6. NGƯỜI HƯỚNG ĐẠO ĐÓNG VAI TƯỚNG SOÁI CỦA THẦY
Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)
ngày 15-10 Tân Sửu (Thứ Tư 22-11-1961)
THI
THÁI hòa một khí chống càn khôn ([1])
BẠCH hắc hai nghi ([2]) để bảo tồn
KIM thạch dặn ai lòng đạo đức ([3])
TINH thần, nhật nguyệt chiếu thiên côn.([4])
Lão chào chư chức sắc Lưỡng Đài. Chào chư đạo tâm nam nữ.
Ba lăm năm chẵn ([5]) trải thăng trầm
Thành bại vì đâu, bởi tại tâm
Dẫu thế một phen toan cứu chữa ([6])
Có ngày thịnh vượng, có tri âm.
Năm nay Đạo Trời vào buổi hạ nguơn đã vượt theo thời gian ba mươi sáu năm,([7]) tưởng cũng một việc đáng mừng. Nếu
không bởi tay Trời lòng Thánh thì khó bề đứng vững mà chiếm được một địa vị nơi
cõi trần lao ([8]) này.
Buổi đời rơi xuống đến ngày hạ nguơn mạt tận, lòng người trôi theo nhiều
kiếp tội tình, mà bản thể hồn nhiên([10]) đã nhuộm màu ô trược.([11]) Nên mấy người ([12]) buông lợi rời danh, dừng bước theo mồi
vật chất mà hồi tỉnh thiện tâm!
Khi lòng đã thâm nhập thế tình ([13]) mới ghét lẽ phải, mến điều trái, hóa
cho nên cõi sống khô tàn, giống lành ([14]) khó vững. Nếu không một phen khử ám hồi minh ([15]) thì có ngày cảnh âm u, người người
tê liệt. Vì vậy mới thấy ở thế gian ít người được an toàn một sớm một chiều,([16]) còn đâu nói đến lòng người đổi thay,
thoạt mê thoạt tỉnh.
Thế nên Thầy cũng rộng lòng từ bi, muốn đem sự sống che trùm, muốn lấy thương yêu bao
bọc, không để cho một vật hữu vi nào hoại diệt linh hồn; dầu khó dầu dễ, dẫu
lâu hay mau cũng quyết đưa cõi đời, quyết độ loài người cho đến nơi thành tựu
an lạc. Vậy thì người hướng đạo ([17]) phải sớm giác ngộ, thể theo ý Trời
để chuyển hóa quần linh ra ngoài cảnh âm mê, thoát khỏi nạn máu xương thê thiết.([18])
Buổi đời cộng nghiệp trả trả vay vay,
một vốn bốn lời,([19]) số số căn căn ([20]) biết sao mà tránh. Nên Lão để lời
khuyên [chư] hướng đạo cũng như nam nữ đạo tâm, sống trong lúc đông tây giao
chiến, nam bắc họa tai phải thế nào, đừng để ngọn
sóng bất bình ([21]) cuốn đẩy bản năng ([22]) ra ngoài khơi vạn khổ. Nếu mãi tâm móng động,([23]) nhân khi gió ác cảm
thổi bay ra chiến địa, nòi giống tương tàn ([24]) mà ơn phước Tam Kỳ khó trông lai phục.([25])
Giờ đây, Lão cũng thể lòng ([26]) Thầy mà đồng nhất sự thương yêu để chờ một ngày lai phục.
Lão cũng nghĩ rằng nơi thiên không ([27]) muôn vạn quốc độ,([28]) Thần linh đôi lúc cũng có lắm khối chơn
nguyên tu chưa tận diệt quần âm ([29]) mà tham vọng trôi đến cõi trần. Cũng có
kẻ giác tỉnh nương giữ pháp thân trở về Thiên quốc. Cũng còn lắm người vì vật
dục ám mờ mà phải lăn trôi theo đường lục đạo,([30]) có khi làm quân tử đạt nhân,([31]) có hồi cũng làm ma làm quỷ, thì trách chi
người không giác không mê, không ma không Phật. Mặc dù Phật Phật ma ma, miễn
sao đừng chối ([32]) tính người làm ác, biết ngăn lẽ ác mà
về với lẽ phải đường lành. Nếu chẳng chút ăn năn, hễ đắm vào đâu thì chìm tới đó.
