PHỤ ĐÍNH 2: Linh Sơn
Linh Sơn 靈山 (
Người tu thường gọi tình bạn đạo thân
thiết là tình Linh Sơn cốt nhục. Cốt nhục 骨肉 là xương thịt (tiếng Anh nói là máu thịt: flesh and blood),
nghĩa bóng là tình máu mủ (blood relationship) cùng cha cùng mẹ rất mực
thân thiết (nearest and dearest).
Khi người tu nói tới tình Linh Sơn cốt
nhục, hoặc nói tắt là tình Linh Sơn, ngụ ý rằng chúng ta đâu phải mới gặp nhau,
mới biết nhau kiếp này; đúng ra, xa xưa trong nhiều kiếp, chúng ta đã cùng dự hội
Linh Sơn, cùng nghe Đức Thế Tôn giảng kinh Pháp Hoa.
Sâu xa hơn, khi nhắc nhau tình Linh
Sơn tức là ngụ ý hãy giữ cho tâm chúng ta gần gũi nhau trong đạo mạch thiêng
liêng, vi diệu để cùng thương nhau, hiểu nhau, cảm thông nhau, bảo bọc nhau,
quyết không để lòng phàm tánh tục chia cách đồng đạo chúng ta.
Trong bài thánh giáo khai xuân Tân Sửu
(1961) tại Trung Hưng Bửu Tòa, khi dạy Linh
Sơn cùng bạn đồng tâm / Nên hư đóng cửa âm thầm nhủ khuyên, Đức Trường Sanh
Phật Địa nhắc nhở các hướng đạo và môn sanh Cao Đài rằng hễ là đồng đạo (bạn đồng tâm) thì giữa nhau đã có tình
Linh Sơn cốt nhục rồi. Vậy, nếu có bất kỳ điều chi bất bình, nên hư trong nội bộ
thì hãy đóng cửa âm thầm nhủ khuyên, dạy dỗ lẫn nhau, sửa lỗi cho
nhau; tuyệt đối không được đem ra quyền đời, nhờ người đời phân xử để không làm
hoen ố danh Thầy danh Đạo.
Đây là ý thức và trách nhiệm của mỗi
người đạo đồ. Mang thân hướng đạo, đem đạo vào đời, dẫn dắt người đời ra khỏi
vô minh, u tối mà chính mình lại thiếu ý thức, đưa đơn từ kiện tụng nơi cửa
công để nhờ quyền đời phân xử giùm người đạo thì đáng hổ nhục biết bao!
Năm 1927, Tân Luật (Đạo Pháp,
Chương VII, Điều Thứ Hai Mươi Tám) quy định: Về đường đời bổn đạo có xích mích nhau, cũng phải đến cho người làm đầu
trong họ phân giải.
Ngày 25-8-1938, Đức Lý Giáo Tông
chú giải điều khoản này như sau: Bổn đạo
hoặc còn ở đường đời, ăn ở cùng nhau có điều chi xích mích phải đem đến cho
người đầu họ phân giải; không xong sẽ còn chỗ khác, chẳng đặng
đem ra tòa đời.
Như vậy, nếu nội bộ có mâu thuẫn,
bất hòa, v.v… mà người trong đạo không áp dụng quy định này, đem nhau ra tòa
đời giải quyết thì mắc lỗi lạm dụng quyền
đời.([1]) Họ khiến người đời chê cười rằng lẽ ra người đạo làm gương, hướng dẫn cho người
đời mà trái lại, phải nhờ người đời xử lý giùm việc đạo của người đạo.