3. ĐƯỜNG DÀI PHẢI LẬP CHÍ
Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)
ngày 22-7 Tân Sửu (Thứ Sáu 01-9-1961)
THI
BẢO bảo ([1]) anh em cẩn thận nhiều
THỌ truyền bí pháp phải cao siêu ([2])
THÁNH Thần mới được ơn Thần Thánh ([3])
NƯƠNG náu chờ xin Ngọc Khuyết triều.([4])
Chào chư vị.
Bước đường sứ mạng, nguyên căn ([5]) lúc nào cũng để tâm nghĩ đến. Cần xốc gánh lên đường, phải xứng một Thiên Thần mới đủ tư cách gieo truyền cơ cứu rỗi. Vì thế mà người có thiện căn ([6]) luôn luôn nghĩ tới sự tu để đạt đạo,([7]) làm nòng cốt cho con người.
Những người đạt nhân quân tử ([8]) lúc nào cũng trông xa nghĩ rộng mà đặt vấn đề cả cho mình và cho mọi người đồng thi hành trên phương diện đó. Không vì hoàn cảnh thôi thúc, ý người đòi hỏi mà mình phải vội vàng làm những việc không đầu không cuối, mà luôn luôn đo đắn, dặt dè. Một lời nói, một nhích chân phải được lợi sanh lợi kỷ.([9])
Mẫu mực là mình. Mình là phép tắc đấy, đạo đức đấy, Thánh Thần đấy, quyền pháp đấy, mà sứ mạng trung hưng cũng đấy. Nên người quân tử nhắm vào xa xăm, trông vào hiện tại mà đặt chương trình. Đâu phải thấy đây mà không xem đó. Hơn nữa, vạn thế sự nghiệp ([10]) cốt ở đạo đức, mà đạo đức hiển hiện phải ở nơi người có lòng cầu học hiểu, có chí siêng cần ([11]) tu học dồi mài, có sự giác ngộ thường xuyên mới thấu cơ mầu nhiệm.
Nên chư vị hôm nay dự định lên đường giải thoát cần được chuẩn bị nhiều ngày. Một lần bước ra là một khi đã hòa đồng cùng pháp đạo, nhất trí cùng Thầy. Đâu phải một sớm một chiều, nay cầu mai lạy cho rồi.
Làm Thánh làm Hiền không dễ. Bất cứ ai có chí thì nên, có bền thì được. Dùng chước thì hư, dụng khôn ngoan trăm lần thất bại. Bởi vậy, Thánh xưa vất trí phế tài,([12]) vắng lặng ở một nơi. Đức đủ, đạo thành, ngày ấy sẽ ra đời mà lấy thân gánh vác.
Trên bước đường tu học lấy đạo Thần Tiên, các vị là bậc hướng đạo Thiên ân, lại còn thiết tha thầm nghĩ, ta hứa với lòng ta để ta đủ can trường mà làm xong con người giải thoát.
Đường dài phải lập chí ([13]) mới đến nơi. Phương chi hôm nay [nhìn] bối cảnh quanh mình thấy bao kẻ chết người đau. Muốn cứu đau ngăn chết là phải có pháp thần thuốc thánh, đức cả tài cao. Mà cảnh khổ diễn tiến mỗi ngày, ta chỉ một thân, lòng không yên nổi. Chạy đường này qua ngõ nọ, tay rờ miệng nói, mãi cứ lăng xăng mà kẻ chết cứ chết, người đau vẫn đau, rồi trách Trời giận mình, mới toan đi vào núi tìm thầy học pháp hồi sinh. Học một năm biết chừng vài món, thấy tuy chưa đủ mà sự việc cũng cần, rồi xuống núi cứu đời.
Pháp ấy tuy hay nhưng khó ngăn họa lớn. Mà người ấy gọi là người có lòng biết lo, có công vị tha xá kỷ.([14]) Nhưng lòng ấy cũng là hại đời, lòng không lượng được việc làm. Lo như thế thà ngồi không mà đờn ca hơn là phí ngày giờ. Mà không khéo lại như kéo người đui tu theo thầy mù.