Song người Thiên ân không nên lấy cớ ([33]) mà dung dưỡng tính tình, phải bảo vệ
lấy nguyên căn, bảo tồn lấy nền chánh pháp.
Nếu một khi lầm lỡ thì ngũ quan ([34]) bế tắc, mà quyền pháp của Đạo cũng [bị]
rẻ rúng lu mờ thì nên bình tĩnh mà suy để chống đỡ lại tòa nhà quyền pháp, hầu
đưa đạo tâm đến cõi an toàn, hầu ngăn chặn sự tấn công ồ ạt của mười phương ([35]) đến gieo họa cho loài người, mà nhất
là đốt rụi thành trì Việt quốc.
Bổn phận người Thiên ân cứu thế, đại Thiên ([36]) hành sự trong lúc này, mà cũng là bổn
phận người dân phải yêu nòi thương giống, phải lo bảo vệ xã tắc sơn hà, bên đạo
bên đời. Đó là con đường trung đạo.
Song nên hiểu người hay vật hữu sanh,([37]) mỗi cá thể ([38]) cũng chịu thọ bẩm nơi Trời một đoạn
nguyên khí, chịu tinh cha huyết mẹ mà thành hình. Các vật chia ra giống chạy
giống bò, giống bay giống nhảy, thứ trứng thứ con. Một lúc tượng thành, có vật
vừa lọt bào thai đã bay, đi hay đứng; cũng có loài phải chờ cho đủ cánh đủ
lông. Mặc dù chậm đến bao nhiêu hay mau được chừng nào, vật nào cũng chịu sự
nuôi nấng trông nom của mẹ.
Vật vật khác hình khác thể thì cũng phải khác tính khác tình. Tính tình,
hình thể làm sao đã in khuôn cho mỗi giống. Miễn sao giống nào cũng giữ được bản
tính nguyên thủy mà về với nguyên sơ.
Vậy giữa các hiền cũng nên suy gẫm lời Già ([39]) mà học lấy tánh bao dung của Trời
rộng mênh mông, trên che dưới chở. Được vậy thì nấc thang thiên vị ([40]) chỗ nào cũng xứng mặt đáng người,
chỗ nào cũng được tiêu biểu là người của Thượng Đế, cũng để làm gương cho xa
gần trông đến. Có vậy, người hướng đạo
mới đóng vai tướng soái của Thầy,([41]) mới xứng trong tam tài đồng thể.([42])
Đây, Lão nói về quyền pháp. Các hiền coi
đi coi lại bao lời giáo hóa từ lâu và coi theo Tân Luật để thi hành.
Nói đến cùng, dầu có sai sót lỡ lầm đối
với các hiền cũng còn có thể châm chước, song Thiêng Liêng là sự mực thước cân
đo. Đã lập luật ra, dầu luật ấy không phải bởi Thầy mà Thầy đã chuẩn y, thì dầu
quyền cao cả như Chí Tôn có đến đây cũng không vượt qua quyền pháp đó; thì Lão
nhân danh một Giáo Tông Tam Kỳ Phổ Độ, phải chấp hành Thiên nhân quyền pháp,
đâu dám cải canh.
Song, trong lúc cơ đạo chinh nghiêng cần
được chỉnh đốn mà đặt vấn đề tương nhượng ([43]) lên trên. Trong lúc đức tin toàn đạo
chưa tỏ, phải thể theo trình độ mà dắt dìu; nên Lão cũng thể theo lời cầu xin
mà cho thành hình các cơ sở thánh thất và sự xây dựng nội bộ, sao tiện là xong.
Mong sự đồng nhất ([44]) với nhau, để nghe bản Thiên thơ đọc
trước ngày [kỷ niệm] ba mươi sáu năm khai Đạo.
Về việc trấn an quyền pháp cho toàn đạo thuộc về nội vụ, Lão không tiện
nói ra đây. Còn sự làm Lão cũng không nhận là không công; song, làm phải được trên
nguyên tắc thuần chân, thuần nhất để đi đúng pháp môn cứu thế lần này là vạn
pháp đồng nhất hay Thiên nhân hiệp nhất mới không thấy màu sắc dị biệt,([45]) mới có sự thương yêu che chở.
Nay Lão gởi đến cho đạo hữu một món quà kỷ niệm ngày tam thập ngũ chu
niên khai Đạo ([46]) là thuần túy đạo đức, duy nhất tinh
thần, bảo tồn quyền pháp để tránh các sự họa gởi tai bay,([47]) để không chịu một trách nhiệm nào bởi
sự gây họa cho dân tộc.
