Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

tu ố chi tâm



@ Hiền huynh Dương Như Quảng (Suối Nghệ, Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Điện thư ngày 06-8-2018:
Thánh Truyền Trung Hưng (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2017), trang 552, có in lời dạy của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn: Chúng sanh sống trong cõi hữu hình vật chất có sẵn lòng bác ái trắc ẩn, tu ố chí tâm.Xin hỏi: Có phải chí tâm là rất thành khẩn, là thành tâm, như khi nói chí tâm quy mng lễ không? Và tu ố chí tâm nghĩa là gì?
Huệ Khải: Kính thưa hiền huynh, khi nói chí tâm quy mạng lễ thì chí tâm có nghĩa là rất thành khẩn, thành tâm, đúng như hiền huynh hiểu.
Nhưng lời dạy của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn là tu ố chi tâm. Bản in 2017 đã sai khi thêm dấu sắc thành chí.
Tu ố chi tâm nghĩa là lòng hổ thẹn (the feeling of shame). Tu cùng có nghĩa là xấu hổ, hổ thẹn (ashamed). Bài thánh giáo của Đức Liễu Tâm Chơn Nhơn đã được chú giải và in trong Đại Đạo Văn Uyển, tập Lợi (số 19) năm 2016, tr. 17-20.
Nhân đây xin nói qua về cấu trúc tu ố chi tâm (A chi B) mà chúng ta hay gặp khi học thánh giáo. Cấu trúc này hiểu theo tiếng Việt là A ® B, tức là A bổ nghĩa cho B. Chẳng hạn: thiên địa chi tâm = lòng trời đất / phụ tử chi tình = tình cha con / vũ trụ chi gian = trong khoảng vũ trụ, v.v...
Trong các bài kinh cúng tứ thời, ta gặp: Nhựt, nguyệt, tinh thần chi quân = đấng cai quản mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao / Thánh Thần, Tiên Phật chi chủ = đấng làm chủ (chúa tể) Thánh Thần, Tiên Phật / nhứt khí chi trung = trong một khí / song thủ chi nội = trong hai tay / cửu thập nhị tào chi mê muội = sự mê muội của bọn chín mươi hai [ức nguyên nhân] / Tất Viên, Phương Sóc chi bối = các ngài Tất Viên, Phương Sóc / nhựt nguyệt chi quang = ánh sáng mặt trời, mặt trăng, v.v...
Xưa kia, tại thánh thất Từ Quang (Cẩm Phú, Điện Phong, Điện Bàn, Quảng Nam), Thứ Ba 04-12-1934 (28-10 Giáp Tuất), Đức Nam Cực Tiên Ông giáng cơ dạy:
Nơi đây Thầy mới định từ
Tam Kỳ Phổ Độ khắp chư môn trùng
Vì chúng sanh ít dùng Hán tự
E khó phân khỏi sự lạc lầm
Nay đây truyền tiếng quốc âm
Ai ai cũng hiểu khó lầm khỏi sai.
Chúng ta mừng quá, cứ ngỡ rằng Ơn Trên sẽ không dùng chữ Nho khi dạy đạo nữa. Nhưng thật ra, khi dùng chữ quốc ngữ thì mấy mươi năm qua các Đấng vẫn không bỏ hẳn từ Hán Việt; các cấu trúc ngữ pháp chữ Hán vì thế vẫn có trong thánh giáo, thậm chí không ít thi bài toàn là từ Hán Việt.
Đọc thánh giáo tiếng Việt không phải lúc nào cũng hiểu dễ dàng, huống chi là từ Hán Việt, cấu trúc ngữ pháp chữ Hán. phần đông đạo hữu vì không hiểu đúng, tự ý sửa chữa, rồi sao chép hoặc in thánh giáo sai sót.
Không riêng từ Hán Việt, ngay cả từ thuần Việt (quốc ngữ) bà con đạo hữu chúng ta viết sai chánh tả chẳng ít. Ngày nay thử đọc những gì bà con tải lên Internet, thấy mà thương!
Chính Đức Tổng Lý Trần Hưng Đạo cũng “ngán” cho cái tật viết sai tiếng Việt của bổn đạo Cao Đài. Thế nên, giáng cơ tại thánh thất Từ Vân (Phú Nhuận), Thứ Bảy 05-11-1955 (21-9 Ất Mùi), Đức Tổng Lý Vô Vi của Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài đã dặn dò tiền bối Thanh Long Lương Vĩnh Thuật (1918-1982) về việc gắn các câu chữ cho ngôi Trung Hưng Bửu Tòa tại Đà Nẵng. Đức Thánh Trần chẳng những không cho dùng chữ Nho (Hán tự) mà còn nhấn mạnh rằng “trong và ngoài hoàn toàn dùng chữ Việt, chính tả cho đúng”.
Mỗi lần nhớ tới lời Đức Thánh Trần Hưng Đạo bảo chính tả cho đúng”, tôi lại ngậm ngùi, vừa thương ngài, vừa thương kinh sách Đạo Thầy trải qua gần trăm năm vẫn chưa được con Thầy gắng sức thể hiện chữ nghĩa cho đúng đắn.