Người quân tử với kẻ tiểu nhân đồng làm, đồng nói, đồng lo nhưng hai đường mỗi bên đều khác hẳn. Nên ngay bây giờ các vị hãy nhận thức kỹ càng: Trái lúc non thì chát, lúc dày ([15]) thì chua, lúc muồi thì ngọt. Cũng như người tu, biết Đạo không bằng yêu Đạo. Phải trầm tĩnh, nhứt tâm,([16]) đi cho đến nơi, làm cho rồi việc. Nghĩa là các vị đã có lòng muốn tu theo đạo Thần Tiên thì đặt mình trên sự vô vi, thanh tịnh.
Cái công thành tựu của ngày mai là cái ý nghĩa việc làm lúc bây giờ. Cái nhân tạo lập đúng đắn thì cái quả kết thành mới được tốt lành.
Muốn tu, ta là người học trò cứ làm theo ý Thầy, nghe theo lời Thầy. Đâu để cho lòng mình đòi hỏi nơi Thầy việc nọ việc kia. Mà hễ [làm] người đệ tử [thì phải] tâm tròn hạnh xứng.([17]) Đã tròn thì tự nhiên được lặng,([18]) xứng thì tự nhiên được đậu,[18b] lo gì nghĩ gì cho mệt nhọc. Đã đặt mình tu theo đây, học với đây, ngó nghe vào đây mà hành sự.
Nhất trí cùng Thượng Đế thì tâm ta và bản thể ([19]) đồng nhất. Đã đồng nhất thì nhất động nhất tịnh, khi vi khi hiển ([20]) của Trời có chỗ nào mà ta không biết.
Muốn đồng nhất cùng Trời thì trước phải dẹp lần tình nghĩa cỏn con, lợi danh nhỏ hẹp, ân ái thấp thường để lòng được lặng trong, người không nghĩ hơn nghĩ thiệt. Có vậy luyện pháp mới linh, nấu đơn mới thành. Ai là người làm được? Chính là người giác ngộ vậy.
Còn việc tu, hễ còn tu là còn khảo. Khảo biết đâu là phần thưởng thiêng liêng, mà biết đâu là phần phạt hữu hình. Nếu nó là phần phạt mà vui nghe thì phạt kia là thưởng đó.
BÀI
Hồng ân đâu có riêng ai
Ai người biết được chiều mai đợi chờ
Hễ là quân tử tri cơ ([21])
Đừng màng danh lợi, đừng mơ ảo huyền.([22])
Muốn tu thành Phật thành Tiên
Sửa lòng cho chính, cho chuyên tịnh hành ([23])
Trông vào lòng chẳng mỏng manh
Trông ra mình được Trời dành một nơi.
Mặc người bay nhảy đua bơi
Ta còn thiếu đức, thiếu hơi, thiếu tài
Lo tu chứng ngộ Cao Đài
Kiếp này có trễ, kiếp mai thi hành.
Kiếp này quả đạo được thành
Đương vi ([24]) xốc gánh quần sanh một thời
Nếu thành, chưa lập ra đời ([25])
Thì về Thiên quốc ([26]) chầu Trời cũng vui.
Phiền gì tính tới tính lui
Miễn cho việc của Trời người được xong
Dầu mà mình có cùng không ([27])
Đâu đòi đâu hỏi cho lòng sân si.
Lòng tu nào có muốn chi
Thân tu ta đã quy y lâu rồi
Có gì còn gọi là tôi.([28])
Thăng.
([2]) Câu này ý nói: Đã thọ nhận việc truyền dạy bí pháp thì hành giả phải tu cho đến mức cao siêu. – thọ 受 (receiving sth): Tiếp nhận, tiếp thụ 接受. – truyền (truyền thụ 傳授: teaching): Sự truyền dạy. – bí pháp 秘法 (secret method of inner self-cultivation): Phương pháp tu luyện chỉ truyền riêng cho người được tuyển chọn, không dạy rộng rãi.
([3]) Câu này ý nói: Nếu có được những đức tánh tốt đẹp như các Đấng thiêng liêng chỉ dẫn thì con người mới xứng đáng thọ nhận ơn huệ của các Đấng thiêng liêng.
