Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2021

5b. PHỤ ĐÍNH: TƯ TƯ THIẾT THIẾT / Tìm Hiểu Thánh Truyền Trung Hưng - Năm Tân Sửu & Quý Mão (1961 & 1963)

 

PHỤ ĐÍNH: Tư Tư Thiết Thiết

Tư tư thiết thiết là một cụm từ chữ Nho, có lẽ ít thông dụng trong văn học hay kinh sách chữ quốc ngữ.

1. Thời Nam Kỳ thuộc Pháp, tại thôn Mỹ Trà (Cao Lãnh, nay thuộc tỉnh Đồng Tháp) có ông Nguyễn Văn Thới (thường gọi là ông Ba Thới). Ông sinh năm Bính Dần (1866), tu theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, quy thiên ngày 09-4 Bính Dần (Thứ Hai 09-5-1927) tại làng Kiến An,([1]) quận Chợ Mới, tỉnh Long Xuyên.([2]) Bình sinh, ông sáng tác chín quyển thơ khuyến tu, sau đó được bổn đạo kết tập in chung thành một quyển, tổng cộng 2.184 câu thơ, lấy nhan đề là Kim Cổ Kỳ Quan (mượn nhan đề quyển một). Trong quyển chín, nhan đề Kiểng Tiên (tức Cảnh Tiên),([3]) có hai câu này: Anh em khá tư tư thiết thiết / Có học hành mới biết dại khôn.

2. Diễn tả nỗi lòng tương tư của một chàng trai, dân ca Nam Kỳ có câu hát: Ngày sáu khắc tư tư thiết thiết / Đêm năm canh dạ héo gan khô.

3. Trong tiểu thuyết Kim Vân Kiều Truyện 金雲翹傳 của Thanh Tâm Tài Nhân 青心才人 (1521-1593), Hồi thứ Hai Mươi, tả lòng Kim Trọng thương nhớ Thúy Kiều, tác giả dùng tám chữ: tư tư thiết thiết, niệm niệm tưởng tưởng 思思切切, 念念想想. Giáo Sư Đàm Quang Hưng (1933-2017) dịch là “nghĩ nghĩ thương thương, đau đau nhớ nhớ”.

Theo ba trích dẫn trên đây, tư tư thiết thiết viết như một cụm từ (không có dấu phẩy giữa tư tư thiết thiết); điển ký cũng chép bản thánh giáo như vậy.

4. Thiết thiết, tư tư chép trong Luận Ngữ (13:28) với dấu phẩy ngăn cách (thiết thiết, tư tư), nhưng chữ Nho viết khác hơn, và được hiểu khác với nghĩa ở mục 2 và 3 dẫn trên.

4.1. Tử Lộ vấn viết: “Hà như tư khả vị chi sĩ hỹ?” Tử viết: “Thiết thiết, tư tư, di di như dã, khả vị sĩ hỹ. Bằng hữu thiết thiết, tư tư, huynh đệ di di.”

子路問曰: “何如斯可謂之士矣?” 子曰: 切切, 偲偲, 怡怡如 , 可謂士矣. 朋友切切, 偲偲, 兄弟怡怡.”

4.2. Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) dịch:

Tử Lộ hỏi: “Thế nào thì có thể gọi là kẻ sĩ?” Khổng Tử đáp: “Thiết tha khuyên nhủ, và hòa vui, thì có thể gọi là kẻ sĩ. Bạn bè thì thiết tha khuyên nhủ nhau, anh em thì hòa vui với nhau”.

5. Kết hợp các nghĩa ở mục 2, 3, và 4, tạm hiểu tư tư thiết thiết theo hai nghĩa: a/ 思思切切 (deeply missing sb): Thiết tha thương nhớ; b/ 偲偲切切 (earnestly advising sb): Thiết tha khuyên nhủ.



([1]) Sau năm 1956, các làng gọi là xã.

([2]) Do sắc lịnh 143/VN ngày 22-10-1956, tỉnh Châu Đốc và tỉnh Long Xuyên sáp nhập thành tỉnh An Giang.

([3]) Cảnh đọc thành Kiểng có lẽ vì kiêng húy Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700) chăng?