(Trích Gió Bốn Phương, Đo Uyển tập 28, quý Bn năm 2018.)

Bát vu, dàm danh, Quỷ Cốc




@ Một tín hữu ẩn danh. Điện thư ngày 06-6-2018:
Tệ muội xin cảm ơn Đạo Uyển đã giải đáp hai câu hỏi của tệ muội trong tập Hạ (26), quý Hai vừa qua (trang 137-141). Nay tệ muội xin hỏi tiếp ba câu nữa, cũng liên quan tới quyển THÁNH TRUYỀN TRUNG HƯNG (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2017).
1. Trang 344 (cột 1) có câu: “Đây nhành bông, kia đã sẵn Bát du...” Thưa, có phải Bát du này là một món cổ pháp trong đạo Cao Đài không ạ?
2. Trang 502 (cột 2) có câu: “Lo khóa lợi dây danh có nghĩ chi ngày mai thế tận!” Thưa, cụm từ “khóa lợi dây danh” có nghĩa là gì ạ?
3. Trang 576 (cột 1) có câu: “Bản Quân về ở động Quỷ Cốc lâu nay được sự chỉ điểm thiên cơ vận số để tìm lẽ Đạo.” Thưa, Quỷ Cốc tức là hang quỷ. Đấng giáng cơ là Đức Bảo Nguơn Chơn Tiên (thế danh Trần Nguyên Chí). Ngài là bậc Chơn Tiên mà tại sao lại ở trong hang quỷ?
Huệ Khải: Về câu hỏi 1. Trước hết, đây là một danh từ chung (common noun) nên không cần viết hoa chữ bát. Thứ đến, tên món cổ pháp này phải viết đúng là vu. Tuy nhiên, do phần đông bà con miền Nam và miền Trung mình hay đọc vu là /ju/ nên hệ quả là kinh sách Cao Đài thường in sai là bát du.
Bát vu () là từ Hán Việt, gốc Sanskrit là pātra, người Hoa chuyển âm (transliterating) là 鉢 多 羅 (bát đa la). Người Việt gọi là bình bát, cũng nói tắt là bát như người Hoa. Tương truyền hòa thượng Bố Đại có bài tứ tuyệt với hai câu đầu như sau: Nhất bát thiên gia phạn / Cô thân vạn lý du. / . (Một bát, cơm ngàn nhà / Thân đơn muôn dặm xa.)
Trong đời sống hàng ngày của chư tăng khất sĩ, bát vu (bình bát) là vật dụng để thâu nhận thức ăn (có khi là tiền) do thiện nam tín nữ cúng dường. Bởi vậy, người Anh dịch pātraalms bowl, trong đó bowl để chỉ cái bát, còn alms để nói tới thức ăn hay tiền đem cho người khác (food or money given to other people).
Về câu hỏi 2. Bản in 2017 in sai. Phải sửa là khóa lợi dàm danh. Khóa tức là ổ khóa, ống khóa. Dàm là sợi dây xỏ qua mũi trâu hay bò (gọi là dàm trâu, dàm bò) để điều khiển chúng. Dàm ngựa là bộ đồ da đóng đầu ngựa (chữ Nho là khống ). Vậy, khóa lợi dàm danh nghĩa là sự trói buộc con người vì danh và lợi gây ra. Tương tự, chữ Nho nói danh cương lợi tỏa (being fettered by fame and locked up by riches; being tied to fame and benefit), nghĩa là sự ràng buộc trong vòng danh lợi. Cương là dây cương ngựa. Tỏa là ổ khóa.
Về câu hỏi 3. Quỷ Cốc có nghĩa là hang quỷ, động quỷ. Nói động Quỷ Cốc thì có vẻ như thừa chữ động. Tuy nhiên, người Việt chúng ta hay nói đàn dương cầm (piano, dù đàn và cầm đồng nghĩa), núi Thất Sơn (dù núi và sơn đồng nghĩa), sông Hồng Hà (dù sông và hà đồng nghĩa)...
Chữ quỷ ngoài nghĩa là ma quỷ (demon), còn có nghĩa là tài giỏi (clever). Do đó thành ngữ quỷ phủ thần công có nghĩa là tay nghề khéo tột bậc (superlative craftsmanship).
