Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

TRẦN HƯNG ĐẠO (21-7-1969)

 

ĐƯỜNG HƯỚNG CỦA CON NGƯỜI HƯỚNG ĐẠO QUYỀN PHÁP VỚI SỨ MẠNG TRUNG HƯNG

Trung Hưng Bửu Tòa (Đà Nẵng)

ngày 08-6 Kỷ Dậu (Thứ Hai 21-7-1969)

Pháp đàn: Huệ Thanh Vân. Phò loan: Liên Hoa.

THI

TRẦN triều nhất trí đuổi quân Nguyên

HƯNG khởi lòng dân giữ chủ quyền

ĐẠO đức rộng gieo người tín thuận

GIÁNG thăng tùy lúc hưởng bình yên.

Bản Thánh chào chư chức sắc Lưỡng Đài, chư đạo tâm nam nữ. Mời toàn thể Thiên ân và đạo tràng an tọa. Bản Thánh hôm nay có mấy lời gọi là tâm huyết cùng toàn đạo.

Kể từ ngày chỉnh cơ lập pháp đến khai cơ giáo pháp, trải qua những giai đoạn gay go thử thách đã để lại cho Hội Thánh những bài học sâu xa, nhiều kinh nghiệm. Nhờ đó mà chư Thiên ân và toàn đạo ý thức được rất nhiều trên nấc thang tiến bộ. Quyền pháp đã nung nấu con người Thiên ân. Lẽ ra ai nấy cũng thấm nhuần nhiệm vụ của mình, sẵn sàng đứng ra đảm nhiệm trọng trách lớn lao mà đưa sứ mạng trung hưng tiến sâu vào giai đoạn khai cơ thành đạo.

Ôi! Nhắc lại sứ mạng trung hưng, thử hỏi còn mấy người giữ tròn trách nhiệm? Quyền pháp đã trao, sứ mạng đã gắn, lẽ ra mỗi người giữ đúng chương trình mà hoàn thành công vụ.([1]) Nhưng một khi cơ thử thách tung ra, thì lòng người rối loạn, quên cả sự dặn dò. Đường đi nước bước chừng như chẳng còn ai nhớ. Mà kẻ hướng đạo cũng quên thì bảo sao không còn linh thiêng.




Chương trình đã nêu ra từ quẻ Phục, đến Lâm, sang Thái([2]) là giai đoạn đầu giai đoạn chỉnh cơ và khai cơ giáo pháp. Chắc các hiền cũng còn nhớ thánh ngôn đã nói gì: Bảo con người hướng đạo phải làm y theo quyền pháp. Từng người dầu lỡ lầm cũng mau quay lại,([3]) như Sơ Cửu (bất viễn phục),([4]) Lục Nhị (hưu phục).([5]) Cũng biết bao kẻ “tần thất, tần phục”,([6]) nhưng còn đỡ hơn ([7]) là đám người “mê phục” ([8]) như hào Thượng Lục.

Đáng ra ([9]) giai đoạn trung hưng là giai đoạn hé một chân trời để bảo trì đường hướng cứu độ của Chí Tôn. Mấy năm qua của bước đầu lập pháp, nội tình toàn bộ trên dưới nhứt tề,([10]) Trời người hòa hợp, tình thương sự sống trang trải ([11]) xa gần, mệnh lệnh đưa ra thì muôn người vâng phục, một việc làm đã định thì lớn nhỏ cộng công cộng lực ([12]) chung lo, nào khác chi hào Sơ Cửu quẻ Thái (bạt mao như, dĩ kỳ vị, chinh cát).([13]) Chí hướng ấy, nghị lực ấy bạt núi lấp bể khó gì.

