Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2019

Nhơn nhi vô nhơn, ngã nhi vô ngã.


* Hiền hữu Phan M. Q. (thánh thất Từ Vân, Phú Nhuận):
“Thưa huynh, đoạn thánh giáo Thầy dạy năm 1934 tại thánh tịnh Đại Thanh ban thánh lịnh đưa Đạo về Trung có hai câu chữ Nho ‘Nhơn nhi vô nhơn, ngã nhi vô ngã. / Nội bất tề, hà nhi an ngoại?’ là ý như thế nào? Nhờ huynh giải giúp. Kính.” (Trích e-mail ngày 05-5-2013)
Huệ Khải:
Thưa hiền hữu, hai câu ấy như sau:
1. Nhơn nhi vô nhơn, ngã nhi vô ngã. 人而無人,我而無我.
2. Nội bất tề, hà nhi an ngoại? 內不齊何而安外?
Câu 1: [Có] người mà không [thấy] có người, [có] ta mà không [thấy] có ta.
Qua câu này Thầy dạy đoàn Thiên sứ ra Trung (do tiền bối Trần Công Ban hướng dẫn) trong khi thi hành sứ mạng hãy biết giữ tâm không nhân ngã, không phân biệt ta người, như vậy mới có thể vô tư quảng đại, không câu chấp.
Câu 2: Bên trong không ổn định, bên ngoài há lại được an sao? (Nội bộ không yên ổn, làm sao khiến cho bên ngoài trở nên yên ổn được?)
Câu này nghĩa là nội bộ của mình không chỉnh đốn cho đâu vào đấy (có trật tự, kỷ cương), thì chớ mong chi bên ngoài được yên ổn. Như thế, chúng ta hiểu hai câu này bao hàm cô đọng sách lược hành đạo đối nội và đối ngoại, tiếp nhân xử thế của đoàn Thiên sứ ra Trung.
(Trích Gió Bốn Phương, trong Đại Đạo Văn Uyển, tập 7-8, quý Ba và Bốn năm 2013.)