Thời Chiến Quốc có ông họ Vương , tên Thiền , tự là Hủ , nên cũng gọi Vương Hủ. Ông xưng là Quỷ Cốc Tử , gọi động núi nơi ông ở là Quỷ Cốc. Bốn học trò lỗi lạc của ông là Tôn Tẫn (người nước Yên), Bàng Quyên và Trương Nghi (người nước Ngụy), Tô Tần (người Lạc Dương, kinh đô nhà Chu).
Nhân đây, cần biết thêm rằng bài thánh giáo ở trang 570 (bản in 2017) in: “(C)hống lại cơ Trời thì trăm lần hư hại...” Ba dấu chấm lửng đặt ở đó là sai. Bởi vì bản in này đã cắt bớt 117 chữ ngay trước câu “Chư hiền chắc hiểu ý Bản Quân nói đây chứ?” Khi lược bớt chữ, nên dùng ký hiệu (...) thay vì dùng ba dấu chấm lửng.
Đối chiếu Thánh Truyền Trung Hưng (bản lưu hành nội bộ, gồm bốn tập), ta thấy bản in 2017 lược bớt 117 chữ như sau:
Chúng ta thấy rõ truyện Phong Kiếm Xuân Thu, nghiệp vận về ai nấy được. Bên nầy có tướng tài tôi mạnh, quyền pháp cao thâm, được Tôn Tẫn phò trì. Tuy Tôn Tẫn là bực Đại Tiên chứng ngôi Liễu Nhứt cũng chỉ có quyền giữ lại trong ngày giờ chưa mãn số tiền định mà thôi.
Có kẻ hỏi Liễu Nhứt Chơn Nhơn thành quả đạo sao không đạt cơ Trời, chống làm gì cho nhọc và có lỗi cùng Thiên Đình?
Trung hiếu là đạo lớn, Liễu Nhứt còn có nhiệm vụ trung với Yên, hiếu với Tề mà hành động. Song vì biết cơ Trời nên không dụng hết thần thông đối địch.”
Trong đoạn thánh giáo dẫn trên, Đức Trần Nguyên Chí nhắc tới ngài Tôn Tẫn, tức Liễu Nhứt Chơn Nhơn, vốn là học trò Quỷ Cốc Tử (Vương Thiền).
Tôn Tẫn họ Tôn, không rõ tên thật là gì. Vì Bàng Quyên mưu hại, ông bị chặt (hay đập nát) xương bánh chè ở hai đầu gối (tẫn / kneecapping; cutting or smashing kneecaps), do đó gọi là Tôn Tẫn. (Truyện Tàu bảo ông bị chặt hai bàn chân, hay mười ngón chân.)
Tôn Tẫn là người nước Yên, cha là phò mã Tôn Tháo, mẹ là công chúa Yên Đơn, ông nội là Tôn Võ Tử (tác giả binh pháp Tôn Tử). Tôn Tẫn lên chín thì cha mất, được chú là Tôn Kiều (làm quan đại phu nước Tề) đem về nuôi. Khi Tôn Kiều gặp nạn, lánh sang nước Chu, Tôn Tẫn phải đi làm thuê vì gia đình sa sút.
Nghe nói Quỷ Cốc Tử tài cao phép lạ, Tôn Tẫn tìm đến Quỷ Cốc xin học. Quỷ Cốc là cái động trong núi Vân Mộng ở Dương Thành, đất nhà Chu.
Cùng học với Tôn Tẫn có Bàng Quyên. Sau này nhờ quan tướng quốc nước Ngụy là Vương Thác tiến cử lên Ngụy Huệ Vương mà Bàng Quyên được làm nguyên soái, kiêm quân sư. Khi nghe một cao nhân khen Tôn Tẫn học được binh pháp Tôn Võ Tử, tài giỏi vô song, Ngụy Huệ Vương bèn bảo Bàng Quyên hãy vời Tôn Tẫn đến giúp. Sợ Ngụy Vương trọng dụng Tôn Tẫn mà bỏ rơi mình, Bàng Quyên lập kế độc hãm hại, Tôn Tẫn bị chặt xương bánh chè ở hai đầu gối.
Tôn Tẫn giả điên thoát khỏi nước Ngụy, sang nước Tề giúp Tề Uy Vương. Khi Tề và Ngụy đánh nhau, Tôn Tẫn lập mưu diệt được quân Bàng Quyên tại Mã Lăng. Bàng Quyên rút kiếm đâm cổ chết.
Trả thù xong, Tôn Tẫn về ẩn tu ở núi Thạch Lư. Ngài thành Tiên, hiệu là Liễu Nhứt Chơn Nhơn.
Trong Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Liễu Nhứt Chơn Nhơn có giáng cơ nhiều lần. Tiền bối Phan Thanh (1898-1952), đắc quả Bạch Liên Tiên Trưởng, vốn là đệ tử Đức Liễu Nhứt Chơn Nhơn.