Người Thiên ân hàm chứa một tâm đức cao cả như bậc thánh sống,([14]) đủ mưu lược, đủ tài ba, thông minh, đức độ, cảm hóa mọi người, nào khác chi Cửu Nhị (bao hoang, dụng bằng hà, bất hà di, bằng vong, đắc thượng vu trung hành).([15]) Mà đã nhiều lần nhắc nhở Thiên ân trên con đường trì Thái, bảo Thái. Thái tới Bĩ như lật bàn tay; Bí tới Bác cùng trong chớp mắt.([16])

Cũng bởi vậy, người Thiên ân phải được đức khoan lượng, “bao hoang”, dung chứa mọi người không phân cao hèn sang tiện.([17]) Phải cương dũng quả quyết như “dụng bằng hà”, không sợ sệt, không ngại ngùng trước mọi khó khăn. Mà còn để mắt đặt tay nâng bước cho mọi người, dắt dìu kẻ lẻ loi bị tuồng đời bạc đãi, ấy là bất hà di. Mà cũng không thân riêng lập nên bè đảng địa phương; lòng hướng đạo đại công, vô tư mới xứng hai chữ “bằng vong”.

Thế mà bốn đức kia ([18]) Thánh Nhân còn sợ lệch, nên dạy người thêm một câu là đắc thượng, nghĩa là bốn đức kia phải được “trung hành”.([19])

Hỏi vậy người hướng đạo chúng ta phải thế nào đ tránh cái họa “vô bình bất bí, vô vãng bất phục? ([20]) Trong lúc còn “bình” không ngừa được “bí”, còn khi đương “vãng” không lo một ngày nó sẽ “phục”, thì tránh không khỏi loạn. Phe danh lợi đương chực sẵn, đám tiểu nhân dòm chừng, có thể ngăn đường lấp lối trung hưng, phá đổ nền móng giáo pháp, như Lục Tứ (Phiên phiên, bất phú, dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu),([21]) rồi đến “thành phục vu hoàng” ([22]) thì sứ mệnh ô hô tam thốn! ([23])




Hôm nay, Hội Thánh ta đang đứng trong giai đoạn Bí,([24]) giai đoạn phô diễn màu sắc hương vị, trưng bày đủ hình thức làm một tiếng vang xa gần, người đều biết mặt, như vậycũng danh dự lắm. Song Bản Thánh còn lo sẽ có ngày bị Bác. Bí với Bác ở cạnh một bên. Thái với Bĩ cũng là sát cạnh ([25]) thì bảo trì cho được Thái, giữ đúng lời Soán: “Thái, tiểu vãng đại lai, cát hanh. Tắc thị dĩ thiên địa giao nhi vạn vật thông dã; thượng hạ giao nhi kỳ chí đồng dã. Nội dương nhi ngoại âm, nội kiện nhi ngoại thuận, nội quân tử nhi ngoại tiểu nhân, quân tử đạo trưởng, tiểu nhân đạo tiêu dã.” ([26]) Gắng kiểm điểm nội bộ và giữ đúng lời Đại Tượng: “Thiên địa giao Thái, hậu dĩ tài thành thiên địa chi đạo, phụ tướng thiên địa chi nghi, dĩ tả hữu dân.” ([27]) Đó là đường hướng của con người hướng đạo quyền pháp với sứ mạng trung hưng.([28])

Đứng vào thời Thái tuy thịnh vượng nhưng chớ kiêu. Được giai đoạn Bí khoe sắc phô hương cũng chớ lấy đó làm vinh dự mà quên con đường tu thân khắc kỷ.([29])

Hôm nay, Hội Thánh dâng sớ cầu truy phong ([30]) và tân phong một số lễ sanh, ấy là một phần thưởng cao trọng. Mà hễ nói thưởng ắt phải nói phạt. Thưởng phạt lúc nào cũng đi đôi. Người cầm quyền pháp phải quang minh chánh đại. Lúc nên khoan thì khoan, lúc nên mãnh ([31]) thì mãnh. Nếu dùng khoan mà bỏ nghiêm thì thiên hạ lờn dể. Nếu dùng nghiêm mà thiếu khoan thì thiên hạ oán thù.

Hôm nay, Hội Thánh lấy khoan để ban thưởng cho toàn đạo, những người có công vì Đạo, nhưng không thấy dùng nghiêm để răn dạy những đạo hữu phạm Thập Hình,([32]) thì cán cân không được thăng bằng, quyền đạo thiếu phần bảo đảm.