Thôi, mọi việc về hữu vi để hữu vi quyết định.
Về thánh thất, khi lập đủ phương tiện bảo dân,([48]) lập thành họ đạo, Lão sẽ ban hiệu ([49]) cũng không muộn.
Thôi, Lão chào. Chư Thiên ân và toàn đạo sống trong ơn Thầy để bảo vệ quyền pháp. Lão thăng.
([1]) Câu
này ý nói: Khí thái hòa (do âm dương hòa hợp) chống đỡ (supporting) cho
vũ trụ (càn khôn) ổn định, vững bền. – thái hòa 太和 (grand harmony): 1/ Cũng như đại hòa 大和, sự hòa hiệp, hòa thuận rất mực, rất
lớn. 2/ Khí do âm dương hòa hợp.
([3]) Câu này ý nói: Dặn
dò các môn sanh phải giữ lòng đạo đức bền chặt, không để hư mất. – kim thạch 金石 (gold and stone; fig., steadfast, stable):
Vàng và đá. Vàng bền và đá cứng, ám chỉ sự bền vững, kiên cố, không thay đổi.
([4]) Câu này ý nói: [Lòng đạo
đức của người tu] hãy sáng rỡ như mặt trời, mặt trăng, và tinh tú chiếu sáng
bầu trời. – tinh thần, nhật
nguyệt 星辰日月 (stars, the sun, and the moon): Tinh tú
(các vì sao), mặt trời, và mặt trăng. – thiên
天 (sky): Bầu trời. – côn 焜 (bright,
brilliant): Sáng rỡ.
([5]) ba lăm năm chẵn (exactly thirty-five years): Đạo Cao Đài khai minh tại chùa Thiền
Lâm (Tây Ninh) ngày 15-10 Bính Dần (19-11-1926), và đàn cơ này lập ngày 15-10
Tân Sửu (22-11-1961); vậy là thời gian vừa tròn ba mươi lăm năm chẵn.
([8]) trần lao 塵牢 (the world as compared to a
prison): Lao tù cõi trần. Cảnh thế gian ràng buộc làm con người mất tự do
(vì chủ nhơn ông bị lục dục, thất tình sai khiến), vì thế cõi trần ví như chốn
lao tù.
([10]) hồn nhiên 渾然: Nghĩa theo chữ Hán là 完整不可分割 (hoàn chỉnh bất khả phân cát: complete
and unable to be divided), tức là toàn vẹn và không thể phân chia hay cắt xẻ.
Nhưng người Việt dùng hồn
nhiên theo nghĩa
khác. Hán Việt Tân Từ Điển (Sài Gòn: Nxb Khai Trí, 25-4-1974) của Nguyễn Quốc Hùng (1938-2003) giải thích hồn nhiên là: “Cứ như thế, không có gì khác cả. Chỉ tính tình giống như lúc trẻ thơ. Vô tư, chân thành.” Vậy, hồn nhiên dịch là innocent.
Cách giải thích của ông Nguyễn gợi
nhớ lời Chúa (Lu-ca 18:15-17): Người ta còn đem cả trẻ thơ đến với Đức Giê-su, để Người đặt tay trên chúng. Thấy vậy, các môn đệ la
rầy chúng. Nhưng Đức Giê-su gọi chúng lại mà nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước
Thiên Chúa là của những ai giống như chúng.
Thầy bảo
thật anh em: Ai
không đón nhận Nước Thiên Chúa với tâm hồn một trẻ em, thì sẽ chẳng được vào.
([11]) bản thể hồn nhiên đã nhuộm màu ô trược:
Những chữ này gợi nhớ tới lời khuyên của Đức Thanh Lương Thần Nữ (Trung Hưng Bửu Tòa, 21-4-60): Chớ
cho vật chất làm chìm linh quang.
([14]) giống lành (hảo chủng tử 好種子: good seed): Mầm thiện Trời ban sẵn cho
mỗi người. Biết tu thì mầm thiện lớn mạnh, vững bền; không biết tu thì mầm
thiện hư hao, mất mát.
([15]) khử ám hồi
minh 去暗回明 (removing
ignorance and restoring wisdom): Trừ bỏ sự u tối, lấy lại sự sáng suốt.
([17]) người hướng đạo (hướng đạo giả 向導者: spiritual leader;
those who lead their coreligionists): Người dẫn dắt đạo hữu.
