con, xử trị các con. Cái quyền hành lớn lao ấy do Thầy ban cho nó, nên đặng quyền cám dỗ các con, xúi biểu các con, giành giựt các con mà làm tay chơn bộ hạ trong vòng tôi tớ nó. / Thầy đã thường nói: Hai đầu cân không song bằng thì tiếng cân chưa đúng lý. Luật công bình thiêng liêng buộc phải vậy.” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, quyển I, đàn ngày 19-12-1926.)
([72]) Làm sao ta biết được việc của Trời? (How can we know God's plan?): Việc của Trời chỉ có Trời biết; do đó Đức Chúa Trời dạy: “Vì chính Ta biết các kế hoạch Ta dành cho các ngươi… / For I know the plans I have for you…” (Giê-rê-mi-a 29:11) Vì vậy, sứ mạng đặt vào đâu, chương trình để ở đâu thì người nơi đó cứ tận tâm mà thi hành nhiệm vụ. Đây cũng là hàm ý trong lời dạy của Đức Lý Đại Tiên Trưởng: “Việc Trời, Trời liệu; việc người, người lo.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo, 26-01-1988)
([73]) chư vị bảo pháp (those who conserve the dharma): Tức là “chư phận sự trong bộ máy Minh Tra” như Đức Lão Tổ dạy rõ khi mở đầu bài thánh giáo này. Ở mỗi họ đạo của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có một vị Minh Tra giữ nhiệm vụ bảo pháp. Đừng nhầm với vị Bảo Pháp 保法 (the Dharma Conservator) trong Thập Nhị Thời Quân thuộc Hiệp Thiên Đài.
Huệ Khải chú thích
Lê Anh Minh hiệu đính
Hà Nội: Nxb Hồng Đức 2020