3. CỐ GẮNG LẤY LÒNG MÌNH
MÀ ĐƯƠNG VI SỨ MẠNG
Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)
ngày 09-01 Kỷ Hợi (Thứ Hai 16-02-1959)
THI
Lão chào chư Thiên ân, chư đạo tâm nam nữ.
Lão lấy làm mừng. Chư Thiên ân đã vững vàng bước lên một cấp đạo ([5]) để xứng vai hướng lộ ([6]) dìu dắt nhơn sanh,([7]) mà Hội Thánh cũng được quyền pháp minh định,([8]) trên dưới rõ ràng, cơ cứu chuộc ([9]) mỗi ngày mới thấy hiển hiện.
Chư hướng đạo ([10]) cố gắng lấy lòng mình mà đương vi sứ mạng ([11]) trong công cuộc trung hưng chánh pháp,([12]) xây dựng nền móng thánh truyền, hầu ([13]) nâng bước nhơn sanh chóng đến cảnh thanh bình, dựng nên thế đạo; nhờ công phu, công quả ([14]) ấy được nâng cao địa vị mình, xứng hàng Thiên ân quyền pháp.
BÀI
Nền chánh pháp Kỳ Ba Thầy lập
Ơn tái tạo đã bày quyền pháp
Mở cơ cứu chuộc xa gần từ đây.
Nền Quốc Đạo dựng xây đẹp đẽ
Dưới tay che chở của Thầy
Mối tình thân ái chung vầy dưới trên.
Nương ân phước tiến lên mấy độ
Đắp xây nền tảng hòa bình
Cho đời thạnh trị, cho mình tự do.
Vì quyền pháp Thầy cho nắm giữ
Làm cho cơ đạo ngửa nghiêng
Bởi người quên lời thề, trái đạo
Làm cho chánh giáo mờ lu
Cho danh nghĩa đạo bị mù bị lem.
Cũng bởi mình không xem xét kỹ
Bởi tại mình thiếu nghĩ thiếu tâm
Rồi đưa bước đạo lỡ lầm
Chư Thiên ân tròn xứng mới là
Đừng phải để cho Thầy quở trách
Đường đường đáng mặt tài trai
Bên đời bên đạo, đôi vai vững vàng.
(. . .)
Thôi, quý vị tái cầu tiếp giá. Lão thăng.
TIẾP ĐIỂN
THI
ĐẾ nghiệp ngày mai đã đắp nền.
Thầy mừng các con. Thầy đẹp lòng cho các con đã nhận thấu ([35]) sứ mạng quyền pháp mà đồng tâm hiệp lực chung mối Đạo Trời.
Các con cần xây dựng con người đạo đức của mình được xứng đáng một Thiên ân, hầu lãnh lấy phận sự nơi Thầy lên đường hành đạo. Ngày giờ nhặt thúc.([36]) Xuân sang, hạ đến, thu lại, đông về. Dinh hư, tiêu trưởng ([37]) vần xây.([38]) Tuy nói năm rộng tháng dài, mà chớp mắt chưa kịp trở tay, thời gian đã qua rồi tới; nên Thầy chẳng những lo cho nhơn loại không kịp tỉnh ngộ quày đầu, mà còn e cho các con việc đời sự thế buộc ràng, khó bề cởi mở cho đúng lời hứa của con.
Ngày giờ Thiên sứ ([39]) đã lên đường, chờ các con ở mỗi nơi đến để trao truyền huyền công kế hoạch. Các con đã bước lên một cấp, vinh hạnh vô cùng, mà nào con có biết ân phước ấy. Cả một sự hồi sinh tái tạo, vượt trên thế sự tang thương.
Vì nghiệp nghiệp oan oan,([40]) nhơn tâm mạc trắc,([41]) chẳng trọn vẹn cùng Thầy. Dù đứa có lòng lo biết sợ cũng còn chơn dưới chơn trên.([42]) Thầy làm thể nào để chỉ cho các con thấy được cơ xáo lộn hãi hùng kia mà đau lòng lo sợ; cũng chưa làm sao cho các con thấy được ngày mai tại nơi cõi nầy Thầy thiết lập một cảnh thanh bình sau một cơn đổ nát.
Thầy thương vô cùng. Dù có nói lắm, dạy nhiều mà lòng giác ngộ của mỗi con chưa hiện thì có nghe đó rồi bỏ đó, chẳng đem vào dạ, khắc ở não cân. Tay Thầy luôn luôn níu dẫn các con mà các con cứ giựt ra để dễ phóng túng tự do, nào nghĩ đến một mai số phận của mình, một cơ hội cho hoàn cầu nhơn loại.