([19]) một vốn bốn lời: Cũng như nhất bản vạn lợi 一本萬利 (small
capital, huge profit; putting in a little and getting a lot out: một vốn
muôn lời), ý nói gieo nhân một thì gặt quả nhiều gấp bội lần.
([20]) số số căn căn: Căn số nối chuyền nhau
không dứt. Căn 根 là
cội rễ, nền tảng (root, basis). Số 數 là số mệnh, số mạng
數命, số
phận 數分, kiếp số 劫數 (predestined
fate). Do căn lành (thiện căn 善根) mà
có số mạng tốt; do căn ác (ác căn 惡根) mà
số mạng xấu, đúng theo luật nhân quả báo ứng.
([21]) bất bình 不平 (indignant): Phẫn nộ, căm giận. – ngọn sóng bất bình (a wave of indignation): Lòng bất bình
nổi lên dữ dội như sóng cuộn trào.
([22]) bản năng 本能 (instinct): Hành vi mang tính phản xạ tự
nhiên, là xu hướng vốn có (bẩm sinh) để đáp trả lại một tác động từ bên ngoài
hay một hoàn cảnh cụ thể. Chẳng hạn, khi bị mắng nhiếc, bản năng thúc đẩy người
ta nổi giận và trả đũa ngay. Nếu hai bên không thể kiểm soát cơn giận, từ chỗ
lời qua tiếng lại sẽ dẫn đến hành vi bạo lực gây hậu quả nghiêm trọng để rồi bị
luật pháp trừng phạt, thì đó chính là “ngọn
sóng bất bình cuốn đẩy bản năng ra ngoài khơi vạn khổ”. Nhưng nhờ học đạo
và ý thức mạnh mẽ, người tu hành có thể kiềm chế bản năng, dằn cơn phẫn nộ.
([30]) lục đạo 六道: Sáu đường luân hồi của
chúng sanh, tùy theo những việc lành việc ác đã tạo gây trong kiếp sống. (Six kinds of rebirth in samsara that are
undergone by sentient beings in accord with their good or evil actions carried
out in their previous lifetime.) Lục đạo gồm: 1/ Thiên 天 (devas: celestial beings,
gods, hiểu theo Phật Giáo; không phải là Thượng Đế theo Nho, Lão,
Cao Đài). 2/ A tu la 阿修羅 (asura). 3/
Nhơn 人 (người: human). 4/ Địa
ngục 地獄 (hell). 5/ Ngạ quỷ 餓鬼 (ma đói, quỷ đói: hungry
ghost or demon). 6/ Súc sanh 畜生 (thú vật: animal).
Ba đường trên (1, 2, 3) là ba đường lành (tam
thiện đạo 三善道). Ba đường dưới (4, 5, 6) là ba đường dữ (tam ác đạo 三惡道).
([34]) ngũ quan 五官 (the five sense organs, i.e., eyes, ears,
nose, tongue, and skin): Năm bộ phận của thân thể con người, gồm mắt, tai,
mũi, lưỡi, và da, giúp con người biết về bên ngoài, bằng cách nhìn, nghe, ngửi,
nếm và sờ mó.
([42]) tam tài (the three powers) 三才: Ba ngôi
trong vũ trụ là trời, đất, người (thiên,
địa, nhân 天地人: heaven, earth, man). – tam
tài đồng thể 三才同體: Hoằng Minh Tập 弘明集, quyển 4, có câu: Nhân phi thiên địa bất sinh. Thiên địa phi
nhân bất linh. Tam tài đồng thể tương tu nhi thành giả
dã. 人非天地不生. 天地非人不靈.
三才同體相須而成者也. (Người không có trời đất thì không sinh ra. Trời đất không có người
thì không linh diệu. Tam tài đồng bản thể, cùng phối hợp nhau mà thành tựu vậy.)
Ghi chú: Tương tu 相須: Cũng viết tương nhu 相需, cùng dựa
nhau mà tồn tại (hỗ tương y tồn 互相依存), cùng
phối hợp nhau (hỗ tương phối hợp 互相配合).
([46]) ngày tam thập ngũ chu niên khai Đạo (Cao Đài Giáo thành lập
tam thập ngũ chu niên 高臺教成立三十五周年: the thirty-fifth anniversary of the founding of Caodaism): ngày kỷ niệm tròn ba mươi lăm năm khai Đạo.