(Trích Gió Bốn Phương, trong Đạo Uyển tập 27, quý Ba năm 2018.)

sông non hay non sông? Dã hay giả?



@ Một tín hữu ẩn danh. Điện thư ngày 10-3-2018:
Đầu xuân Mậu Tuất, tệ muội về thánh thất và thỉnh được quyển THÁNH TRUYỀN TRUNG HƯNG (Hà Nội: Nxb Tôn Giáo 2017). Nơi trang 1002 có Bản Đính Chính. Theo đó thì hai chữ sông non đã in ở trang 305 (cột I, dòng 6 đếm từ dưới lên) phải sửa lại là non sông. Tệ muội cảm thấy là lạ về sự sửa chữa này nên muốn được Ban Ấn Tống giúp cho ý kiến. Ngoài ra, tệ muội cũng xin quý huynh tỷ giải thích giúp ý nghĩa câu Đạo THƯỢNG ĐẾ” (trang 880) trong bản in nói trên.
Huệ Khải: Chào đạo hữu. Phần trả lời hơi dài nên được tách thành hai mục như sau:
1. Bình thường chúng ta nói non sông, như thánh giáo tại Trước Lâm Thánh Đức Thiền Điện (Vĩnh Long) ngày 02-5-1971, Đức Phan Thanh Giản dạy:
Non sông một dải kia kìa
Đừng cho ai cắt ai chia giống nòi.
Nhưng tại Trung Hưng Bửu Tòa ngày 05-02-1956, Đức Lý Thái Bạch áp dụng phép đảo ngữ khi dạy:
Năm lập pháp cộng đồng vui khổ
Ngày thọ ân đã cố làm tròn
Tiếng tăm nổi với sông non
Khó khăn vững bước, chìu lòn quanh co.
Theo luật thơ song thất lục bát, chữ cuối câu lục (non) phải hiệp vận với chữ cuối câu thất trước nó (tròn) và chữ thứ sáu trong câu bát tiếp theo (lòn).
Như vậy, Bản Đính Chính lẽ ra đừng đổi sông non thành non sông, vì sông không hiệp vận với tròn lòn.
Rất may ở trang 39 bản in nói trên còn có một bài thánh thi khác cũng đảo ngữ thành sông non mà Bản Đính Chính không đổi thành non sông. Đó là thánh giáo tại Tòa Thánh Hậu Giang ngày 15-02 Đinh Sửu mà ấn bản Thánh Truyền Trung Hưng nói trên lại in ngày dương lịch là 27-03-1937 (sic).
Một năm có mười hai tháng; riêng tháng Một và tháng Hai nên viết số là 0102 để tránh nhầm lẫn với tháng 11 và 12. Bởi vì không có các tháng 13, 14, ... 18, 19, thế nên từ tháng 3 tới tháng 9 KHÔNG cần viết là 03, 04, ... 08, 09 (điều này khác với quy ước ở văn bản điện tử).
Trong thánh giáo ngày 27-3-1937, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế xưng danh qua bài tứ tuyệt quán thủ như sau:
NGỌC Kinh mở cửa để chờ con
HOÀNG cảnh trần gian đạo đức tròn
THƯỢNG chí hạ lưu tu đức chính
ĐẾ dân khỏi thẹn với sông non.
Ở đây, Thầy đảo ngữ thành sông non để hiệp vận với contròn.
Lại tiếc rằng ấn bản 2017 này in là Hoàng cảnh thì làm cho câu thơ sai chánh tả (hoàn cảnh 環境: environment, circumstances, surroundings). Lẽ ra nên in: HOÀN(G) cảnh trần gian đạo đức tròn; như thế, tín chúng hiểu rằng đọc theo quán thủ là NGỌC HOÀNG THƯỢNG ĐẾ, còn đọc theo câu thơ là HOÀN cảnh trần gian đạo đức tròn.