Song Hội Thánh đã thay mặt Thiêng Liêng đảm trách phần đời, cầm quyền hành pháp điều độ nhân sanh thì lẽ cố nhiên trên có Thầy và các Đấng thiêng liêng chấp chưởng để quyền Hội Thánh trở nên trọng đại.

Hội Thánh là một phần quyền pháp mà Thầy đã đặt sứ mạng, trao trọn phần đời. Sự thưởng phạt Hội Thánh đã nói ra phải được Linh Thiêng ([33]) tôn trọng. Trên có Thầy và Tam Giáo cũng thể quyền pháp,([34]) những lời Hội Thánh cầu xin, những người Hội Thánh ban thưởng hay răn phạt thì luật Thiên Điều cũng chiếu theo đó mà ghi công hay chép tội. Con đường siêu đọa do đó mà ra, nên Hội Thánh phải nhận lấy trách nhiệm trọng hệ của mình. Muốn chi thì Thầy cho nấy; song, khi Hội Thánh bị truất quyền thì Thiên Điều giũ sổ,([35]) dầu có cầu nài cũng vô ích mà thôi.

Vậy chư Thiên ân và toàn đạo chuẩn bị tinh thần và nghiêm chỉnh y cân ([36]) tiếp giá Chí Tôn.

Bản Thánh chào chư đạo hữu. Thăng.



([1]) công vụ 公務 (public affairs): Việc chung, tức là việc đạo.

([2]) Địa Lôi Phục  (quẻ 24), Địa Trạch Lâm  (quẻ 19), Địa Thiên Thái  (quẻ 11).

([3]) dầu lỡ lầm cũng mau quay lại: Tức là “bất viễn phục”. (Bất viễn: Không xa. phục: Quay trở lại. Bất viễn phục: Đi chưa bao xa liền quay trở lại; ý nói vừa mới lầm lỗi thì sớm biết quay về đường chánh.)

([4]) bất viễn phục 不遠復 (returning from a short distance): Sớm thức tỉnh và quay đầu trở lại đường chánh.

([5]) hưu phục 休復: “Hưu” là “tốt” (Phan Bội Châu), là “đẹp đẽ” (Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Hiến Lê), là “admirable: đáng ngưỡng mộ” (James Legge), là “quiet: thầm lặng” (Richard Wilhelm). “Hưu phục” theo Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Hiến Lê là sự trở lại tốt đẹp; theo Legge là sự trở lại đáng ngưỡng mộ (admirable return); theo Wilhelm là sự trở lại âm thầm, lặng lẽ (quiet return).

([6]) tần thất: Dường như chỉ riêng Chu Dịch của Phan Bội Châu mới nói tới “tần thất” ở Lục Tam quẻ Phục. “Tần” là cứ lặp đi lặp lại (repeated, repetitious). “Thất” là lầm lỗi, sai lầm. “Tần thất” là lầm lỗi rồi sửa sai, để rồi tái phạm, cứ như vậy hoài (repeated mistakes, repetitious faults). Nhan Hồi không hề tái phạm một lỗi cũ nên Dịch (Hệ Từ Hạ) khen ngài “Tri chi vị thường phục hành dã. 知之未嘗復行也.” (Hễ biết lỗi rồi thì không hề tái phạm.) Do đó, Nhan Hồi không phải là người “tần thất”. tần phục 頻復 (repeated returns, repetitious corrections): Sửa lỗi nhiều lần. “Tần phục” ở Lục Tam quẻ Phục nói tới những người kém nghị lực, muốn từ bỏ điều xấu mà vẫn không thể dứt bỏ, nên sa ngã rồi ăn năn, rồi tái phạm. Họ cứ phải “làm lại cuộc đời” nhiều lần.

([7]) còn đỡ hơn: Còn khá hơn, còn tốt hơn. Bởi lẽ tuy sai phạm, vấp ngã nhiều lần nhưng còn biết sửa sai, sẵn lòng phục thiện.

([8]) mê phục 迷復 (still going astray and missing the return): Mê muội, lạc lối mà vẫn không trở lại đường lành, chứng nào tật nấy.