Các con cũng chưa thấu được lòng Thầy yêu thương lân mẫn ([43]) đối với con và toàn thể nhơn sanh. Nếu không đem mình làm giá chuộc,([44]) lấy từ bi che chở mỗi ngày thì các con đã trái lời thề, phạm đến Thiên điều,([45]) làm sao ngày tới đây được vầy vui hội hiệp cùng Thầy.
Nhờ lòng thương yêu của Thầy với sự tư duy,([46]) cần mẫn của Ba Trấn ([47]) đương quyền, nên các con mới được yên tâm và nhơn dân có phần che chở. Thảng như ([48]) không nhờ ở chánh pháp trung hưng, nhơn gian ([49]) giác ngộ hồi hướng([50]) thì cõi ta bà ([51]) hôm nay khói lửa mịt trời, giáo gươm chát tiếng, nhơn loại còn được mấy người.
Bởi vậy cái công đức to lớn nầy, sự nghiệp bền vững nầy đã đem lại cho các con, cho chúng sinh một con đường bình yên. Lấy thiện hạnh làm duyên, lấy phước đức làm thành, lấy tình thương sự sống làm vô vạn cơ binh. Đánh bại giặc lòng, giặc nước mới yên. Lấy công trừ tội, đem phước đổi lành, các con trừ bớt cộng nghiệp ([52]) cho nhơn sanh bằng đức tin xé tan u ám.
Hôm nay nền trung hưng chánh pháp xây dựng nơi tông đạo Trung Châu,([53]) sứ mạng quyền pháp lại giao vào tay các con. Ơn phước ấy như nước nguồn xuống thác, như gió pháp mùa xuân, thế mà trong hàng Thiên ân chưa nhận rõ sứ mạng để đem lòng gắn bó, ưu tư.([54]) Nhơn sanh khổ và sắp đại khổ. Đạo tràng ([55]) đang tủi nhục và rã tan, và rồi phải trăm bề đớn đau hơn nữa. Nếu người hướng đạo không thấy xa biết trước thì tai hại sẽ sắp tới cho mình. Hàng ngũ sẽ tan vỡ. Tổ chức sẽ đổ nát. Cơ sở bị phá hoại. Danh nghĩa chúng gièm pha. Con tin ([56]) đều thất vọng. Đạo đồ ([57]) nó sẽ chia nhau sai sử, hành phạt.([58])
Ôi! Tình cảnh ngày mai là thế, mà không gấp rút nhổ neo rời thuyền,([59]) đồng sức chống tới chèo lên. Đừng đợi gió thuận nước xuôi mà bao nhiêu kẻ hết sức hụt hơi ([60]) phải cho thân vào miệng cá.
Các con ôi! Lòng Thầy như chín khúc tơ vò.([61]) Chạy đông qua tây, trông đây nhìn đó, đã phân thân vô vạn số cũng không cứu kịp linh căn. Đã đưa bước cứu khỏi, đem về để trong vòng đạo pháp từ nhóm từ đoàn,([62]) mà rồi con cái ấy cứ phá rào bẻ khóa làm cho trống cửa sưa ([63]) thành để quỷ ma lén vào lũng đoạn,([64]) xúi nhau nghịch lẫn.
Nơi đây người ít việc nhiều. Đường sứ mạng chông gai, lầy lội. Các con đừng ngao ngán, mà phải mạnh mẽ bước lên. Thầy không để cho các con phải thất vọng nửa chừng hay trên lộ đồ nghiêng ngã. Sự nguy hiểm và khó khăn kia là muốn cho các con xứng đáng người hướng đạo, nung nấu can trường.([65]) Làm được những việc phi thường nầy thì quỷ vương mới kính nể.
(. . .)
Thầy ban ơn mỗi đứa.
([9]) cứu chuộc (cứu thục 救贖: redeeming, redemption): Cứu 救 là cứu nguy, cứu thoát (rescuing, saving). Chuộc (từ thuần Việt, chữ Nho là thục 贖) nghĩa là đem một món gì ra đánh đổi một hình phạt (lấy công chuộc tội; chữ Nho là tương công thục tội 將功贖罪: redeeming one’s crime[s] by meritorious acts). Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Giê-su hy sinh trên thập giá, lấy mạng sống của Chúa làm giá chuộc (thục giá 贖價: ransom) cho tội lỗi chúng sinh (xem Mát-thêu 20:28 và Mác-cô 10:45). Cứu chuộc và giá chuộc là thuật ngữ đạo Chúa. Trong Tam Kỳ Phổ Độ, cơ cứu chuộc mở ra khi Đức Chí Tôn phế Bạch Ngọc Kinh xuống trần mở đạo Cao Đài với đại nguyện trước Công Đồng Tam Giáo rằng lập Đạo không thành thì Đức Chí Tôn không trở về ngôi vị cũ.