(Khi dẫn lại các câu thơ ở ấn bản 2017 tôi đã bỏ bớt các dấu phẩy, dấu chấm cuối câu.)
2. Trang 880 in là Đạo THƯỢNG ĐẾ.” Như vậy sách đã in sai. Lẽ ra phải là: Đạo giả THƯỢNG ĐẾ.
Ở đây chúng ta gặp cấu trúc GIẢ . Cấu trúc này giải thích về người hay sự vật.
A. Chữ DÃ ở cuối câu diễn tả ý khẳng định; có khi dịch DÃ là VẬY, hoặc không dịch. Thí dụ:
a. Tuân Khanh giả Triệu nhân .
荀卿者趙人也. (Tuân Khanh là người nước Triệu.)
b. Sinh ngã giả ngã phụ mẫu .
生我者我父母也. (Người sinh ra ta là cha mẹ ta.)
Trong thí dụ b, chữ ngã thứ nhất làm bổ ngữ (object) cho động từ sinh, tương đương chữ me trong tiếng Anh. Chữ ngã thứ hai làm định ngữ (modifier) cho cụm danh từ phụ mẫu, tương đương chữ my trong tiếng Anh; ngã phụ mẫu tức là my parents (cha mẹ ta).
c. Trung Dung (chương 20) có hai câu này:
Nhân giả nhân . 仁者人也. (Đức nhân là đạo làm người. / Có đức nhân mới là người.) ([1])
Nghĩa giả nghi . 義者宜也. (Nghĩa là việc nên làm.)
d. Đổng Trọng Thư (179-104 trước Công Nguyên) viết:
Mệnh giả Thiên chi lệnh . Tính giả sinh chi chất .
命者天之令也. 性者生之質也. (Mệnh là lệnh của Trời vậy. Tính là bản chất lúc sinh ra vậy.)
e. Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đàn ngày 13-01 Bính Dần (Thứ Năm 25-02-1926), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Thiên giả Ngã .
(天者我也. / Trời là Ta vậy. / Heaven is Me. / God is Me.) ([2])
B. Trong cấu trúc nói tới ở mục A trên đây thì chữ DÃ cuối câu có thể lược bớt. Đây là trường hợp ta gặp trong Thánh Truyền Trung Hưng, thánh giáo tại thánh thất Kim Quang Minh Đài, ngày 22-6 Canh Tuất (Thứ Sáu 24-7-1970), Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế dạy:
Nguyên thủy hữu Đạo. Đạo giả Thượng Đế. Đạo tức Thượng Đế dã.
(原始有道. 道者上帝. 道即上帝也. / Đầu tiên có Đạo. Đạo là Thượng Đế. Đạo tức là Thượng Đế vậy. / In the beginning, there is Dao. Dao is God. It is Dao that is God.)
Câu thứ hai có thể viết: Đạo giả Thượng Đế . (Đạo là Thượng Đế [vậy].) Chữ dã/vậy có thể bớt đi.
Thánh ngôn, thánh giáo Cao Đài thường dùng khá nhiều từ Hán Việt; do đó, điển ký (hoặc người sao chép) nếu không rõ ý nghĩa thì rất dễ viết sai, khiến cho câu văn, lời thơ khó hiểu. Nhất là trong Nam, bổn đạo lại phát âm không phân biệt giả (dấu ngã) thường nói cả hai y hệt như dả (dấu hỏi) nên càng rối rắm. Tình trạng này khiến cho người học đạo gặp nhiều trở ngại. Bởi vậy, công việc san định kinh sách Cao Đài rất hệ trọng. Hiện nay, trên Internet tràn lan những văn bản viết về đạo Cao Đài mà tiếng Việt thường mắc nhiều lỗi sai; thực trạng này khiến cho hình ảnh nhà Đạo chúng ta trước mắt công chúng dường như thiếu sức thuyết phục.