([9]) đáng ra: Lẽ ra, đáng lẽ, đáng lý ra.

([10]) nhứt tề 一齊 (unanimous): Đồng lòng.

([11]) trang trải: San sẻ, chia sớt.

([12]) cộng công cộng lực (co-operating): Góp công góp sức.

([13]) bạt mao như, dĩ kỳ vị 拔茅茹, 以其彙 (pulling up the grass and bringing with it other stalks with whose roots it is connected): Nhổ rễ cỏ mao mà bứng luôn cả bụi. chinh cát 征吉 (advance will be fortunate): Tiến lên thì tốt. Ý nói người Thiên ân hướng đạo biết kết hợp làm việc chung thì tiến hành mọi việc đều kết quả tốt.

([14]) người Thiên ân hàm chứa một tâm đức cao cả như bậc thánh sống: Như vậy, người Thiên ân hướng đạo còn hơn cả quân tử. Đức Giáo Tông Đại Đạo Thái Bạch Kim Tinh dạy: “(H)àng hướng đạo thế Thiên hành hóa phải hơn người quân tử nữa kìa.” (Thiên Lý Đàn, 23-3 Đinh Mùi, 02-5-1967) – Đức Tiền Khai Nguyễn Trung Hậu dạy: “Người hướng đạo phải hơn người quân tử.” (Thánh thất Nam Thành, 22-8 Đinh Mùi, 25-9-1967)

([15]) bao hoang 包荒 (bearing with the uncultured in gentleness): Bao dung, mềm mỏng chịu đựng những gì hoang dại, chẳng hạn như thành phần vô đạo, thiếu giáo dục; ý nói đức độ lượng, khoan dung. – dụng bằng hà 用馮河 (crossing a river without a boat or raft): Lội qua sông, tức là vượt sông mà không có thuyền bè; ý nói dám làm việc nguy hiểm tánh mạng, tức là bản lãnh, khí phách, can đảm. – bất hà di 不遐遺 (not neglecting what is distant): Không bỏ sót những việc hoặc người ở xa; ý nói có kế hoạch chu đáo, không để sơ sót. – bằng vong 朋亡 (ignoring selfish companionships): Không nghĩ đến bè đảng, phe phái. đắc thượng vu trung hành 得尚于中行 (winning superiority by acting in accordance with the golden mean): Đạt được điều tột bực, tốt nhứt bằng cách hành xử đúng trung đạo, không thái quá cũng không bất cập.

([16]) Thái tới Bĩ như lật bàn tay: Liền kề Địa Thiên Thái  (quẻ 11) là Thiên Địa Bĩ  (quẻ 12). Bí tới Bác cùng trong chớp mắt: Liền kề Sơn Hỏa Bí  (quẻ 22) là Sơn Địa Bác  (quẻ 23). Nghĩa bóng: Hãy đề phòng điều tốt dễ diễn biến thành xấu, như câu “Phúc hề họa chi sở phục” 福兮之所伏 (Phúc là họa rình rập. Đạo Đức Kinh, chương 58).

([17]) Đức Chí Tôn dạy: “Những đứa nào hạp ý con thì các con phải ráng dìu dắt chúng nó bước theo cho kịp. Trái lại, những đứa nào nghịch với các con thì lại càng phải cố gắng tìm mọi cách dìu dắt chúng nó trở lại đường chánh chơn thiện mỹ. Chúng nó tưởng vậy là khôn, nhưng đã quá dại khờ cắm đầu vào hố sâu tội lỗi mà không hay biết. Các con đừng giận hờn, khi rẻ, rồi bỏ chúng. Trái lại, các con phải hỷ xả từ bi độ dẫn chúng nó. Làm được vậy mới đáng là con yêu quý của Thầy.” (Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Cao Đài Giáo Việt Nam, 15-02 Nhâm Tý, 29-3-1972) Trước đó, Đức Chí Tôn dạy: “Trong lúc chúng nó khảo đảo các con, làm phiền lụy các con không phải vì chúng nó muốn như vậy, mà bởi vì vô minh nên không biết đâu là tội, đâu là phước. Vì lẽ đó nên tha thứ thương yêu chúng nó hơn là giận hờn, phiền trách rồi bỏ chúng nó càng ngày càng đi sâu vào hố sâu vực thẳm của tử thần. Làm được như vậy là các con đã đem món quà xuân vô giá hiến dâng cho Thầy đó.” (Thánh thất Nam Thành, 01-01 Kỷ Dậu, 17-02-1969)

([18]) bốn đức kia (those four virtues): Tức là “bao hoang” (khoan dung, độ lượng), “dụng bằng hà” (can đảm), “bất hà di” (chu đáo), “bằng vong” (không bè đảng, không phe phái).