([4]) Câu này ý nói: Hãy nương náu trong chánh đạo tu hành, chờ ngày đắc đạo được về chầu Thượng Đế. – Ngọc Khuyết 玉闕: (the Jade Emperor’s Palace) Tức là Huỳnh Kim Khuyết 黃金闕, ám chỉ cung điện của Thượng Đế. – triều 朝 (paying homage to God): Triều kính, chầu Thượng Đế.
([5]) nguyên căn 原根 (original root person): Đồng nghĩa nguyên khách 原客 (original guest), nguyên nhân 原人 (original human), tức là linh căn 靈根 có nguồn gốc trên trời, xưa kia nhận lãnh sứ mạng xuống thế độ đời; khác với hóa nhân 化人 là người từ kim thạch, thảo mộc, cầm thú tiến hóa lên.
([6]) thiện căn 善根 (root of goodness): Căn lành, cái gốc rễ tốt lành. Không tham, không sân, không si (vô tham, vô sân, vô si 無貪, 無瞋, 無癡) là tam thiện căn 三善根. Tham sân si là tam bất thiện căn 三不善根. Người có thiện căn thấy cái ác thì không chịu nổi (bất nhẫn 不忍), nghe nói đến Trời Phật thì tin kính.
([7]) luôn luôn nghĩ tới sự tu để đạt đạo: Lời này làm rõ nghĩa câu Thọ truyền bí pháp phải cao siêu.
([8]) đạt nhân quân tử 達人君子 (the superior man helping others succeed like himself): Xem Phụ Đính cuối bài thánh giáo này.
([9]) lợi sanh lợi kỷ: 利生利己 (advantageous to others as well as advantageous to oneself): Ích lợi cho chúng sanh cũng như ích lợi cho bản thân.
([14]) vị tha 為他 (selfless, unselfish): Vì người khác, không ích kỷ. – xá kỷ (xả kỷ 捨己: self-sacrifice to help others): Hy sinh để giúp người khác.
([16]) nhứt tâm 一心 (wholeheartedly, unshakeably): Một lòng một dạ, không thay lòng đổi dạ, không lay chuyển.
([18]) được lặng (calm, tranquil): Được an tĩnh, bình lặng trong tâm.
[18b] đậu (passing an examination): Thi đậu. (Người tu Kỳ Ba là người dự trường thi Long Hoa.)
([19]) bản thể 本體 (substance, being): Cái tự nó tồn tại, đối lập với các hiện tượng (phenomena). Thượng Đế là Đại Linh Quang; con người là tiểu linh quang. Bản thể của con người là linh quang. Chỗ đồng thể giữa Trời và người cũng là linh quang. Đức Chí Tôn dạy: Con là một thiêng liêng tại thế / Cùng với Thầy đồng thể linh quang. (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 14-01 Bính Ngọ, Thứ Năm 03-02-1966)
([21]) tri cơ 知幾 (knowing the minutest sign): Biết được cái triệu chứng (mầm mống nhỏ nhặt mới vừa hiện ra), từ đó hiểu được tình thế sẽ diễn biến ra sao mà chọn cho mình một thái độ, một cách hành xử tốt nhất. Chẳng hạn, theo Luận Ngữ (18:4), khi Đức Khổng Tử năm mươi sáu tuổi, đang làm tư khấu kiêm tể tướng nước Lỗ thì nước Tề tặng nước Lỗ một ban nữ nhạc, khiến cho vua Lỗ say đắm, luôn ba ngày không ra ngự triều. Đức Khổng thấy triệu chứng đó bèn bỏ nước Lỗ, đi qua nước Vệ.
([23]) tịnh hành 並行 (synchronously practising sth): Làm luôn cùng lúc hai việc. Ở đây tức là vừa chính tâm vừa chuyên nhất.
([28]) Hai câu kết bài thánh thi gợi nhớ tới lời khuyên của Đức Thanh Phong Thần Nữ (Bùi Thị Ngàn) tại nhà tu Phước Huệ Đàn (Tam Kỳ, Quảng Nam), ngày 14-3 Canh Tý (Thứ Bảy 09-4-1960): Thân này đã hiến trọn cho quyền năng Thượng Đế thì thân đâu phải còn chủ quyền của ta mà tính lợi tính hơn.
Huệ Khải chú thích & Lê Anh Minh hiệu đính