([1]) Ngụ ý kẻ thiếu lòng nhân thì chưa thật sự là người, chỉ mới mang hình dáng người bên ngoài mà thôi. (Nhân giả nhân dã được James Legge dịch là: Benevolence is the characteristic element of humanity.) Minh Tâm Bảo Giám có câu: Người xưa hình dáng tợ như thú nhưng tâm có đức độ bậc đại thánh. Người nay bề ngoài tợ như người nhưng lòng lang dạ thú há đâu lường được. (Cổ nhân hình tự thú, tâm hữu đại thánh đức. Kim nhân biểu tự nhân, thú tâm an khả trắc. 古人形似獸, 皆有大聖德. 今人表似人, 獸心安可測.)
([2]) Trong tiếng Anh, chữ Heaven hay God viết hoa có nghĩa là Trời, Thượng Đế.


(Trích Gió Bốn Phương, trong Đạo Uyển, tập 26, quý Hai năm 1018.)

lâm thâm uyên, lý bạc băng


Như lý bạc băng



* Hiền hữu Nguyễn Thế Tuấn (TT Trung Hải, HT Truyền Giáo Cao Đài, Đà Nẵng). Điện thư ngày 29-12-2016:
Trong Thánh Truyền Trung Hưng, phần Giáo Pháp, tập II, ở trang 173, in bài thánh giáo do Đức Thái Bạch Kim Tinh dạy tại Tịnh Đường, vào Tý thời, ngày 24-12 Giáp Thìn (Thứ Ba 26-01-1965), có đoạn như sau:
“Sở dĩ sự sám hối không thành là tại lòng người còn đảo điên xao lãng, chưa hết dạ chí thành. Hối nghĩa là sao? Là nguyện từ nay bao nhiêu những lỗi cũ không còn vấp phạm nữa, phải luôn luôn tư thiết ([1]) với tội lỗi của mình. Như Lâm Thâm Huyên, Lý Bạc Băng, phải lo sợ cái ngày chết nó kề một bên.”
Kính nhờ Văn Uyển cho biết qua lai lịch hai nhân vật Lâm Thâm Huyên, Lý Bạc Băng.
Huệ Khải: Thưa hiền hữu, câu chót đoạn thánh giáo đó bị bộ phận điển ký chấm câu sai hai chỗ, viết sai chánh tả một chữ, và viết hoa sai hết tám chữ.
Các chỗ sai ấy : “... phải luôn luôn tư thiết với tội lỗi của mình. NLâm Thâm Huyên, Lý Bạc Băng, phải lo sợ cái ngày chết nó kề một bên.”
Theo tôi hiểu, hãy sửa lại là: “... phải luôn luôn tư thiết với tội lỗi của mình, nlâm thâm uyên, [như] lý bạc băng. Phải lo sợ cái ngày chết nó kề một bên.”
Chữ HUYÊN và UYÊN đồng bào miền Trung và miền Nam phát âm giống như nhau, do đó điển ký miền Trung nghe đồng tử miền Trung xuất khẩu (hay độc giả miền Trung đọc) rồi viết nhầm. Đồng bào miền Bắc phát âm hai chữ này khác nhau hoàn toàn. Điển ký lại còn viết hoa sáu chữ Lâm Thâm Huyên, Lý Bạc Băng, làm bà con Cao Đài mình tưởng lầm là danh tánh hai người, của ông (hay bà) họ Lâm tên Huyên, và họ Lý tên Băng.
Trong Luận Ngữ (Thái Bá 8:3), có nhắc tới câu “Chiến chiến căng căng như lâm thâm uyên, như lý bạc băng. 戰戰兢兢, 如臨深淵, 如履薄冰.” trích trong Kinh Thi.
Chiến là run rẩy vì sợ hãi. Căng (hay căng căng) là kiêng dè, cẩn thận. Chiến căng (chiến chiến căng căng) là sợ run lập cập.
Câu Kinh Thi dẫn trong chương Thái Bá nói trên được Nguyễn Hiến Lê dịch như sau: “Phải nơm nớp chăm chăm, như đi xuống vực sâu, như đi trên lớp băng mỏng.”
Tóm lại, trong thánh giáo năm xưa tại Tịnh Đường, Đức Lý Thái Bạch đã nhắc lại Kinh Thi, nhắc lại Luận Ngữ.


([1]) tư thiết 思切: Đau đáu nghĩ tới (to think, to consider, to believe, to think of ). Từ tư thiết thấy trong từ điển Kanji của Nhật, chưa thấy Trung Quốc dùng. (Lê Anh Minh chú)