([19]) đắc thượng, trung hành: Kết quả tối ưu (đắc thượng) là do hành xử không thái quá cũng không bất cập, theo trung đạo hay trung dung (trung hành). Bởi lẽ, “bao hoang” mà thái quá thì đi đến chỗ hỗn tạp, ô hợp; “dụng bằng hà” mà thái quá thì đi đến chỗ táo tợn, vọng động; “bất hà di” mà thái quá thì đi đến chỗ chi li, tỉ mẩn, vụn vặt; “bằng vong” mà thái quá thì đi đến chỗ mất hết đồng chí và bị cô lập. Thế nên, “bao hoang” mà không quên chọn lựa, sàng lọc; “dụng bằng hà” mà vẫn nhớ thận trọng giữ mình; “bất hà di” mà vẫn tránh những việc bao đồng, không tưởng; “bằng vong” mà vẫn nhớ thân cận người hiền đức, đề phòng kẻ tà gian. Đủ đầy như thế mới là theo đúng đạo trung dung. Có thể nói “trung hành” là đức thứ năm.

([20]) Vô bình bất bí, vô vãng bất phục. 无平不陂, 无往不復. (No plain not followed by a slope; no going not followed by a return.): Không có cái gì bằng mãi mà không nghiêng, không có cái gì đi mãi mà không trở lại. (Cửu Tam quẻ Thái) Ý nghĩa: Cảnh báo hãy coi chừng Địa Thiên Thái (quẻ 11) biến thành Thiên Địa Bĩ (quẻ 12). “Bĩ” đối nghịch với “Thái” vì “Bĩ” là bế tắc, không thông, không tương giao, trên dưới lôi thôi, v.v... Cho nên thánh giáo bảo đó là cái họa” phải tránh.

([21]) Phiên phiên, bất phú, dĩ kỳ lân, bất giới dĩ phu 翩翩, 不富, 以其鄰, 不戒以孚: Dập dìu với nhau, không giàu mà thành một xóm, chẳng ước hẹn mà cũng tin nhau. Ý nghĩa: Bọn tiểu nhân kết bè với nhau, tuy không giàu nhưng tụ tập thành xóm đông đúc, chẳng ước hẹn mà chúng tin nhau vì cả bọn đều sẵn lòng gian tà.

([22]) thành phục vu hoàng 城復于隍 (the wall returning into the moat): Tường thành sụp xuống hào. (Thượng Lục quẻ Thái)

([23]) sứ mạng ô hô tam thốn!: Ôi thôi sứ mạng đi đời nhà ma! Tức là sứ mạng chấm dứt, sứ mạng thất bại. Bởi vì “tam thốn” nghĩa là “ba tấc hơi”, do câu: Tam thốn khí tại thiên ban dụng; nhất đán vô thường vạn sự hưu. 三寸氣在千般用; 一旦無常萬事休. (Còn ba tấc hơi thì lu bu đủ thứ; một mai tắt thở mọi việc đều ngưng.)

([24]) : Sơn Hỏa Bí  (quẻ 22) là văn vẻ, rực rỡ, sáng sủa, trang hoàng, tô điểm, khoe sắc phô hương.