([19]) minh đức tân dân 明德親[新]民: Sách Đại Học viết: Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện. 大學之道, 在明明德, 在親[新]民, 在止於至善 (The way of great learning consists in illustrating illustrious virtue, renovating the people, and stopping in perfect goodness.): Đạo của đại học là làm sáng cái đức sáng, đổi mới dân chúng, và dừng lại ở chỗ chí thiện. nền minh đức tân dân 明德新民 (the foundation for renovating the people and illustrating their virtue): Nền móng để đổi mới người dân và làm sáng đạo đức của họ.
([44]) giá chuộc (thục giá 贖價: ransom): Một giá trị bằng tiền, bằng vàng, hay thứ gì khác quý báu đem ra để đánh đổi lấy một thứ khác. Như thời xưa, ai muốn trả tự do cho một nô lệ, phải nộp cho chủ nô đúng số tiền mà chủ nô ra giá. Đó là giá chuộc tự do cho một nô lệ.
Trong Nhị Kỳ Phổ Độ, khi Đức Giê-su Ki-tô chuộc tội cho loài người, tất nhiên Chúa cũng trả cái giá tương xứng cho hết thảy những tội lỗi mà loài người đã gây tạo từ đời nào kiếp nào tích lũy lại. Vậy, giá chuộc mà Chúa đã trả là gì? Chúa trả bao nhiêu? Chúa đã trả một giá rất đắt (1 Cô-rin-tô 6:20), bởi lẽ giá chuộc ấy chính là mạng sống (his life) của Chúa (Mát-thêu 20:28; 1 Ti-mô-thê 2:6; Titô 2:14), là máu (his blood) của Chúa (Rô-ma: 3:23-25; Ê-phê-sô 1:7), tức là bửu huyết (his precious blood) của Chúa (1 Phê-rô 1:19).
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Thầy đem mình làm giá chuộc. Giá chuộc của Thầy là gì? Là chính Thầy phế Bạch Ngọc Kinh mà xuống cõi phàm trần cứu độ con cái.
([60]) kẻ hết sức hụt hơi (those who are exhausted in the sea of suffering): Người đang chới với, nổi trôi trong biển khổ, và đang kiệt sức chống chỏi; nếu không được vớt lên thuyền, họ sẽ chết đuối. (Chúng sanh không được chánh pháp cứu vớt thì họ mãi trầm luân trong biển khổ. Chánh pháp là thuyền từ, thuyền bát nhã. Trần gian là biển khổ.)
([61]) chín khúc tơ vò: Ruột rối như tơ vò, ý nói lòng dạ rất đau buồn. Văn học thường nói chín khúc ruột (the nine folds of the intestines), tức là lòng dạ, tâm hồn. Td: Khi vò chín khúc, khi chau đôi mày. (Kiều) ─ Ruột tằm chín khúc vò tơ đỏ. (...) Chín khúc thêm đau nỗi đoạn trường. (Bạch Viên Tôn Các)
Một “biến thể” của chín khúc là chín chiều. Td: Chiều chiều ra đứng ngõ sau / Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều. (Ca dao)
Người Hoa nói cửu hồi trường 九迴腸 (ruột thắt, quặn lại, chín lần) với nghĩa ưu tư, lo nghĩ đến mức cực điểm (ưu tư đáo liễu cực điểm 憂思到了極點). Td: Khi trả lời thư của Nhậm Thiếu Khanh 任少卿 (sắp bị triều đình tử hình), Tư Mã Thiên 司馬遷 (145-86 trước Công Nguyên) diễn tả nỗi lòng, có viết câu này: Thị dĩ trường nhất nhật nhi cửu hồi. 是以腸一日而九迴. (Vì vậy mà một ngày ruột thắt chín lần.) ─ Giản Văn Đế 簡文帝 (503-551) nhà Lương có câu thơ: Bi diêu dạ hề cửu hồi trường. 悲遥夜兮九回腸. (Đêm dài buồn ơi, chín lần ruột thắt.)