([25]) Bí với Bác ở cạnh một bên: Liền kề Sơn Hỏa Bí  (quẻ 22) là Sơn Địa Bác  (quẻ 23). Thái với Bĩ cũng là sát cạnh: Liền kề Địa Thiên Thái  (quẻ 11) là Thiên Địa Bĩ  (quẻ 12). Nghĩa bóng là: Hãy đề phòng điều tốt dễ diễn biến thành xấu, như ở đoạn trước có lời Đức Thánh Trần cảnh báo: “Trong lúc còn ‘bình’ không ngừa được ‘bí’, còn khi đương ‘vãng’ không lo một ngày nó sẽ ‘phục’, thì tránh không khỏi loạn.”

([26]) , 小往大來, 吉亨. 則是天地交而萬物通也; 上下交而其志同 . 內陽而外陰, 內健而外順, 內君子而外小人, 君子道長, 小人道 消也. (Thái là lúc cái nhỏ đi, cái lớn trở lại, tốt lành và hanh thông. Tức là trời đất giao hòa mà muôn vật thông; trên dưới giao cảm mà chí hướng như nhau. Nội quái là dương mà ngoại quái là âm, trong mạnh mà ngoài thuận, trong quân tử mà ngoài tiểu nhân, đạo quân tử thì lớn lên, mà đạo tiểu nhân thì tiêu lần.)

([27]) 天地交泰, 后以財成天地之道, 輔相天地之宜, 以左右民. (Trời đất giao hòa là Thái, bậc trị nước theo đó bồi dưỡng cho thành tựu cái đạo trời đất giao hòa, phụ giúp vào việc trời đất sanh hóa, lấy đó giúp dân.)

([28]) Mượn các chữ in đậm tạm đặt nhan đề cho bài thánh giáo này.

([29]) Xem lại chú thích (16) và (25) để thấm thía lời khuyên này.

([30]) truy phong 追封 (conferring a posthumous rank): Phong phẩm vị cho người đã qua đời.

([31]) mãnh (severe): Nghiêm khắc.

([32]) Thập Hình 十刑 (the Ten Punishments): Theo Đạo Luật Năm Mậu Dần (1938) lập thành tại Tòa Thánh Tây Ninh, những người đạo vi phạm Tân Luật và luật lệ Hội Thánh phải chịu một trong mười hình phạt, từ nặng tới nhẹ như sau: 1/ Không tuân Tân Luật và các luật lệ Hội Thánh; công kích Hội Thánh; nghịch mạng. Hình phạt: Trục xuất. 2/ Tư thông; dấy loạn chúng sanh. Hình phạt: Giáng cấp xuống làm tín đồ hay là buộc hành đạo ở ngoại quốc (ngoại trừ các lân bang như Lào, Cam Bốt…). 3/ Thâm lạm tài chánh; giả mạo văn từ (giấy tờ). Hình phạt: Giáng xuống hai cấp hay một cấp. 4/ Khi lịnh Hội Thánh; lập quyền riêng. Hình phạt: Ngưng quyền từ ba năm tới năm năm. 5/ Phạm Ngũ Giới Cấm. Hình phạt: Ngưng quyền từ một năm tới ba năm. 6/ Cường ngạnh. Hình phạt: Vào tịnh thất từ một tháng tới một năm, nhưng vẫn tiếp tục làm phận sự hành chánh. 7/ Phạm Tứ Đại Điều Quy. Hình phạt: Thuyên bổ đi nơi khác. 8/ Bê trễ phận sự; biếng nhác. Hình phạt: Phải về Tòa Thánh để gần Giáo Tông và Hộ Pháp mà cầu học đạo. 9/ Ganh ghét; hung bạo; đố kỵ; xu phụ. Hình phạt: Phải ăn năn sám hối, chịu tội cùng chúng sanh. 10/ Phạm Thế Luật. Hình phạt: Theo hầu bậc đức hạnh do Hội Thánh chỉ định mà cầu học đạo.

([33]) Linh Thiêng (heavenly powers): Các Đấng thiêng liêng.

([34]) cũng thể quyền pháp: Cũng tùy theo quyền pháp.

([35]) giũ sổ: Xóa tên trong sổ, tức là trừ bỏ, bỏ đi, loại bỏ.

([36]) y cân 巾衣 (clothing and headcovering): Áo và khăn bịt đầu.

 

HUỆ KHẢI chú thích LÊ ANH MINH hiệu đính